Xử bầu Kiên: Các bị cáo bị áp dụng hồi tố?

Luật sư Tâm cho rằng, các bị cáo đang có dấu hiệu bị áp dụng hồi tố. Ảnh: Bảo Thắng
Luật sư Tâm cho rằng, các bị cáo đang có dấu hiệu bị áp dụng hồi tố. Ảnh: Bảo Thắng
TPO - Chiều 28/5, phiên tòa Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Trong phần lớn bài bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Minh Tâm cùng một số luật sư khác cho rằng, các bị cáo đang bị áp dụng chế định hồi tố.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) cho rằng, quá trình theo dõi vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới. “Tuy nhiên, trong phần kết luận, chúng tôi rất tiếc khi không thấy kiểm sát viên đề cập đến” – ông Tâm nói.

Nói đến những sai phạm về hình thức, luật sư Tâm cho rằng, quyết định khởi tố bị can đối với ông Quang vi phạm Điều 126 Bộ luật TTHS. Thứ nhất, quyết định đã bỏ qua những nội dung quan trọng: Không ghi ngày lập biên bản HĐQT (22/3/2010, thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền), không ghi rõ Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, không ghi thời điểm Huỳnh Như chiếm đoạt số tiền tại Vietinbank.

Đây là những thông tin rất quan trọng, bởi nếu đối chiếu vào thời điểm phạm tội và thời điểm có hiệu lực của Luật Các tổ chức tín dụng, sẽ thấy, cơ quan chức năng đang áp dụng hồi tố đối với các bị cáo. Do vậy, theo quan điểm của luật sư, đây là quyết định khởi tố bị can không đúng quy định của pháp luật. Từ những sai sót trên, sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình tố tụng sau này.

Tiếp đến, thời điểm tách, nhập vụ án, luật sư Tâm cho rằng, có nhiều điều bất ổn. Việc đang xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, song lại mở tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm dẫn đến tình trạng “án chồng án”. “Trong phần kết luận, đại diện cơ quan truy tố cho rằng, hậu quả vụ án này đã được xác định ở một vụ án khác. Đây là cách tiếp cận và giải quyết rất có vấn đề” - luật sư Tâm phân tích.

Theo luật sư Tâm, việc cáo trạng thể hiện, rõ ràng là không truy tố hành vi ký, thông qua chủ trương ủy thác, và bỏ qua những mốc thời gian có trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhưng khi kết luận, đại diện cơ quan viện kiểm sát lại đưa những hành vi này vào.

Dẫn chứng tiếp về “cách hành xử” bất nhất của đại diện cơ quan truy tố, luật sư Tâm nói thêm, cáo trạng chỉ truy tố ông Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB) về hành vi “thông qua” cùng các thành viên khác trong việc đầu tư cổ phiếu, và không truy tố quá trình thực hiện đầu tư cổ phiếu.

Hành vi của các thành viên HĐQT ký, thông qua vào 22/3/2010 là không trái pháp luật, không trái Luật Các tổ chức tín dụng. Bởi, luật này có hiệu lực từ 1/1/2011. Hơn nữa, chủ trương này phù hợp với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cùng các văn bản hướng dẫn khác của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, không có điều luật nào cấm việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiết kiệm. Và, hành vi này phù hợp với điều lệ của ACB. “Trước ngày 1/1/2011, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm ngân hàng ủy thác cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm” – luật sư Tâm khẳng định.

Cũng theo luật sư Tâm, “khi luật mới ban hành, nhưng chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn được phép thực hiện tiếp các kế hoạch đã và đang triển khai trước đó. Đây là một thực trạng đang diễn ra hằng ngày”. Trên thực tế, Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ nhiều năm trước khi ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Luật sư Tâm thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm của luật sư Hoàng Đôn Hùng, khi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải tự xác định trách nhiệm của mình một cách rõ ràng liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động ủy thác.

Nói đến hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Tâm khẳng định, Huyền Như nếu có, thì đó là lừa đảo chiếm đoạt tiền của Vietinbank, chứ không phải từ “túi” của ACB. Và thực tế, chính ngân hàng ACB cũng chỉ đòi Vietinbank chứ không đòi Huyền Như bồi hoàn thiệt hại. Vì vậy, nếu hành vi “bị mất” hơn 718 tỷ đồng, sẽ không phải từ câu chuyện cố ý làm trái.

“Hôm qua, vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng “vấn đề hậu quả không xem xét ở đây”, vậy xin thưa viện kiểm sát, các bị cáo bị cáo buộc tội danh Cố ý làm trái, vậy hậu quả ở đâu ạ? Tính nhân quả của hành vi phạm tội và hậu quả của tội đó ở đâu ạ?” – ông Tâm đặt câu hỏi về phía các công tố viên. Với những phân tích kể trên, luật sư Tâm cho rằng, bị cáo Trịnh Kim Quang không phạm tội Cố ý làm trái.

MỚI - NÓNG