Xét xử nhóm cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên: Bị hại sợ bị trả thù

Nguyễn Kim Hưng được ngồi khai báo vì lý do sức khỏe
Nguyễn Kim Hưng được ngồi khai báo vì lý do sức khỏe
TP - Bị hại trình bày, từng 2 lần muốn tự tử vì bị nhóm Hưng “kính” chèn ép, đe dọa và sỉ nhục một cách thô bỉ. Đến hôm nay, họ vẫn lo sợ gặp chuyện chẳng lành khi rời khỏi tòa án hoặc khi các bị cáo ra tù.

Có bỏ lọt tội phạm?

Sáng 25/7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) - Tổ trưởng bốc dỡ hàng hóa số 2 tại chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) và các đồng phạm trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”. Cùng tội danh, 4 bị cáo khác phải hầu tòa đều là cấp dưới của Hưng gồm Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”).

Theo cáo trạng, năm 2018, Hưng “kính” là tổ trưởng bốc xếp, có nhiệm vụ ghi tên chủ hàng, biển số xe, số tiền thu… vào bảng kê do Bản quản lý chợ Long Biên (BQL chợ) phát hành. Do vụ lợi, Hưng chỉ đạo nhóm đàn em chèn ép, gây khó khăn, đe dọa... hộ kinh doanh của gia đình vợ chồng anh Hoàng Anh Hà và chị Nghiêm Thúy Nga. Tổng cộng, nhóm này đã thu của vợ chồng anh Hà hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về BQL chợ 3,2 triệu đồng, còn lại chia nhau.

Tại tòa, Hưng “kính” được ngồi khai báo do tình trạng sức khỏe kém. Bị cáo này  gửi lời xin lỗi tới tất cả các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên vì trong thời gian làm việc đã không thực hiện đúng một số quy định. Hưng “kính” thừa nhận: “Đã có những ứng xử thiếu văn minh, chưa đúng mực đặc biệt với hộ chị Nga, anh Hà”.

Qua xét hỏi, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên Nguyễn Kim Hưng từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù; các bị cáo còn lại nhận từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù theo đúng tội danh truy tố. Ngược lại, luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ bị hại) cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là những người trong BQL chợ khi chủ động tuyển Hưng “kính” - người có 5 tiền án, tiền sự (gồm cả hiếp dâm) vào làm việc. BQL chợ cũng để việc thu tiền bảo kê diễn ra trong thời gian dài dù đã nhận đơn tố cáo. Vì vậy, ông Triển đề nghị tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án.

Từng 2 lần muốn tự tử

Cũng tại tòa, vợ chồng anh Hà cho biết hộ mình có 20 nhân viên bốc xếp nên không phải thuê tổ bốc xếp của chợ. Tuy nhiên, anh Hà vẫn phải nộp tiền cho nhóm Hưng “kính”.

 “Có đối tượng nghiện hút nặng, nhảy lên xe của tôi uy hiếp vợ chồng tôi, nhân viên của chúng tôi. Sợ nên chúng tôi phải nộp... Có một vài đối tượng mặc quần áo nhân viên bốc xếp nhảy lên xe uy hiếp, đứng trước bàn dân thiên hạ nhổ toẹt vào mặt tôi, sỉ vả tôi, tôi phải quay vào trong khóc” - anh Hà trình bày.

Đáng chú ý, chị Nghiêm Thúy Nga khẳng định mình bị uy hiếp nặng nề nên không dám ra chợ và từng 2 lần có ý định tự tử. “Hoa quả tươi, thời hạn rất ngắn nhưng các bị cáo gây khó khăn, không đưa tiền thì thiệt hại kinh tế rất lớn… Trên đường đi Thanh Hóa nhận được điện báo, tôi rất hoảng loạn vì thời gian đấy tôi biết đang bị lệnh trừng phạt của Hưng “kính”. Tôi định mở cửa xe ô tô nhảy xuống đường cao tốc, may chồng tôi phát hiện nên ngăn cản”.

Được hỏi yêu cầu dân sự, chị Nghiêm Thúy Nga khóc nức nở, từ chối nhận bồi thường và nói: “Tôi có cảm giác, sau khi rời phiên tòa hoặc khi các bị cáo ra tù, điều gì sẽ xảy ra với tôi… Tôi từng tự tử 2 lần rồi, bồi thường làm gì”. Vợ chồng bị hại cũng cho biết, họ đã thu thập chứng cứ bằng cách cho các bị cáo ký hóa đơn nhưng nhóm này chỉ ký khi số tiền trong hóa đơn nhỏ. Thiệt hại của họ gấp nhiều lần con số 28 triệu đồng được ghi trong cáo trạng bởi với lượng tiền cưỡng đoạt lớn, nhóm Hưng “kính” không ký nên không thể chứng minh.

Luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ bị hại) cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là những người trong BQL chợ khi chủ động tuyển Hưng “kính” - người có 5 tiền án, tiền sự (gồm cả hiếp dâm) vào làm việc. BQL chợ cũng để việc thu tiền bảo kê diễn ra trong thời gian dài dù đã nhận đơn tố cáo. Vì vậy, ông Triển đề nghị tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.