Thế giới lên án Trung Quốc ngang ngược

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ngày 4/5. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ngày 4/5. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
TP - Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vấp phải làn sóng lên án, chỉ trích mạnh mẽ khắp thế giới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki ngày 7/5 nhấn mạnh: “Mỹ rất quan ngại về những hành động nguy hiểm và đầy hăm dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp”. Bà Psaki gọi đây là hành động “khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng”. 

Bà Psaki cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc là một phần của chiến lược leo thang tranh chấp lãnh thổ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. 

“Chúng tôi kêu gọi các bên có cách hành xử an toàn và phù hợp, đồng thời kiềm chế và giải quyết các đòi hỏi chủ quyền một cách hòa bình, bằng đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Psaki tuyên bố.

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain ngày 7/5 ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở biển Đông. Theo ông McCain, các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. 

Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này. Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự thực hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế.

Nhật Bản cũng lên tiếng phản ứng về hành động ngang ngược của Trung Quốc tại thềm lục địa Việt Nam. Theo hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh “cần tránh hành động đơn phương” trên biển Đông. 

Ông Kishida nêu rõ: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương”.

Ngày 8/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Trung Quốc cần giải thích rõ cơ sở và chi tiết các hoạt động của họ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Hòa bình và ổn định ở biển Đông là vấn đề liên quan tới cộng đồng quốc tế và chỉ có thể giải quyết hòa bình thông qua đối thoại”.

Thăm trụ sở NATO ở Brussels, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực phải tăng cường cảnh giác trước mọi động thái của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, truyền thông thế giới và các học giả quốc tế tiếp tục lên tiếng lo ngại về hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Các chuyên gia Ernest Bower và Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ nhận định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á cho thấy ý đồ của Bắc Kinh trong việc kiểm tra quyết tâm của Việt Nam, ASEAN và Washington. 

 Bắc Kinh có thể tìm cách “thay đổi hiện trạng” ở biển Đông vì nhận định rằng Washington đang bị phân tâm bởi những diễn biến ở Ukraine, Syria, Nigeria. Động thái khiêu khích mới nhất của Trung Quốc ở biển Đông có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho khu vực và thế giới.

Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 8/5 dẫn chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore nhận định, hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam và cuộc đối đầu giữa các tàu hai nước ở biển Đông là “tình huống chưa từng có tiền lệ”. 

Ông Michael Green, Phó Chủ tịch phụ trách châu Á của CSIS, nhận xét, những hành động của Trung Quốc cho thấy nước này không hề e ngại trước những phản ứng tiêu cực trong khu vực. Về chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Michael cho rằng, diễn biến leo thang căng thẳng ở biển Đông “không thể giải quyết được bằng một chuyến công du hay một bài diễn văn”.

The Diplomat ngày 8/5 dẫn nguồn Reuters trao đổi với một quan chức ngành dầu khí giấu tên cho rằng, hành động của Trung Quốc hoàn toàn là một động thái chính trị. 

“Nó phản ánh mong muốn của chính quyền Trung Quốc và cũng liên quan tới chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Đây không phải vấn đề thương mại, hành động khoan dầu là một động thái chính trị của Trung Quốc nhằm kiểm soát khu vực yêu sách chủ quyền trên biển Đông và thông điệp này được gửi tới Washington cũng như Hà Nội và Manila”, vị quan chức nói.

Theo Reuters, nếu quả thật chiến dịch khoan thăm dò của Trung Quốc là một thông điệp chính trị, ngụ ý của nó rõ ràng là Trung Quốc mưu đồ khai thác tài nguyên trong đường chín đoạn phi lý tự vạch ra trên biển Đông, bất chấp phản đối của các nước láng giềng, kể cả Mỹ. 

Bắc Kinh đã chuẩn bị thực hiện kế hoạch này thông qua giải pháp bạo lực cấp độ thấp (đâm húc tàu bè và phun vòi rồng). Ông Theresa Fallon, học giả nghiên cứu ASEAN ở Viện Châu Âu tại Brussels, mô tả hành động của Trung Quốc như “ác mộng tồi tệ” đối với lĩnh vực năng lượng trong khu vực bởi “giàn khoan di động khổng lồ rộng gấp đôi sân bóng đá”.

Theo tờ Washington Post (Mỹ), các học giả phương Tây cho rằng vụ leo thang mới nhất ở biển Đông cho thấy các nước trong khu vực thiếu một cơ chế để ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng. Vụ chạm trán tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ rõ vai trò của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ. 

Tập đoàn CNOOC sở hữu giàn khoan khổng lồ trước đây là một nhân tố gây bất ổn ở biển Đông với việc mời thầu các công ty nước ngoài vào thăm dò tại các vùng nước tranh chấp. Giàn khoan HD981 hoàn thành năm 2012 từng được Chủ tịch CNOOC mô tả là một “vũ khí chiến lược” của Trung Quốc.

Các báo New York Times và USA Today đánh giá, tranh chấp không phải chuyện mới, tuy nhiên Trung Quốc với sức mạnh đang tăng lên và những khả năng mới đang tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền đã gây ra tranh chấp và bất ổn trong khu vực những năm gần đây.

Trung Quốc bành trướng lãnh thổ trên biển, đưa ra bản đồ “đường lưỡi bò” bị chỉ trích không hề có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Bloomberg dẫn lời giáo sư Taylor Fravel ở Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nêu vụ va chạm giữa Việt Nam và Trung Quốc, cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột là có thật.

Hàng loạt báo của Anh nêu bật nguy cơ từ sự hung hăng của Trung Quốc. The Guardian, Daily Mail ghi nhận thời gian qua Trung Quốc luôn quấy rối tàu thuyền và ngư dân Việt Nam và Philippines tại các vùng nước giàu tiềm năng dầu khí mà nước này đòi chiếm hầu như toàn bộ - một quan điểm rất thiếu cơ sở với các chuyên gia luật quốc tế. 

Tuy nhiên, việc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cùng với đội tàu hộ tống hùng hậu, có cả tàu chiến là bước khiêu khích nghiêm trọng nhất trong chiến dịch đòi hỏi chủ quyền cứng rắn ở biển Đông. Va chạm có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, tờ Financal Times cho rằng, vụ đụng độ mới có liên quan tới việc Mỹ lên giọng cứng rắn chỉ trích hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Trung Quốc phủ nhận đụng độ, muốn “đàm phán hòa bình”

Reuters ngày 8/5 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình nói rằng, không có sự đụng độ nào xảy ra ở biển Đông xuất phát từ hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Tôi không tin rằng có một cuộc đụng độ. Tôi nghĩ rằng đây là một sự khác biệt ý kiến về một số tranh chấp”, ông Trình nói bên lề một diễn đàn tại Bắc Kinh. Ông Trình nói thêm rằng, mọi bất đồng giữa hai nước có thể được giải quyết thông qua “đàm phán hòa bình”. 

Theo ông, tranh chấp không phản ánh toàn bộ quan hệ Trung-Việt và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, vị thứ trưởng này vẫn khăng khăng: “Khu vực có tranh chấp lãnh thổ tất nhiên Trung Quốc sẽ duy trì lợi ích cốt lõi, bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam nên biết điều này”.

Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực ở biển Đông

Thế giới lên án Trung Quốc ngang ngược ảnh 1 Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel Ảnh: TTXVN
Ngày 8/5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ông Russel nêu rõ, Mỹ phản đối các hành động làm thay đổi nguyên trạng, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.

Ông Russel nhắc lại phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, rằng dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng Mỹ phản đối các hành động làm thay đổi nguyên trạng, ảnh hưởng tới tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như các hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông khẳng định việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama.

Họp báo chiều 8/5 tại Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, ông Russel nói: “Điểm mà tôi nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với các nhà chức trách Việt Nam là Mỹ có quan điểm mạnh mẽ rằng, các lời tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với nhau về các khu vực tranh chấp, kể cả Hoàng Sa, phải được xử lý một cách hòa bình, bằng ngoại giao và phải tuân thủ theo luật quốc tế. Và tôi nêu rõ cam kết của Mỹ với các nguyên tắc về tự do hàng hải, không cản trở các hoạt động thương mại hợp pháp, cũng như tầm quan trọng rõ ràng đối với việc các nước tuyên bố chủ quyền cần phải kiềm chế”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và ông Russel đồng chủ trì cuộc Đối thoại lần thứ tư về Châu Á - Thái Bình Dương. 

Trúc Quỳnh

MỚI - NÓNG