Chọn lọc hạt dó trầm |
Thật không ngoa khi gọi xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là “thánh địa” của trầm hương.
Từ “khối” tiền trời cho
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Lê Thọ ở xóm 8, một trong số những người tiên phong trong việc tìm ra giá trị của trầm hương.Với ông những ngày cuối đông năm 1978 sẽ không bao giờ quên bởi nó làm thay đổi cuộc đời ông và toàn thể dân làng.
Ông kể về cái ngày trọng đại ấy: Trong một lần vào rừng đốn củi, gặp phải một gốc cây to đã chết từ lâu, ông bèn dùng dao chặt thử thì thấy từng ụ bột và lỗ hổng bên trong. Đoán là trầm hương ông đem về nhà cắt một miếng cho vào lửa thì hương thơm toả ra ngào ngạt. Biết là của quý, ông đem cất giữ cẩn thận.
Một hôm có người khách lạ vào nhà chơi, nhìn thấy gốc trầm dựng trong tủ kính ông ta hết sức ngạc nhiên. Xem xét hồi lâu người khách hỏi mua với giá 120 triệu đồng. Quá bất ngờ lẫn sung sướng ông đồng ý bán ngay. Mua xong người khách vội vã quay trở vào Huế.
Khoảng chừng hai tháng sau ông ta quay lại cho biết bên trong gốc trầm có kỳ nam. Ông ta đã bán nó cho một người Sài Gòn được 500 triệu đồng, người mua lại của ông bán cho một ông khách nước ngoài với giá 800 triệu đồng. Sau câu chuyện vị khách còn cho ông Thọ một ít tiền.Tiếp đó hai người bàn nhau vào rừng tìm kiếm trầm hương.
Cái tin ông Thọ “hốt bạc” nhờ bán được trầm nhanh chóng lan đi. Cả làng đổ xô lên rừng. Ai cũng mong may mắn được đổi đời. Nghe ở đâu có trầm hương là họ tìm đến chặt, đốn, đào bới... hàng trăm gốc trầm hương được đưa về và bán với giá rất cao. Cứ như vậy không biết bao nhiêu gốc trầm đã được bán đi. Có những gốc nặng hàng tạ mà nếu để đến hiện nay có thể bán hàng tỷ đồng.
Nhưng lấy mãi rồi cũng hết, một số người bèn mang hạt về gieo ở trong vườn. Dần dần dó trầm phủ kín toàn xã. Ở đâu có đất là ở đó có dó trầm. Dân làng cho rằng dó trầm là giống cây trời ban nhằm thay thế giống bưởi Phúc Trạch đang dần mất giá. Và dó trầm trở thành giống cây chủ lực trên đất Hương Khê. Chỉ tính trong năm 2006 toàn xã đã có trên 10 triệu cây được gieo trồng.
Những ngôi nhà ở dựng bằng gỗ dó trầm trước đây cũng được đem ra ngã giá. Có ngôi nhà cổ bán được 500 triệu đồng bởi bên trong các cột, kèo, xà nhà là các khúc dó trầm hết sức quí hiếm. Một ngôi nhà trầm nhiều khi có giá trị lớn hơn rất nhiều so với nhà lim, nhà dổi. Khách mua trầm hương chủ yếu là người Sài Gòn, Huế và cả những vị khách nước ngoài đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Lào...
Theo họ loại trầm hương này chỉ ở nơi đây mới có, đắt mấy họ cũng quyết mua cho bằng được. Nếu mang về nước số lợi nhuận có thể gấp mười giá gốc.
Bên cạnh đó người dân còn ươm cây giống để bán ra cho các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đặc biệt một số lượng lớn được bán sang cả Lào, Thái Lan và Campuchia...
Mỗi một cây giống có giá từ 1.500 - 2.000 đồng, mỗi kilôgam hạt giống là 2 triệu đồng. Có những thời điểm dó trầm bán theo từng hạt với giá 400 đồng. Ngày ngày hàng trăm xe tải từ khắp nơi đổ về Phúc Trạch mua giống, mua trầm chở đi. Mỗi năm toàn xã thu được hàng chục tỷ đồng từ tiền bán cây giống.
Trầm hương không chỉ có giá trị lớn về kinh tế mà còn mang yếu tố tâm linh. Ở Phúc Trạch nhà nào cùng cất giữ một miếng trầm để trừ khử tà ma, phòng ngừa bệnh tật. Với họ trầm hương có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống.
Những khu vườn tiền tỷ
Gốc trầm hương có giá hơn 70 triệu đồng |
Quả thật đời sống người dân Phúc Trạch đã thay đổi chóng mặt kể từ khi trồng dó trầm. Nhà cửa, xe cộ, tiện nghi đầy đủ đưa xã miền núi Phúc Trạch thành một xã thuộc hàng “đại gia”. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm trên 10 triệu đồng. Trong đó có nhiều hộ gia đình thu tiền tỷ hàng năm.
Vườn nhà ông Thọ rộng gần 1 ha, dường như chỉ độc nhất một loại cây dó trầm. Xen lẫn các cây trầm đã trưởng thành là những vườn ươm xanh mơn mởn. Còn số hạt giống hái từ những cây trầm lớn thì không đếm xuể. Ở một góc vườn hơn 20 cây dó đến tuổi tạo trầm đã được khoan lỗ chi chít. Hàng năm khu vườn này cho thu nhập không dưới 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó ông Thọ còn mở rộng trồng dó ở vườn đồi, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 20 – 30 công nhân. Những ngày này gia đình ông hết sức tấp nập bởi đây là giai đoạn cao điểm buôn bán cây giống. Xe tải đậu thành hàng dài chờ chở dó đi. Hiện trong nhà ông có 3 gốc trầm hương hoàn chỉnh, lái buôn từ Sài Gòn ra trả giá lên đến 250 triệu đồng nhưng ông không bán.
Ông Nguyễn Trung Trực ở xóm 8 cũng là một trong số những người đầu tiên trồng dó trầm. Những vườn ươm của ông được che đậy bằng một hệ thống lưới bảo vệ bên trong là hàng vạn cây con. Ngay cạnh đó là 30 gốc trầm hương có độ tuổi trên 20 năm đã được khoan lỗ tạo trầm sắp đến kỳ thu hoạch.
“Khách họ trả 800 triệu mà tôi chưa bán, bởi hàng năm nó đem lại không dưới 10 triệu đồng từ tiền bán hạt”. Cứ như vậy mỗi năm gia đình ông thu nhập sơ sơ cũng hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra ông còn giữ nhiều gốc trầm hoàn chỉnh rất có giá trị trong nhà không bán và xem đó như bùa hộ mệnh cho việc làm ăn.
Những khu vườn lớn như vậy không phải là hiếm ở đất Phúc Trạch. Còn thì ở Phúc Trạch nhà nào cũng vậy, dù vườn rộng hay hẹp họ đều có ít nhất là một vườn ươm cùng vài cây trầm hương làm vốn. “Trồng dó trầm không bao giờ lỗ đâu, nếu làm tốt có thể trở thành tỷ phú” - Ông Vinh cho biết.
Hiện tại diện tích trồng dó trầm trong toàn xã đã lên tới 240 ha. Ngoài vườn ra dân còn mở rộng ra trồng ở các vườn đồi, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Cần một hướng đi
Mỗi ngày có hàng vạn cây giống, hàng chục gốc trầm Phúc Trạch được bán đi. Số tiền trao đổi lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên hầu hết các cuộc mua bán, các vụ làm ăn đều là tự phát, chủ yếu là do người dân và lái buôn tự liên hệ với nhau. Kẻ bán người mua, cả hai cùng có lợi.
Điều đó đặt ra cho chính quyền xã nhiều vấn đề đó là công tác quản lý và định hướng. Hiện tại thị trường dó trầm là khá nhộp nhịp nhưng rất có thể trong tương lai cung sẽ vượt quá cầu bởi việc ươm trầm giống tràn lan. Chính vì vậy việc tạo dựng một thương hiệu dó trầm là hết sức cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Hiện xã đang chuẩn bị thành lập một tổ dịch vụ để quản lý việc buôn bán, đồng thời đề nghị cấp trên mở các lớp tập huấn cây trồng nhằm hướng dẫn cụ thể đến bà con nhân dân”.
Còn theo một số lãnh đạo xã thì dự án phát triển cây dó trầm trên đất Hương Khê sắp được tiến hành với diện tích lên đến 3.000 ha. Bên cạnh đó tỉnh Hà Tĩnh đã lập dự án trình lên Bộ NN&PTNT xin được xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu ngay trên đất Phúc Trạch nhằm tạo đầu ra cho cây dó.
Tuy nhiên đó chỉ mới là những hoạch định trong tương lai, còn hiện tại dó trầm đang được người dân gieo trồng hết sức ồ ạt. Trầm hương là một loài cây qúy hiếm, được liệt vào sách đỏ quốc gia, rất cần được bảo vệ và phát triển.
Mặt khác những thông tin về giống cây này vẫn còn rất ít. Chưa có tài liệu nào giải thích vì sao trầm hương lại đắt như vậy. Người dân chỉ biết lợi nhuận rất lớn và không có lý do gì để họ dừng lại.
Chính vì thế điều cần thiết là việc nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về trầm hương nhằm tìm ra lời giải đáp cho những giá trị to lớn của nó. Mặt khác cần xây dựng ngay thương hiệu dó trầm Phúc Trạch.
Dó trồng được khoảng 5 – 6 năm đã có thể bắt đầu tạo trầm. Phương pháp tạo trầm cũng hết sức đặc biệt. Người ta khoan từng lỗ nhỏ trên thân cây rồi cho sâu tự nhiên vào đục khoét. Hình dáng gốc trầm thế nào là do loài sâu tạo nên. Theo một số người dân thì loài sâu này chỉ ở Phúc Trạch mới có. Sau một thời gian lớp vỏ ngoài được bóc ra và lõi bên trong đã bắt đầu mang trầm. Mỗi gốc trầm hương hoàn chỉnh có giá từ 40- 70 triệu đồng. Còn những gốc quý hiếm thì số tiền đó phải gấp đôi. |