Ớn lạnh ở Phật viện Đồng Dương

Những thanh gỗ chống đỡ cũng sắp mục. Ảnh: N.C
Những thanh gỗ chống đỡ cũng sắp mục. Ảnh: N.C
TP - Hôm ấy, tôi tìm vào Phật viện Đồng Dương. Sử sách ghi rằng vị vua Indravarman II cho xây công trình này vào thế kỷ thứ 9 và là Phật viện nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Năm 2001, Phật viện Đồng Dương được cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia. Giờ tìm vào được Phật viện, trong tôi chỉ còn cảm giác ớn lạnh…

>> Di tích bị lãng quên 

Những thanh gỗ chống đỡ cũng sắp mục. Ảnh: N.C
Những thanh gỗ chống đỡ cũng sắp mục. Ảnh: N.C.

Gõ từ khóa Phật viện Đồng Dương vào trang tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,29 giây đã cho tới 12,7 triệu kết quả - một số liệu khổng lồ cho bất kỳ ai tìm kiếm những bài viết, những chú giải về Phật viện đã từng làm say đắm nhiều giới nghiên cứu, khảo cổ hay văn nghệ sĩ. Trong số 12,7 triệu kết quả, tuyệt không có một dòng nào cho hay, Phật viện Đồng Dương hiện trạng bây giờ ra sao, hoặc có chăng cũng chỉ miêu tả sơ qua con đường mòn tới khu Tháp Sáng - dấu tích còn lại của Phật viện.

Từ ngã ba Hà Lam - một thị trấn của huyện Thăng Bình (Quảng Nam), đi thêm 12km tới xã Bình Định Bắc, hỏi Phật viện Đồng Dương, ai cũng chỉ bảo tận tình. Có cả một anh nông dân tự nguyện bỏ cày, dẫn tôi tới con đường mòn vào khu rừng tràm, bạc hà um tùm. Đến cửa rừng, anh dừng lại, chỉ tay rồi giật lùi: Đó, Tháp Sáng ở trong. Anh vào cố tìm, thấy cái tháp màu đen đen được chống đỡ bởi mấy cái cây thì là nó đó. Tui không vào đâu.

Vừa bước chân vào khu rừng tràm, trên con đường mòn giờ đã ngập nước bởi mấy ngày qua trời mưa liên tiếp, tôi ngay lập tức hối hận vì đã không kiếm thêm bạn đồng hành. Khu rừng keo tràm, bạc hà nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư, nhưng khi bước hẳn vào trong, một cảm giác ớn lạnh xộc vào tận tâm can. Đâu đó dây leo chi chít, cỏ tranh, cây cối che chắn lối đi. Thi thoảng từng cơn gió rít lên, nước trên lá cây rơi lộp bộp.

Không hẳn sợ sệt những ngôi mộ lác đác đằng kia, mà bởi dù đã mất hơn 30 phút kiếm tìm giữa rừng, vẫn không tìm ra dấu tích của Phật viện Đồng Dương. Phải đến lần quay ra vào thứ ba, khi đã được anh nông dân xứ Đồng Dương tả cho con đường mòn, tôi mới vạch được cây cối, tìm ra Tháp Sáng – dấu tích còn lại của Phật viện.

Phải vất vả vạch lá, đạp trên cơ man cỏ tranh củi mục, tôi mới thấy bóng dáng của Tháp Sáng. Một hình khối đang cố vươn đua tranh chiều cao với lũ tràm, bạc hà thất lễ cứ ngày ngày quây lấy thân, dồn ép tháp vào giữa. Thật ra, chẳng thể trách cứ vườn tràm, bạc hà, bởi ngay bản thân tháp cũng đang thương tích đầy mình, nhờ mấy cây gỗ được con người chống tạm, gắng gượng vượt qua bao nhiêu mưa bão, bao nhiêu biến cố trong đằng đẵng thời gian…

Hỏi quanh quất nhiều người dân Đồng Dương, ai cũng biết đó là Tháp Sáng, ai cũng biết đó là một Phật viện lớn, là trung tâm kinh đô Indrapura huy hoàng thủa trước. Nhưng nhiều người không hề biết đó là di tích cấp quốc gia đã được phong năm 2001. Ông Trương Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc thì nói, Phật viện Đồng Dương giờ chỉ còn phế tích thôi. Xã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7 - 8 năm rồi, giờ đang lên mối mọt cả. Không biết khi nào thì đổ. Mấy cái cột đổ, là Tháp Sáng đổ, Phật viện Đồng Dương chắc chỉ còn trong dĩ vãng.

Tượng voi ở sau khu nhà dân. Đây được cho là tượng thuộc Phật viện Đồng Dương thuở trước. Ảnh: T.V
Tượng voi ở sau khu nhà dân. Đây được cho là tượng thuộc Phật viện Đồng Dương thuở trước. Ảnh: T.V.

Tư liệu ghi lại rằng, sau khi nhà nghiên cứu người Pháp, L.Finot, công bố kết quả nghiên cứu về Phật viện Đồng Dương vào năm 1901 và một năm sau đó , một nhà nghiên cứu người Pháp khác, H.Parmentier tiến hành khai quật qui mô lớn đã mở tung bức màn bí mật về một Phật học diện (Vihara) đã được cổ sử Trung Hoa, Đại Việt và Chămpa nhắc đến một cách trân trọng.

Cuộc khai quật có qui mô lớn này đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm về. Nhiều người đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng nhất của Chămpa. Về tầm vóc quy mô của Phật viện, Finot, trong đề tài nghiên cứu của mình về di tích Đồng Dương, đã giới thiệu 229 hiện vật, nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng. Bức tượng Phật đứng này cao hơn 1m, được xem là hoàn hảo và đẹp loại nhất Đông Nam Á.

Ông Trương Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc thì nói, Phật viện Đồng Dương giờ chỉ còn phế tích. Xã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7 - 8 năm rồi, giờ đang mối mọt cả. Không biết khi nào thì đổ. Mấy cái cột đổ, là Tháp Sáng đổ, Phật viện Đồng Dương chắc chỉ còn trong dĩ vãng.

Tượng Phật đứng được phát hiện cho phép các nhà nghiên cứu liên tưởng đến sự giao thoa của trung tâm Amaravati của Ấn Độ hay trung tâm Phật giáo Amaradhapura thuộc nước Tích Lan (Srilanka) có niên đại khá sớm được du nhập vào Chămpa.

Công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của Parmentier cho biết rõ nét hơn về mô hình kiến trúc của Phật viện. Sự hoành tráng của một quần thể kiến trúc điêu khắc như cho ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đáng giá là độc đáo vào loại nhất trong văn hóa Chămpa và Đông Nam Á, một nguồn di sản Phật giáo hết sức quan trọng.

Theo mô tả của Parmentier, toàn bộ khu vực kiến trúc kế tục dài xuyên suốt hơn 1.330m, bắt nguồn từ hướng tây và chấm dứt ở hướng đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật lại là một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m cùng hệ thống tường bao bọc kiên cố. Từ chánh điện mở ra con đường rộng, dài hơn 763m, hướng thẳng vào phía Đông, dẫn tới một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080m2, Cụm kiến trúc bảo lưu được phần đài thờ chính khá nguyên vẹn cùng các bức tượng thờ bằng đá, đồng được phát hiện xung quanh.

Sách xưa cũng chép rằng, Phật viện được vua Indravarman II sáng lập vào năm 875. Đây cũng là khu trung tâm của kinh đô Indrapura. Một dòng họ có truyền thống về Phật giáo khi chính thức lên nắm quyền đã khởi xướng phong trào phát triển các Phật viện, tu viện trong khắp vương quốc của mình, kể cả trung tâm Vijaya, Kauthara, Panduranga….

Khó liệt kê hết được sự vĩ đại vô chừng mà cả ngàn năm qua Phật viện Đồng Dương đã sừng sững tồn tại. Trải qua thương hải tang điền, hiện vật giờ chỉ mập mờ còn mất, dù nơi đây đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tôi bấm vội mấy tấm ảnh, đi như chạy trốn khỏi khu Tháp Sáng, chỉ cầu mong cho những mảng phù điêu, tượng Phật, hộ pháp… hiện được lưu giữ ở nhiều bảo tàng như sử sách ghi đừng như số phận khu tháp này.

MỚI - NÓNG