>> Trực thăng giải cứu 18 thợ đãi vàng trong lũ dữ
Mỗi khi cánh quạt chiếc MI - 17 xoay tít chuẩn bị lao vào tâm lũ là các phóng viên chúng tôi lại được ưu ái có phần trên đó.
Hàng cứu trợ kịp thời đến với dân vùng lũ. Ảnh: N.C |
Vén mây trời thả hàng cứu trợ
Không riêng gì với dân làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) mà có lẽ đây là lần đầu tiên cánh PV chúng tôi chứng kiến cuộc giải cứu ngoạn mục đối với 18 thợ đãi vàng bị kẹt giữa dòng Đăk Mi sáng 9/9. “Bọn mình còn bay những chuyến nguy hiểm hơn thế nhiều” - Thượng tá Nguyễn Việt Hùng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 954, Sư đoàn Không quân 372 tâm sự.
Năm ngoái, tôi nhớ lần ngồi trên trực thăng MI - 17, phóng tầm mắt xuống làng mạc điêu tàn trong lũ dữ, trong gió mưa ràn rạt, chới với chông chênh. Từng thùng mỳ tôm, chai nước, gói bánh mỳ thả xuống chỉ làm ấm lòng thêm chút ít những phận người trong lũ.
Cả hai lần bay từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi là cả hai lần tôi được thấy bản lĩnh của “Hắc điểu” Nguyễn Việt Hùng. Lần thứ nhất, sáng 15/11/2007, chuyến bay lên vùng cao Tây Trà bị cô lập bởi tắc đường, lở núi. Sáng sớm, phải đến lần cất cánh thứ ba và hạ bớt mỳ tôm, nước ngọt, trưởng phi cơ Nguyễn Việt Hùng mới có thể cho chiếc MI - 17 lặc lè cất cánh.
Lên Tây Trà, mây phủ tầng không, thấp thoáng từng ngọn núi ẩn nấp sau bồng bềnh mây trắng. Hùng vĩ, lãng mạn, nhưng hiểm nguy rập rình. “Tây Trà là vùng đất ngày xưa máy bay trực thăng Mỹ rơi rất nhiều”, Thượng tá Nguyễn Việt Hùng hồi tưởng.
Xuống giải cứu người giữa dòng nước xiết. Ảnh: N.C |
Tôi vẫn còn nhớ như in, cơ trưởng Nguyễn Việt Hùng cùng đội bay lúc đó phải mất mấy vòng, chao lên liệng xuống, lách qua màn mây hun hút để tìm chỗ đáp. Bãi đáp đã được định sẵn ngay trước UBND huyện Tây Trà, chỉ là một khoảng đất nhỏ, chênh vênh bên sườn dốc.
Trong làn mây dày đặc cùng gió rít liên hồi, các anh vẫn chưa tìm thấy chỗ hạ cánh. Có ai đó thầm thì: “Có đủ nhiên liệu bay về không nhỉ?”. Bất chợt, tất cả cùng lạnh gáy. Mãi một lúc sau, khi đáp xuống, tất cả cùng phải hối hả khuân hàng, nhanh gọn, cấp tốc.
Buổi trưa, Thượng tá Hùng lại gọi: “Lên huyện Sơn Tây”. Địa chỉ đến lần này là xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây). Chiều, mây kéo về bao phủ huyện miền núi Sơn Dung.
Từ trên nhìn xuống, bãi đáp chỉ là những chấm trắng lờ mờ. Sau một hồi lòng vòng, cuối cùng cũng tới được chỗ đáp. Nhưng bất ngờ, bên sườn núi, một đường dây điện giăng ngang. Dây nhỏ, mờ ảo nên đến gần mới phát hiện. Thượng tá Hùng kịp đánh tay lái quặt lên. Dây điện roẹt ngang dưới bụng trực thăng.
Trong tích tắc, sườn nùi sừng sững trước mặt. Chiếc trực thăng lại phải nhúi xuống, rà từ từ, ngay ngắn trên bãi đáp. Từng tiếng thở phào. Từng ánh mắt hân hoan của bà con dân tộc xã Sơn Dung…
Xứng danh anh hùng
Trung tá Vũ Ngọc Hiến và Thượng tá Hoàng Quang Hà - hai phi đội trưởng, vẫn còn nhớ như in những thời khắc giải cứu 18 thợ đào đãi vàng hôm 9/9.
Sáng hôm sau, Thượng tá Hoàng Quang Hà, nhớ lại: “Mấy ngày mưa lũ ầm ào, anh em trong Sư đoàn quán triệt luôn sẵn sàng. Nhận lệnh của cấp trên vào 23 giờ 30 đêm 8/9, chúng tôi lập tức nhóm họp bàn phương án. Cuộc họp đến 3 giờ sáng thì kết thúc. Anh em chợp mắt được chừng một tiếng. Đến 4 giờ sáng, dậy chuẩn bị phương tiện, phân công cụ thể”.
Theo lời Thượng tá Hà, chuyến bay này đặc biệt là ở chỗ, lần đầu tiên, trên một chiếc MI - 17, Sư đoàn phải huy động đến hai phi đội trưởng dày dạn. Các bộ phận khác như người nhái, dẫn đường đều tăng quân số gấp đôi.
“Bay đến làng Rô, mưa vẫn quất ràn rạt, mây mù che phủ nên chúng tôi quyết định cứu tại chỗ. Nghĩa là không cần tìm chỗ đậu mà dòng dây xuống, cẩu người lên.
Nói thì dễ, nhưng cái khó là ở chỗ nhóm người bị kẹt không tự đu dây lên được, bắt buộc anh em phải xuống hỗ trợ. Đâu phải ai cũng có thể đứng vững, đu dây dưới cánh trực thăng vùn vụt” - Thượng tá Hà kể.
Máy bay cứu hộ trên đỉnh lũ |
Theo Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, phi đội bay mau chóng cứu được 18 người là bởi lẽ tình huống trên đã được anh em luyện tập quá thuần thục.
“Anh em chúng tôi thường xuyên luyện tập bằng cách thả người xuống biển, rồi cứu trong điều kiện sóng biển ầm ào. Đó là điều kiện cực kỳ khó. Nên cứu 18 người như vụ vừa rồi không phải là quá khó đối với chúng tôi. Điều quan trọng nhất là thời gian. Ai cũng biết, 18 thợ đãi vàng đã ba ngày đêm không ăn trong giá lạnh, cận kề cái chết”.
Năm 1999, trong trận lụt thế kỷ làm miền Trung điêu đứng, phi đội của Thượng tá Hùng cứu được một phụ nữ chuyển dạ giữa làng bị cô lập bởi dòng nước xiết trên một ngôi làng ở Quảng Nam, đưa về sinh nở ở Bệnh viện C17 (Đà Nẵng).
Thượng tá Hùng hạ giọng: “Tiếc rằng một đồng đội của tôi đã hy sinh”. “Mùa lũ năm 2007, chúng tôi cứu anh lính ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Còn vụ giải cứu vừa rồi không làm chúng tôi bị động nhưng đúng là anh em có dịp thử thách thật sự” - Trung tá Vũ Ngọc Hiến nói thêm.
Tôi dạo một vòng quanh sân bay, từng chiếc MI - 17, MI - 8, KA - 32 lặng phắc giữa cái nắng hanh hao sau lũ. Đã bao lần, chúng oằn mình bạt gió vén mây trong từng trận hồng thủy để cứu giúp đồng bào. Trung đoàn 954 sắp kỷ niệm 25 năm thành lập (15/9/1984 – 15/9/2009). Thượng tá Nguyễn Việt Hùng lại không quên: “Nhớ chuẩn bị để bay nhé. Miền Trung bắt đầu vào mùa lũ rồi”.
Trong các trận lũ lụt ở miền Trung những năm 1998, 1999, 2007, 2008, Sư đoàn đã bay 372 chuyến, với tổng cộng 251 giờ 53 phút, chuyên chở 956 lượt người, vận chuyển trên 130 tấn hàng hóa. Đợt vận chuyển nhiều nhất là chỉ trong ba ngày, từ 13 - 15/11/2007, chở hơn 22 tấn hàng đến các điểm giữa vùng lũ lụt. Ngay sau vụ cứu nạn thành công ngày 9/9, Trung tướng Lê Hữu Đức - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã khen thưởng tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị C54 - Đoàn B72, phi công và cán bộ tổ bay MI-17 số hiệu 8411 cùng cá nhân Thượng tá Hoàng Quang Hà - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đơn vị C54. |