Nguyễn Thị Sáng, sinh năm 1952 tại xã Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An), trình độ văn hóa: tốt nghiệp lớp 4 năm 1966... Tác phẩm đã in: “Tình yêu thầm lặng”...
Đó là mấy dòng lý lịch trích ngang về tác giả của một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở Nghệ An mấy năm nay, được dựng thành phim. Nhưng còn nhiều điều không có trong “trích ngang”: Người đàn bà viết tiểu thuyết đó từng quét chợ, bán bún ốc, gánh nước thuê...
Cũng ít ai biết sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, chị đã phải gánh chịu những nỗi đắng cay rất “tiểu thuyết” mà dường như cuốn sách ấy đã “vận” vào chị?
“Chiến dịch” bôi nhọ “Nhà văn bán ốc luộc”
Chị ngồi bán xổ số ở một góc bên đường Ngư Hải (thành phố Vinh), gương mặt xanh xao hằn lên nỗi âu lo. Khi vào trong ngôi nhà của chị, tôi mới hiểu được ngọn nguồn của nỗi âu lo ấy: “Con gái tôi đang nằm trong bệnh viện, nó bị bệnh thiếu máu não. Không có tiền, tôi vừa phải đi “cắm” chiếc xe đạp lấy 400 nghìn đóng viện phí. Chẳng biết lấy đâu ra tiền nữa đây?” - Chị nói với tôi mà như đang độc thoại.
Văn phòng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đảng đã nhận được đơn thư của bà gửi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Sau khi xem xét đơn thư, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ đạo vụ chức năng của Ban làm việc với lãnh đạo các báo Lao động, báo Công lý về bài viết liên quan đến bà. (Trích văn bản số 3415-CV/TTVH ngày 6/8/2003 của Ban Tư tưởng – Văn hóa TW) |
Nhìn quanh, ngôi nhà chẳng có đồ đạc gì đáng giá, có thể đi “cắm” được nữa. Chẳng lẽ tác giả của cuốn tiểu thuyết rất “ăn khách” đã tái bản đến lần thứ ba, đã được dựng thành phim lại sống như thế này ư?
Nhưng khi tôi đề cập đến chuyện văn chương, gương mặt chị nhăn lại như thể tôi vừa chạm vào một nỗi đau lớn lắm: “Tôi đang viết dở tập 2 nhưng con gái bảo mẹ đừng viết nữa, lại rước họa vào thân. Tôi ngán lắm rồi. Không muốn viết nữa”.
Điều gì khiến người đàn bà yêu văn chương đến mê muội bây giờ lại “tắt lửa lòng”, như thế? Chị lại dính vào một “kỳ án văn chương” chăng? Không hẳn thế, nhưng những nỗi đau mà chị phải chịu sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời bắt nguồn từ một âm mưu mà chị không tưởng tượng ra được.
Năm 2002, tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng tái bản 2.000 cuốn. Chỉ trong vòng 1 tháng, 2.000 cuốn sách bán hết veo, người đàn bà bán bún ốc dự định sẽ xin phép tái bản tiếp 3.000 cuốn nữa. Đó là những con số mà ngay cả nhiều nhà văn chuyên nghiệp cũng phải “thèm”.
Nhưng bỗng một hôm có 4 người xông vào nhà chị, tự cho mình cái quyền “kiểm tra sách”. Một người tự giới thiệu tên là Hưng – Phó Chủ tịch phường Quang Trung, người kia tên là Sanh ở Ban liên lạc TNXP tỉnh Nghệ An. Ấy là họ xưng thế, chứ chẳng có giấy tờ gì. Ông Sanh lớn tiếng hỏi: “Chị là tác giả cuốn truyện Tình yêu thầm lặng?”. “Dạ vâng”. “Chị lấy quyền nào để viết về TNXP? Trước khi viết chị đã viết đơn xin phép Ban liên lạc TNXP chưa?”.
Trước lời lẽ như muốn “ăn tươi nuốt sống” của ông Sanh kia, chị đâm hoảng. Người đàn bà bán ốc luộc này lúc đó còn lơ ngơ đến mức tưởng rằng viết tiểu thuyết thì phải làm đơn xin phép. Nhưng chị cũng đủ tỉnh táo để gọi điện hỏi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ban Tuyên giáo trả lời: “Cuốn sách đã được nhà xuất bản ấn hành, đã được Hãng phim Truyền hình Việt Nam dựng phim, không ai được quyền kiểm tra, nếu ai đó muốn kiểm tra, chị phải kiểm tra giấy tờ của họ và lập biên bản gửi lên các cơ quan chức năng”. Nghe vậy cả bốn người kia lẳng lặng lên xe “chuồn”.
Chuyện này cũng chỉ là “khúc dạo đầu” cho những nỗi cay đắng mà chị phải chịu kể từ khi cuốn tiểu thuyết ra đời. Ghen ghét, đố kỵ trước thành công vang dội của chị, một người vốn là bạn thân, cũng là dân viết lách, đã mở cả một “chiến dịch” nhằm bôi nhọ danh dự chị.
Đầu tiên, “người bạn vàng” đó đã lấy bút danh viết hai bài báo gửi cho hai tờ báo ở TW với những cái tít rất kêu: “Điều không thể im lặng sau tác phẩm Tình yêu thầm lặng, rồi “Sự thật về “nhà văn” – Thanh niên xung phong”.
Nội dung chính của bài báo là ông Phan Đăng Trinh - Anh hùng lực lượng vũ trang viết đơn trình báo việc bà Nguyễn Thị Sáng đến nhờ ông làm chứng cho bà đã bị thương. “Do nhẹ dạ cả tin nên tôi đã làm chứng cho bà Sáng”. Cả hai bài báo cùng một tác giả trên đều xoay quanh việc bà Sáng đánh lừa Hội đồng Giám định Y khoa, sửa chữa hồ sơ hưu trí.
Chị điếng người khi đọc được 2 bài báo đó, nỗi đau bị xúc phạm danh dự, bị phản bội đã làm cho người đàn bà này suy sụp mấy tuần liền. Nhưng chị gượng dậy và quyết tâm đi tìm sự thật. Chị tìm đến nhà ông Phan Đăng Trinh và người cựu chiến binh này cũng ngớ người trước những gì chị đang phải chịu đựng.
Ông Trinh cho biết: “Đầu tháng 10/2002, bà Đ đến nhà nhờ tôi chép lại tờ đơn bà đã viết sẵn nội dung tố cáo chị Sáng và dặn tôi: “Tuyệt đối bí mật, kể cả vợ con”. Tôi đã giúp chị Đ, còn mục đích chị Đ làm gì tôi không rõ”(?!).
Tôi là thương binh bị ảnh hưởng thần kinh nên không làm chủ được bản thân đã tiếp tay giúp cộng tác viên H.T..N.Đ. gây ra những việc làm sai trái thiếu suy nghĩ. Tôi thành thật xin lỗi các Cơ quan báo chí và Cơ quan pháp luật cùng chị Nguyễn Thị Sáng. (Trích đơn trình bày ngày 12/11/2003 của ông Phan Văn Trinh) |
Sau đó, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vào cuộc thanh tra xác minh và kết luận chị Sáng không hề đánh lừa Hội đồng Giám định Y khoa, không hề sửa chữa hồ sơ hưu. Tất cả hồ sơ gốc của chị Sáng vẫn còn đó, bằng chứng đã rành rành. Ban Tư tưởng Văn hóa TW cũng đã có công văn số 3415 –CV/TTVH yêu cầu 2 tờ báo đăng bài về chị phải làm sáng tỏ nội dung thông tin trên báo.
Nhưng “chiến dịch” vẫn chưa dừng lại. 2 bài báo nói trên được kèm theo tờ nặc danh vu cáo “Nguyễn Thị Sáng đánh cắp bản thảo Tình yêu thầm lặng của một ai đó, lấy tên mình rồi gửi đi in sách”, được phôtô hàng loạt gửi đến các cơ quan, rải khắp các khu chợ, quán hàng ở thành phố Vinh, thậm chí “bay” về tận quê chị.
Hiệu ứng có ngay sau đó, một số người đã bóng gió hoặc đã nói toạc trước mặt chị rằng: “Cô ăn cắp giỏi nhỉ. Chỉ cho tôi cách ăn cắp với”.
Chị nhói lòng khi nghe những lời như thế. Người đàn bà viết tiểu thuyết mới bắt đầu ngộ ra rằng những sự thật sờ sờ ra đấy cũng có người rắp tâm đổi trắng thay đen. Cho dù những năm tháng xông pha mưa bom bão đạn, làm dân công hỏa tuyến ở chiến trường C, những đêm trắng ngồi trong túp lều viết văn kể lại đời mình dưới ánh đèn dầu đã lặng lẽ cất lên tiếng nói của sự thật bảo vệ chị. Biết thế nhưng nỗi đau vẫn “gặm nhấm” chị.
Tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” đã ra đời như thế nào? Người chồng phụ bạc bỏ đi biền biệt, để lại cho chị Sáng hai đứa con thơ. Năm 1995, mẹ con chị Nguyễn Thị Sáng lâm vào cảnh “không chốn nương thân”, phải căng ni-lông vào bờ tường đổ để ở. Trong nỗi bi đát tột cùng, chị sợ mình sẽ đột tử vì căn bệnh đau tim mãn tính, nên đã thức đêm viết nhật ký Cuộc đời của mẹ. Cô ái Liên - Người đánh máy cuốn nhật ký – khen hay và khuyên chị nên gửi cho NXB để in sách. Chị “liều” gửi bản thảo cho NXB Thanh niên và một tháng sau NXB báo tin bản thảo sẽ được in sách, đề nghị đổi tên thành Tình yêu thầm lặng. Sau đó, đạo diễn Trần Mạnh Cường ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim Thầm lặng gồm 2 tập. |
Nghe chuyện của chị, Đại tá nhà văn, nhà báo Đinh Khánh Vân - Người trực tiếp biên tập cuốn Tình yêu thầm lặng bức xúc: “Tôi còn giữ bản thảo viết tay của chị Sáng”.
Nhà văn Cao Tiến Lê ở NXB Thanh niên, khuyên chị cứ bình thản trước dư luận bởi vì tiểu thuyết của chị đã “giấy trắng, mực đen, đèn thiên hạ” và đó cũng là điều bình thường khi một cuốn sách ra đời gây được tiếng vang. Nhưng người đàn bà bán ốc luộc này đâu hiểu được những nỗi khắc nghiệt của trường văn trận bút. Mới “bập” vào văn chương mà đã “ăn đòn” như thế, chị bỗng thấy sờ sợ...
“Cơm áo không đùa...” và nỗi thèm viết
Bị thoái hóa cột sống, không thể bán ốc luộc, chị ngồi bán xổ số và làm đại lý điện thoại ven đường. Nhưng nỗi thèm viết lại cứ giày vò chị, chị đành giải tỏa bằng cách viết thuê thư tình, viết đơn kêu oan, viết di chúc cho ai đó nhờ. Nhờ những lá thư tình, di chúc, đơn kêu oan của chị mà nhiều đôi trai gái đến được với nhau, nhiều gia đình tránh được tranh chấp tài sản, nhiều người tìm được công bằng.
Nếu viết thư tình, chị đóng vai người đang yêu, viết di chúc chị nghĩ mình sắp chết, viết đơn kêu oan chị tưởng mình đang ở trong tù. Vì thế mà những “tác phẩm” của chị có sức nặng, đặc biệt da diết, cảm động, thấu tình đạt lý trong những lá đơn kêu oan. Bởi vì đời chị cũng đã nếm trải oan trái quá nhiều, nên viết cho người mà như viết cho mình. Mỗi lá đơn người ta bồi dưỡng cho chị 50-100 nghìn đồng.
Nhưng nỗi thèm viết vẫn còn đeo đẳng, chị như tự đánh lừa mình, trốn con gái viết được mấy chục trang tập 2 tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng. Nhưng những lúc nhớ đến những lời vu khống kia, ngòi bút lại gục xuống. Mấy người bạn “thèm” đọc văn chị đã nói rất thật rằng họ sẽ cấp tiền, thậm chí nấu cơm cho chị, để chị yên tâm viết.
Nhưng viết văn đâu chỉ đơn giản là cho tiền, nuôi ăn. “Cơm áo không đùa...”, thời gian của chị gần như phải dành cho việc kiếm tiền để nuôi hai đứa con gái ăn học. Nỗi lo như sóng cuộn dồn trước mặt: ngôi nhà mẹ con đang ở đây xây trên mảnh đất hoang từ năm 80 thế kỷ trước, hàng năm chị vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng chưa được làm sổ đỏ. Nghe nói nằm trong khu dự án sắp giải tỏa. Lúc đó, 3 mẹ con lại căng ni–lông ở chăng?
Dù có căng ni-lông ở thì chị cũng có những niềm vui không thể đánh đổi. Có lẽ chị là người duy nhất ở thành phố Vinh mà các diễn viên, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng về đây thường ghé thăm. Chiếc TV trong nhà chị là của đạo diễn, diễn viên Mạnh Cường tặng. Các chiến sỹ bộ đội Trường Sa nghỉ phép đã tìm đến nhà chị, xưng là “mẹ, con”...
“Tôi muốn lòng mình bình yên trở lại để viết nốt tập 2 của Tình yêu thầm lặng, nếu không phải lo chuyện cơm áo thì chỉ ngồi hai tháng là xong thôi -Giọng chị trở nên buồn bã - Nói thế nghe cũng xa vời. Bây giờ thực tế nhất là làm sao lấy được chiếc xe đạp ra và lo tiền cho con tiếp tục chữa bệnh”.