Có thể chỉ lấy phiếu một lần trong nhiệm kỳ

Bà Nguyễn Thị Nương
Bà Nguyễn Thị Nương
TPO - Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho hay, bên cạnh việc sửa đổi những nội dung chưa phù hợp tại Nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ xem xét trình Quốc hội phương án chỉ tổ chức lấy phiếu một lần trong cả nhiệm kỳ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ báo cáo, trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu/phê chuẩn. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi (do Ban Công tác đại biểu chuẩn bị) sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết số 35 của Quốc hội về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu/phê chuẩn.

Nội dung sửa đổi căn cứ vào việc xem xét, nghiên cứu các ý kiến của các vị ĐBQH, các địa phương, các cơ quan liên quan. Trong nghị quyết này, chúng ta sẽ sửa đổi những điều còn hạn chế, ý kiến đóng góp của các địa phương về những vướng mắc khi thực hiện nghị quyết.

Đồng thời, lần này, chúng ta cũng xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về thời gian tổ chức lấy phiếu mỗi năm một lần hay cả nhiệm kỳ chỉ lấy một lần. Như vậy sẽ có hai phương án về thời hạn lấy phiếu cần đưa ra xem xét, nghiên cứu sửa đổi , sao cho thời điểm lấy phiếu hợp lý nhất.

Thảo luận tại Quốc hội trước khi ban hành nghị quyết này, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm hai năm/lần. Lấy hàng năm dày quá, còn cả nhiệm kỳ chỉ lấy một lần thì quá dài?

Đó là những ý kiến đã góp ý, tuy nhiên sau đó Quốc hội quyết định là lấy hàng năm. Nhưng sau khi tổ chức lấy phiếu, thấy còn có một số hạn chế. Nếu tổ chức lấy hai năm /lần thì thực ra sẽ là hai năm rưỡi (lấy vào kỳ họp đầu năm thứ 3).

Còn nếu đúng hai năm lấy một lần thì đến năm thứ tư lại lấy tiếp, nhưng như thế cũng chưa hợp lý, vì năm thứ tư chúng ta phải tập chung cho công tác bầu cử khóa mới.

Vừa rồi cũng có câu hỏi đặt ra là thời gian lấy phiếu thế nào cho hiệu quả nhất, cho nên, đây là vấn đề cần phải bàn.

Bổ sung chức danh quản lý, điều hành

“Việc lấy phiếu tại Quốc hội vừa qua là lần đầu, chúng ta cũng là nước đầu tiên tiến hành theo cách thức này, trên thế giới chưa nước nào làm như vậy. Chúng ta cần có thời gian bình tĩnh, suy xét lại để sửa đổi bổ, sung nghị quyết của mình cho toàn diện hơn".

Bà Nguyễn Thị Nương

Qua việc lấy phiếu vừa rồi, có ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu 49 chức danh gồm cả chức danh chủ chốt thuộc Quốc hội và các thành viên Chính phủ chưa hợp lý vì tính chất công việc, chế độ trách nhiệm hai bên khác nhau, thưa bà?

Theo báo cáo của chúng tôi, các địa phương, cơ quan của Quốc hội và nhân dân cũng có ý kiến là nên mở rộng đối tượng giữ chức danh quản lý, điều hành ở địa phương.

Tức là nên bổ sung người tham gia điều hành, quản lý nhà nước, đứng đầu các ngành/lĩnh vực chuyên môn ở địa phương, vì họ là người triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, thực thi các quyết định, dự án liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân.

Những chức danh đó cần tăng cường giám sát, để thường xuyên uốn nắn những lệch lạc, kịp thời phát hiện thất thoát, làm trái quy định. Bổ sung các chức danh này vào diện lấy phiếu sẽ giúp ĐB dân cử giám sát tốt hơn.

Bên cạnh đó, một số địa phương và cơ quan của Quốc hội cũng có ý kiến là đối với ĐB dân cử thì nên giảm số lượng đối tượng lấy phiếu.

Vậy còn việc gộp các chức danh Quốc hội lấy phiếu cùng với thành việc Chính phủ như hiện nay có hợp lý không?

Các cơ quan dân cử thường đưa ra quyết định hội đồng, tức là tập thể quyết định, mọi người đều có ý kiến. Vì vậy, người đứng đầu cũng chưa phải là người trực tiếp quyết định, giải quyết việc đó. Nếu chỉ lấy phiếu người đứng đầu cơ quan đó thì chưa đầy đủ.

Có ý kiến cho rằng không nên lấy phiếu đối với chức danh thuộc cơ quan dân cử mà chỉ nên lấy phiếu đối với người thuộc cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý mà thôi.

Về đối tượng lấy phiếu, với luồng ý kiến như vậy, khi sửa Nghị quyết 35 chúng ta sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, sau đó tiến hành sửa đổi theo quyết định của Quốc hội.

Lấy 3 mức để đánh giá cán bộ

Để đo mức tín nhiệm, việc lấy phiếu các chức danh chủ chốt thực hiện theo 3 mức tín nhiệm (tín nhiệm cao/tín nhiệm/tín nhiệm thấp). Cách thức này có hợp lý, đánh giá đúng mức đó tín nhiệm của chức danh không, thưa bà?

Tôi vẫn nghĩ nên lấy phiếu 3 mức như vừa qua. Bởi vì lấy phiếu tín nhiệm là một bước để đánh giá, giám sát cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Vì vậy mình cần có quá trình theo dõi, giám sát để có sự bồi dưỡng, sắp xếp, luân chuyển cán bộ cho hợp lý, phát huy tốt nhất sở trường, khả năng của mỗi người.

Lấy 3 mức tín nhiệm cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý cán bộ có đầy đủ thông tin nhất để hoạch định, bố trí, sắp xếp cán bộ. Còn nếu lấy hai mức ngay thì có khi cũng không phải cách hay, không tạo được sự ổn định trong bộ máy cán bộ.

Về quy trình, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 sẽ được thực hiện như thế nào?

Trước hết chúng tôi sẽ dự thảo, báo cáo ra Quốc hội về nội dung sửa đổi Nghị quyết 35. Quốc hội sẽ ra nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết này. Nếu công việc chuẩn bị kịp thì chúng ta sẽ sửa đổi ngay tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới đây, nhưng nếu không kịp thì có thể phải đến Kỳ họp cuối năm.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Việc thực hiện Nghị quyết 35 vừa qua được Quốc hội, cử tri đánh giá là có kết quả rất tốt, dân chủ, công tâm, công khai, minh bạch; Chủ tịch Quốc hội đánh giá kết quả lấy phiếu phản ánh đúng tình hình thực tiễn của đất nước. Nay xin Quốc hội tạm dừng lấy phiếu để sửa Nghị quyết, chúng ta giải thích với cử tri như thế nào như có ý kiến băn khoăn tại Kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây?

Lấy phiếu tín nhiệm là một chủ trương đúng đắn, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vừa qua, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc lấy phiếu. Chúng ta cũng thấy việc lấy phiếu vừa qua có hiệu quả rất tích cực.

Là những người trong cuộc, chúng tôi thấy đây là một lần Quốc hội đánh giá việc thực thi nhiệm vụ của mình. Những người phiếu thấp đều đã có cố gắng, nhiệt tình hăng hái hơn rất nhiều.

Còn những người có số phiếu cao hơn cũng thấy cần phải giữ gìn, làm tốt hơn nữa. Việc phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 cũng nhằm góp phần hoàn thiện nghị quyết này, để việc lấy phiếu lần sau tốt hơn nữa.

Cảm ơn bà !

MỚI - NÓNG