Khát vọng hồi sinh

Khát vọng hồi sinh
TP - Cuộc đối thoại giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình với khoảng 100 doanh nghiệp diễn ra hôm qua (20-7) tại Hà Nội kết thúc mà gần như chưa tìm được lối thoát cho các doanh nghiệp đang thực sự có nhu cầu về vốn; chưa thực sự tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

> Thống đốc NHNN: 'Không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá'
> Doanh nghiệp 'tố khổ' với Thống đốc

Giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp vẫn tồn tại sự vênh nhau khá lớn về nhu cầu, khát vọng và hướng giải quyết về đồng vốn vay. Thống đốc đưa ra thông điệp rõ ràng về sự sàng lọc, phân loại đối tượng doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ.

Ông nói: "Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp". Ông cũng bày tỏ: "Với các doanh nghiệp, dù có qua khỏi giai đoạn này nhưng tương lai dự báo rất khó khăn và không có cơ hội phát triển dài hạn thì hệ thống ngân hàng cũng kiên quyết làm sao để có thể loại trừ doanh nghiệp đó”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp từ lớn lẫn nhỏ, từ khỏe lẫn yếu đều mong muốn được hệ thống ngân hàng dỡ bở những rào cản quá khắt khe để tiếp cận vốn lãi suất thấp với hy vọng phục hồi kinh doanh sản xuất.

Nhưng, các ngân hàng viện dẫn nhiều lý do thuộc về nguyên tắc để không đáp ứng rộng rãi nhu cầu của doanh nghiệp. Có hai lý do phổ biến và thường được các ngân hàng đưa ra để làm tấm lá chắn cho sự an toàn tín dụng của hệ thống.

Lý do thứ nhất là vì nhằm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên buộc lòng phải giữ lãi suất ở mức cao. Khi và chỉ khi lạm phát ổn định thì lãi suất mới ổn định. Lý do thứ hai là, vì sự bảo toàn đồng vốn nên ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản vay vốn.

Tuy nhiên, nếu chỉ biết dừng lại ở việc tuân thủ "khuôn vàng thước ngọc" một cách cứng nhắc đã khiến các ngân hàng rơi vào trạng thái thúc thủ.

Sự thúc thủ đó sẽ ít nhiều đem đến lợi ích cục bộ của hệ thống ngân hàng nhưng không giúp ích gì cho sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp và đồng nghĩa với việc không tạo được động lực thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.

Phải nhìn nhận rằng, khi các doanh nghiệp còn có nhu cầu về vốn là chứng tỏ còn có khát vọng mãnh liệt về sự hồi sinh và phát triển.

Cho nên, mong muốn của các doanh nghiệp và cũng là đòi hỏi cả xã hội trong lúc này là hệ thống ngân hàng làm thế nào vừa tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, nhưng lại vừa có sự linh họat cần thiết tạo động lực, cơ hội cho doanh nghiệp hồi sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.