Chính quyền Trung Quốc lừa dối thế giới

Các học giả, nhà nghiên cứu phân tích và cung cấp thông tin về tình hình biển Đông hiện nay với đại diện nhiều NGO tại Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh.
Các học giả, nhà nghiên cứu phân tích và cung cấp thông tin về tình hình biển Đông hiện nay với đại diện nhiều NGO tại Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh.
TPO - Chính quyền Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm. Hệ thống báo đài của của họ liên tục tuyên truyền những lập luận xảo ngôn, lừa dối công luận về việc nước này đưa trái phép giàn khoan hải dương vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Dựa trên những căn cứ xác đáng, rõ ràng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và bằng chứng lịch sử, các học giả và nhà nghiên cứu tham dự cuộc họp chia sẻ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức hôm nay (13/5) đã bác bỏ những thông tin sai trái từ phíaTrung Quốc.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư AIC, khẳng định chính quyền Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm khi nói rằng vị trí mà họ lắp đặt giàn khoan hải dương chỉ cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Chưa nói đến việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974, Luật sư Sơn cho rằng theo UNCLOS, những hòn đảo không thích hợp cho con người sinh sống thì không được xác lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) riêng. Bản thân đảo Tri Tôn chỉ là bãi đá ngầm, ngay cả khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất bãi đá ngầm này cũng không nối lên. Vì thế không đủ điều kiện cho con người sinh sống. Vì thế, căn cứ xác định vị trí giàn khoan dầu của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.

Theo Luật sư Sơn, Trung Quốc “từ chỗ đánh tráo khái niệm để liên kết các đảo vào nhau nhằm thiết lập vùng đặc quyền, rồi cho báo chí tuyên truyền sai sự thật. Họ biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý”.

Tham dự buổi chia sẻ thông tin, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công an, cũng cho rằng chính quyền Trung Quốc đang lừa gạt người dân nước họ và cộng đồng quốc tế. “Đến bây giờ mà nhiều người dân Trung Quốc vẫn nghĩ rằng quân đội Việt Nam tấn công Trung Quốc năm 1979, và quân Trung Quốc chỉ đáp trả để phòng vệ”, ông Lê Văn Cương nói về sự nguy hiểm của cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc.

Ông Cương khẳng định vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan hải dương trái phép không phải vùng biển tranh chấp như một số báo chí nước ngoài gọi. “Đây là nhà của chúng tôi. Họ vào nhà chúng tôi để phá hoại thì không thể gọi là tranh chấp”, ông Lê Văn Cương phát biểu.

Vị Thiếu tướng cho biết, Trung Quốc năm nào cũng có hành động gây hấn với Việt Nam, từ việc cắt cáp tàu, xua đuổi, tấn công các ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự xâm lăng pháp lý khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên hai quần đảo của Việt Nam, khiến người dân Việt Nam “chưa bao giờ được sống yên ổn”. Ông Lê Văn Cương cho rằng những lần trước Việt Nam phản ứng chưa tương xứng với hành vi của Trung Quốc, nhưng lần này Việt Nam kiên quyết phản đối nhằm giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng bản chất từ những lời lẽ lừa dối từ Bắc Kinh.

Hành vi đi ngược với cam kết

Nhà nghiên cứu biển Đông Nguyễn Vũ Tùng cho rằng hành vi của Trung Quốc lần này đi ngược lại với suy nghĩ thông thường, đi ngược lại với chính những gì họ đã cam kết với tư cách thành viên của Hội đồng bảo an LHQ và đối tác của ASEAN. Lý giải nguyên nhân, ông Tùng cho rằng chính tư tưởng nước lớn đã khiến nhiều lãnh đạo Trung Quốc bị “mờ mắt”. 

Trả lời những quan ngại của đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam về nguy cơ tình hình leo thang thành xung đột quân sự và tương quan lực lượng, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng GDP và vũ khí là sức mạnh cứng mà Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, họ thiếu sức mạnh mềm mà “Việt Nam đã hun đúc qua 2.000 năm chống xâm lược”.

Ông Lê Văn Cương khẳng định “Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, không bao giờ liên kết với nước nào chống Trung Quốc” mà luôn hòa hiếu, bao dung. Nhưng nếu có xung đột xảy ra, Việt Nam không lo sợ vì “trong cuộc chiến này Việt Nam có hai điều Trung Quốc không có. Đó chính là pháp lý và đạo lý”, ông Cương nói.

Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết các công cụ đấu tranh ngoại giao. Mức cao nhất và Việt Nam đấu tranh mới chỉ ở ASEAN, với phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 tại Myanmar vừa qua. Ông Sơn cho rằng Việt Nam có thể gửi công hàm chính thức phản đối lên Tổng thư ký LHQ, đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết. 

“Tuy Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ quyết, nhưng việc Việt Nam đấu tranh ở LHQ sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan tâm và hiểu rõ bản chất sự việc”, Luật sư Sơn nói.

MỚI - NÓNG