Nhưng việc "cãi" chính sách sẽ có nguy cơ trở thành cảm tính nếu người tham gia phản biện thiếu thông tin, thiếu phân tích khoa học, chỉ nhìn vào quyền lợi trước mắt.
"Cãi" ngày càng mạnh
Năm 2005, một số văn bản quy phạm pháp luật của TP.HCM ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống như: xử lý vi phạm qua hình ảnh, tập trung người lang thang bị coi là "xé rào". Những văn bản trên do UBND TP quyết định, không xin ý kiến Ban pháp chế HĐND TP(!). Việc này chứng tỏ vai trò phản biện của HĐND TP còn hạn chế.
Tuy nhiên, năm 2006, HĐND TP.HCM đã phản biện mạnh mẽ dự án xây toà nhà 54 tầng tại trung tâm TP xén đi một phần công viên 23 – 9, khiến UBND TP không thông qua dự án này.
Sau đó là việc phản biện đề án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân do Mặt trận Tổ quốc TP tổ chức khiến đề án phải ngưng và việc phản biện đề án tăng học phí của UBND TP do HĐND TP lĩnh xướng khiến đề án phải tạm ngưng mấy tháng để xây dựng khoa học hơn.
Những tưởng kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vừa qua sẽ trầm lắng như mọi lần. Nhưng, 64% đại biểu đã biểu quyết không thông qua Nghị quyết về "Những giải pháp lớn và một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau khi VN gia nhập WTO" do Nghị quyết "bê nguyên xi đề án 20 của Thành uỷ", chưa cụ thể hoá thành chương trình hành động. Dư luận đã đánh giá đây là chuyện hy hữu của HĐND thành phố Hà Nội.
Không những thế, nhiều đại biểu còn yêu cầu kỳ họp sau cần chất vấn UBND thành phố, vì chỉ họ mới đủ trách nhiệm, thẩm quyền để giải trình những vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, đưa ra cam kết.
Sự "nóng" lên của HĐND TP.HCM và sự đột biến của HĐND thành phố Hà Nội có thể có những nguyên nhân: Quá trình tích tụ lâu dài của công tác phản biện được sự ủng hộ của công luận, báo chí tạo nên hiệu ứng ngày càng mạnh; Cách làm việc thẳng thắn của những người như đại biểu Đặng Văn Khoa, Phạm Minh Trí của TP.HCM đã tạo ảnh hưởng đến đại biểu ở các địa phương khác.
Thật thú vị khi một số đại biểu HĐND TP.HCM vừa đòi hỏi chất vấn lãnh đạo UBND, ở Hà Nội, một số đại biểu, thậm chí cả Chủ tịch HĐND, đặt yêu cầu tương tự. Không phải ngẫu nhiên sau khi TP.HCM tạm ngưng đề án tăng học phí, HĐND Hà Nội không đặt đề án tương tự lên bàn nghị sự.
Cứ đà này, việc lãnh đạo UBND địa phương, có thể đích thân Chủ tịch UBND, đứng ra trả lời chất vấn của HĐND sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.
Trong sức nóng phản biện đó, vai trò báo chí cũng được nhân lên. Vừa qua, khi trả lời VietNamNet về khả năng thông qua đề án tăng học phí, Thường trực HĐND TP, bà Trần Thị Thanh Diệu, nói: "Vấn đề là báo chí có "thông qua" không. Nếu báo chí "thông qua" thì đề án sẽ được thông qua".
"Cãi" một cách khoa học?
Sức mạnh của phản biện là vậy, nhưng nếu phản biện không khoa học, thiếu thông tin, thiếu phân tích, chỉ nhìn vào quyền lợi trước mắt, không xét kỹ lợi ích lâu dài, thì sẽ thế nào? Nếu vậy, phản biện trở thành "đánh hội đồng" bất cứ việc gì thấy không hài lòng, mà việc gây không hài lòng cần được xét tính đúng đắn một cách kỹ lưỡng, khoa học.
Chẳng hạn, quy định về đội mũ bảo hiểm, cấm xe máy tại một số địa điểm có thể gây phản đối trong dư luận, vì nhìn trước mắt có những bất tiện. Nhưng nhìn xa hơn, đó có thể là giải pháp tốt cho an toàn giao thông.
Như thế, trước hết đòi hỏi phản biện phải có đầy đủ thông tin. Muốn vậy, mỗi đề án, chương trình, quyết định trước khi trình ra HĐND, Quốc hội, cần được chuẩn bị thật kỹ với căn cứ khoa học, giải pháp cụ thể, có tham khảo ý kiến của đoàn thể, như Mặt trận Tổ quốc.
Đề án tăng học phí ngay từ đầu cần trình bày rõ những con số về ngân sách, vạch cụ thể những việc làm được, giải pháp cho hộ nghèo nếu tăng học phí, khung học phí của Trung ương. Có thể khảo sát lộ trình miễn học phí của một số nước đi trước xem có giai đoạn nào tăng học phí, nét khác trong điều kiện ở VN? Đó là cách cung cấp thông tin để đại biểu, dư luận lên tiếng hợp lý.
Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đối với mỗi vấn đề đóng vai trò quan trọng cho việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nhưng hầu hết các báo cáo thẩm tra hiện nay đều dài, gần như nhắc lại nguyên nội dung của tờ trình, thiếu mổ xẻ bằng dữ liệu riêng, thiếu thể hiện rõ quan điểm.
Và trách nhiệm trước hết thuộc về người tham gia phản biện, đặc biệt là đại biểu dân cử. Chỉ khi đại biểu thoát khỏi quyền lợi riêng, trước mắt, nhìn đến quyền lợi chung, lâu dài; trước mỗi vấn đề có khảo cứu thật kỹ, thì việc lên tiếng mới đúng đắn.
Theo Phạm Cường
VietnamNet