> Bão giật cấp 13 tiến vào biển Đông
> Bão Krosa sắp tiến vào Biển Đông
Dự kiến đường đi bão Krosa (Nguồn Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư.. |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chiều qua, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, bão Krosa mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới hôm 29/10. Đến 13 giờ hôm nay (31/10), tâm bão cách đảo Luzon (Philippine) khoảng 120 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13-14.
Sau khi quét qua phía bắc đảo Luzon vào tối khuya 31/10, bão sẽ vào biển Đông, tiếp tục di chuyển hướng tây tây bắc, và có khả năng mạnh lên. Khi tiến về phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, bão có thể mạnh lên cấp 13, giật cấp 16.
Theo ông Tăng, Krosa là cơn bão cuối mùa, diễn biến phức tạp, bất thường. Các đài dự báo quốc tế cho rằng, bão Krosa sẽ đi theo hướng tây tây bắc, vòng qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi về phía nam Vịnh Bắc bộ. Lúc này bão mạnh cấp 11, và đây là trường hợp xấu với nước ta.
Tuy nhiên, theo tính toán của cơ quan dự báo Việt Nam, khả năng bão đi lệch phía bắc nhiều hơn, vào khu vực đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc), rồi suy yếu trước khi vào Vịnh Bắc bộ. Trường hợp này, bão sẽ ảnh hưởng cho Việt Namít hơn.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, đến 15 giờ hôm qua, Biên phòng tuyến biển thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 23.000 tàu/gần 149.000 lao động biến diễn biến của bão Krosa để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa có 142 phương tiện/1.369 người. Hiện Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi phía Trung Quốc, đề nghị hỗ trợ ngư dân Việt Nam trú tránh bão.
Trước tính phức tạp và khả năng ảnh hưởng đến nước ta của bão Krosa, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát yêu cầu hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn phù hợp, tàu đi về phía nam, không đi về phía bắc, đặc biệt khu vực bắc Hoàng Sa.
Ông Phát lo ngại bão sẽ ảnh hưởng đến miền Trung, vì hiện khu vực này đang ở giai đoạn cao điểm mưa. Ông Phát yêu cầu, có phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều tiết nước dự phòng, rà soát, xử lý những sự cố xảy ra trong các trận bão trước. Có phương án cảnh báo và hỗ trợ cho người dân hạ du các hồ chứa, để chủ động đối phó với trường hợp phải xả lũ.