Bảo vệ cổ thụ níu giữ đại ngàn

Bảo vệ cổ thụ níu giữ đại ngàn
TP - Mới đây, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận và gắn biển Cây di sản Việt Nam đầu tiên trên khu vực Tây Nguyên cho một cụm 3 cây cổ thụ ở Đắk Lắk.

> Công nhận thêm 13 cây, cụm cây di sản
> Thêm 17 cổ thụ được công nhận cây di sản

Việc làm này đã góp phần đánh động ý thức tăng cường bảo vệ những cây đại thụ quý giá cuối cùng của các buôn làng.

Nằm cách nhà cộng đồng của buôn Kroa B khoảng 1km, cụm 3 cây Đa- K’tưng-Bằng lăng nằm ở đầu suối Ea M’Kang (buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có tuổi đời khoảng 200 năm với chiều cao trên 30 mét, đường kính khoảng 3 mét tỏa bóng sum sê. Nó được người dân đặt cho cái tên thân thương là “cây đoàn kết” vì cả ba loại cây quấn chặt lấy nhau, cùng nhau chung sống. Phía dưới chân cây đại thụ, bến nước lâu đời vẫn chảy róc rách.

Dẫn chúng tôi đi thăm cây đa, bến nước, Ma Ngur, già làng buôn Kroa B hớn hở khoe về cây vừa được công nhận cây di sản: Cụm cây này có lâu lắm rồi, từ ngày già còn nhỏ theo mẹ đi lấy nước đã thấy nó đứng sừng sững ở đó. Dù khu vực xung quanh đã bị người ta phá rừng làm rẫy nhưng riêng cây này không ai xâm phạm. Dân làng trong buôn xem cây như thành viên của buôn làng, giữ lại cây cũng chính là giữ nguồn nước để nuôi sống cả buôn.

Theo Ma Ngur, để giữ cụm đại thụ này cũng không phải dễ dàng, bởi bọn con buôn cứ lượn lờ dùng tiền để dụ dỗ. Cũng tại buôn này, còn có một cây Tung cao khoảng 40 mét, cả chục người ôm không xuể, dưới gốc nó là một bến nước. Cách đây một năm, có một nhóm lái buôn vào gạ già làng Ma Ngur kí vào giấy tờ để cho họ khai thác và sẽ được “lại quả” 30 triệu đồng. Dù chưa bao giờ có được số tiền lớn và dễ dàng như vậy, nhưng già làng thẳng thừng từ chối.

Không phải ở nơi nào cũng dứt khoát bảo vệ cây như ở buôn Kroa B, ở một số vùng, đại thụ đã phải ngã xuống trước lưỡi cưa của bọn buôn gỗ. Mới đây nhất, vào tháng 8/2013 ở thôn 5, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, một cây gỗ Ké (thuộc nhóm V – gỗ rất cứng) hàng trăm năm tuổi, đường kính 2,2m, cao 47m, trữ lượng gỗ khoảng 40m3 đã bị đốn hạ trước sự phản ứng gay gắt của bà con.

Theo ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Đắk Lắk, việc được trao danh hiệu Cây di sản Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cổ thụ được chú ý bảo tồn, tránh được sự xâm hại của con người.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG