> Biển chưa thông, bờ đã sạt lở
> Gần 1.000 dân chống sạt lở bờ biển
“Ngoài những vùng bồi tụ và cấu tạo đá cứng, hầu hết dải ven biển ở Việt Nam bị xói lở”, ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo, cho biết.
Ở miền Bắc, khu vực Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định) ảnh hưởng nhiều nhất. Ở miền Trung, xói lở đang diễn ra ở hầu hết các kiểu cấu tạo bờ, Thanh Hóa có 18,1 km xói lở, mỗi năm xói lở trung bình 15-30 mét. Nghệ An có 45km, Hà Tĩnh có 60km, Quảng Bình là 50 km bờ biển xói lở.
Đáng chú ý, ĐBSCL, nơi trước đây chỉ có bồi tụ nay cũng bị xói lở, xâm lấn. Bờ biển thuộc huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre), mỗi năm biển tiến vào đất liền 20 mét, đoạn từ Đầm Dơi đến Rạch Gốc của tỉnh Cà Mau, dài 40 km, những năm qua biển lấn vào 1,4km.
Ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Đảo và Đầm phá cho hay, 30 km trong tổng số 128km đường bờ biển ở Huế bị sạt lở, 10km bị xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của 1.200 hộ dân.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Biển và Hải đảo chỉ ra việc xây dựng các công trình sát biển, đặc biệt là hệ thống các resort ven biển cũng tác động mạnh đến xói lở. Ngoài ra, chính hệ thống đập thủy điện trên các dòng sông dẫn đến sự thiếu hụt bùn cát ở khu vực hạ lưu là nguyên nhân quan trọng nhất của xói lở bờ biển.