Người dân Quảng Nam đào hầm tránh bão |
Báo cáo lúc 8 giờ sáng của cơ quan KTTV TW, tâm bão số 6 (Xangsane) sẽ đổ bộ vào gần sáng nay (1/10) với sức gió trên cấp 13, vùng ven biển sóng sẽ cao trên 14 mét, lớn nhất từ trước đến nay.
Ban chỉ đạo tiền phương của Chính phủ (đóng tại Đà Nẵng) sáng 30/9 đã chia thành 3 nhóm, trực tiếp chỉ đạo tại chỗ 3 cụm tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị; TT-Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam; và Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên.
Không khí chuẩn bị đương đầu với cơn bão khủng khiếp tại bộ phận tiền phương càng lúc càng tất bật. Trưởng ban tiền phương, ông Lê Huy Ngọ chỉ đạo cụ thể việc chuuyển lương thực, thuốc men... tới những địa bàn trọng yếu.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu gấp rút cho biết các địa phương cần gì, như áo phao, phương tiện, lương thực... để Chính phủ xuất kho dự phòng.
Ngay sau cuộc hội ý nhanh của lãnh đạo và các ban ngành thành phố Đà Nẵng vào lúc 9 giờ, tất cả đã toả xuống hiện trường bắt đầu cuộc sơ tán dân theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ.
Đây được đánh giá là cuộc sơ tán chưa từng có trong lịch sử thiên tai ở miền Trung, 46.235 hộ với khoảng 183.140 người tính từ Hà Tĩnh trở vào Phú Yên!
Khoảng 16 giờ trước khi tâm bão đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã một lần nữa nhắc lại: “Địa phương nào chậm trễ trong việc sơ tán dân gây hậu quả thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm lớn với Chính phủ”.
Tại Đà Nẵng phải di dời trên 5.520 hộ với hàng vạn người. Quảng Nam phải di dời gần 21.000 người, trong đó có 438 khách du lịch, chủ yếu đang mắc kẹt tại Hội An.
Có mặt tại “điểm nóng” là phường Hoà Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) trưa 30/9, nơi có nhiều hô dân sống trong những ngôi nhà chỉ cách mép biển chưa đầy 100 mét, và cũng đã “nổi tiếng” vì vụ “sóng thần đi thẳng vào phường ta” năm ngoái, PV Tiền phong ghi nhận không khí đón bão đã lên đến cao điểm.
Giữa mưa to, sóng đánh vào bờ ầm ầm, hàng trăm người dân trẻ già trai gái đang hối hả xúc cát cho vào những chiếc bao để chằng chống nhà cửa của mình.
Dọc đường Nguyễn Tất Thành, vô số những xe ba gác, xe honda cũng đang chở những bao đất, cát để về chèn chống nhà. Phường bố trí xe đến từng cụm dân cư đọc loa thông báo về việc di dời.
Ông Bùi Văn Quốc – Chủ tịch phường Hoà Hiệp Nam, cho biết: Trước mắt Phường phát cho mỗi hộ dân 20 bao đựng cát để họ tự chằng chống trước, số còn lại (gồm 5.000 bao) sẽ do lực lượng cơ động của phường trực tiếp làm.
350 hộ (1.575 dân) được sơ tán đến các trường học kiên cố trong phường. Lương thực, nước uống... đã chuẩn bị sẵn sàng. Lực lượng “phản ứng nhanh” tại điểm nóng này là 70 người, gồm BĐBP đồn 244, Đoàn 74 – Tổng cục 2 Bộ QP ... sẵn sàng trực chiến.
Đà Nẵng: Người và thuyền cùng... chạy!
Hình ảnh ấn tượng và cực kỳ hiếm hoi lúc cuối chiều 30/9 trên đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc: Những chiếc cần cẩu của quân đội dựng giữa đường “công kênh” từng chiếc tàu đánh cá để đưa từ bãi biển qua bên vỉa hè bên kia.
Trước đó, ngư dân Mân Thái, Thọ Quang, quận Sơn Trà đã dùng tời kéo tàu từ biển lên bờ. Nhưng cuối cùng, những chiếc thuyền trị giá hàng trăm triệu của ngư dân đã phải sang bên kia đường, vì nguy cơ sóng biển dự báo cao tới 14 mét có khả năng chồm lên đường cuốn tất cả ra biển.
Các chiến sĩ hải quân của tiểu đoàn S 680 (BTL Hải quân) cùng các đơn vị công an, BĐBP suốt cả buổi chiều căng sức giúp dân sơ tán thuyền. Tổng cộng có trên 450 chiếc thuyền đã đến nơi an toàn nhất có thể.
Cùng lúc, cuộc sơ tán người và tài sản cũng diễn ra khẩn cấp. Chúng tôi có mặt tại phường Thọ Quang. Cả 4 dãy nhà tạm Thành Vinh B với 240 căn nhà lúc 15 giờ 30 đã im ỉm khoá, có sự canh giữ của lực lượng xung kích, công an phường.
Tại trường THCS Lý Tự Trọng, một quang cảnh chộn rộn với hàng trăm gia đình với người già, trẻ con nằm ngồi khắp các lớp học. Ông Nguyễn Văn Giáp (73 tuổi, tổ 6B, phường Thọ Quang) bị tai biến nằm giữa đống chăn mền khó nhọc, bên cạnh vợ là Lê Thị Túc (70 tuổi), nói : “Tui có 5 đứa con, lập gia đình quanh thành phố này, giờ cũng đã kéo nhau sơ tán hết rồi, chưa liên lạc được với đứa nào”.
Bộ đội giúp dân sơ tán tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng |
Chị Đinh Thị Hải (33 tuổi, tổ 6B) bồng bế 3 đứa con lít nhít từ 7 đến 1 tuổi, kể : “Trưa nay mỗi người được phường phát 1 ổ bánh mỳ, nước uống. Chiều nay có cơm hộp”.
Chủ tịch phường - ông Lê Văn Soạn chùm hum áo mưa đứng bên cạnh, cho biết: “Đến 15 giờ 30 phút, toàn bộ 447 hộ với 1.785 nhân khẩu thuộc diện sơ tán đã đến nơi an toàn. Mỗi hộ còn để lại 1 lao động chính để canh nhà cửa và dọn dẹp, tới 6 giờ chiều xe đến đón về nơi sơ tán tập trung”.
Trưởng ban PCLB TW Lê Huy Ngọ và Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh cũng vừa ghé đến. Dân ùa lại, nhiều người kể lể chuyện tránh bão, và cũng không quên đưa ra những đề nghị về việc... đền bù giải toả.
Quảng Nam: Đào... hầm trú bão, nhà cổ gồng mình
Hàng ngàn hộ dân thuộc các xã ven biển của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phải di dời. Mấy chục gia đình ở xã Bình Hải, Bình Minh không thuộc diện di dời nhưng cũng chủ động đối phó với bão bằng cách đào... hầm trú ẩn.
Kinh nghiệm đào hầm trong chiến tranh đã sống lại và được áp dụng. 4 hộ gia đình các anh Đỗ Văn Sự, Đỗ Thẩm, Lê Xuân Trúc, Trần văn Sửu (ở thôn Tân An-Bình Minh) đã đào chung 1 căn hầm sâu hơn 1 m, diện tích chừng 15 m2, trong vườn nhà ông Sự.
Hầm được làm chắc chắn bằng bao cát, dùng tre già để gác và chống. Vợ ông Sự cho biết: Căn hầm này đủ chỗ cho 20 nhân khẩu của 4 nhà trú ẩn toàn khi bão vào. Đây quả là sáng kiến hay.
Đến chiều 30/9, Quảng Nam đã sơ tán xong 15.580 dân trên tổng số 20.900 người phải di dời. Đặc biệt, 479 hộ thuộc các huyện miền núi cũng đã di dời xong trước 16 giờ 30 phút. Tỉnh đã xuất 1,1 tỷ đồng cùng 100 tấn gạo, 30 cơ số thuốc chuyển đến các điểm trọng yếu. Trên 3.500 áo phao, phao tròn, phao bè cùng 80 nhà bạt cũng đã đưa đến dân.
Tại Hội An, bà Đặng Thị Kim Năm – Chánh VP thị xã cho biết, đến 10 giờ, toàn bộ 6.500 nhân khẩu (1.660 hộ) tại 2 phường thấp trũng là Cửa Đại và Cẩm Nam đã đến tạm trú tại các trường học và công sở. Trong đó 438 khách du lịch tại Hội An tại các khách sạn ven sông, biển đã được đưa đến nơi an toàn ở trung tâm thị xã.
Một mối lo là số phận các nhà cổ tại Hội An. Ngay từ chiều 28/9 đến 11 trưa 30/9, có 52 ngôi nhà cổ, di tích trong tổng số 82 di tích đang thuộc diện tu bổ khẩn cấp đã được chằng chống.
Giám đốc Trung tâm QLBTDT Hội An - ông Nguyễn Chí Trung, cho biết: “Chúng tôi tính đến việc di dời tại chỗ cho những nhà cổ xuống cấp. Hiện Trung tâm đã dùng cây gỗ chống đỡ 34 di tích của tư nhân, đồng thời buộc di dời dân tại 16 di tích khác”. Tại đảo Cù Lao Chàm, trên 100 hộ dân sát biển ở bãi Làng, bãi Hương đã được đưa vào trong.
Bình Định: Di dời khẩn cấp gần 1.000 hộ dân
Đến 17h chiều qua, 30/9, tỉnh Bình Định đã di dời khẩn cấp 485 hộ (gần 2.000 dân) trong tổng số 884 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, gồm các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Dự kiến ngày hôm nay, những hộ dân còn lại sẽ được chuyển đến vùng an toàn. Hầu hết các hộ dân này đều nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm và vùng ven biển có nguy cơ bị sóng ập vào cuốn trôi.
Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban PCLB, nhấn mạnh: “Ban PCLB động viên người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời sẵn sàng cưỡng chế những hộ không chịu di dời. Hiện nay, vấn đề quan trọng là nguy cơ sạt lở các tuyến đê điều và các hồ chứa nước.
Đặc biệt là hồ chứa nước Dầu Dây và hồ Trung Sơn (huyện Phù Mỹ), Ban PCLB đã có phương án cho nổ mìn trước nguy cơ vỡ đê. Hồ Hội Long và kè Thạch Ân (huyện Hoài Ân), chúng tôi đã phối hợp với người dân địa phương dùng các bao tải cát đắp kín 2 mang tràn của hồ. Ngoài ra, 1 lát đá kè cao trình 59m sẽ đảm bảo an toàn khi lũ tràn về.
Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) đã quá tải, ngư dân trú ẩn tự do
Từ chiều 29/9, lực lượng CSGT đường sông (CA Đà Nẵng) đã phải buộc hàng trăm chiếc thuyền đang neo đậu ven sông Hàn phải vào trú ẩn tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Tuy nhiên các chủ tàu thuyền đã phản đối, vì cho rằng âu thuyền đã quá chật, không có chỗ neo đậu. Anh Huỳnh Quang Mỹ (chủ tàu DNa 1446) cho biết: “Thuyền vào âu thuyền đông quá không có chỗ xoay trở rất nguy hiểm. Năm ngoái bão số 8 thuyền của tôi vô đó bị dập tơi tả, phải bỏ mấy chục triệu ra để sửa”.
Bởi vậy, các thuyền đã nhổ neo lái ngược lên thượng nguồn sông phía Hoà Cường để tránh bão tự do. Để nếu bão đánh mạnh thì tàu thuyền chỉ va vào cát, chứ không chịu cảnh đập vào bêtông.
Sáng 30/9, ông Trần Công Hồ – Chủ tịch quận Sơn Trà thừa nhận về hiện tượng nguy hiểm này, và khẳng định sẽ kiên quyết đẩy đuổi những tàu thuyền đang còn luẩn quẩn trên sông.
Một trong những điểm nguy hiểm cần di dời dân là khu nhà chồ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Đến sáng 30/9, hàng trăm hộ dân nơi này vẫn “bình chân như vại”.
Chị Lê Thị Thu (tổ 26) cho biết cán bộ phường chiều qua có ghé qua nhắc nhở phải di dời, nhưng chưa biết kế hoạch cụ thể ra sao. “Nếu bão vô vợ chồng em cũng chỉ biết bồng con chạy đại vô bờ núp nhờ nhà ai đó”, chị nói.