> Hoa lan, đào bị sốc thời tiết
> Sắc xuân trên đảo Sơn Ca - Trường Sa
Bầu trời xanh ngắt, nắng tuôn dài, anh Tấn Hải người Đồng Tháp cùng các bạn của mình đang làm một việc hi hữu là cấy lúa trên đường nhựa.
Tô điểm cho phố hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm thành phố, một công ty văn hóa thuê nông dân cuối năm lên làm những đồng lúa ở phố hoa, gợi cảnh quê hương Việt Nam.
Họ đổ những mảng bùn dày chừng 30 cm, rồi trồng những bụi lúa thật 100% ngay dưới chân cột đồng hồ trung tâm. Thứ bùn đất màu mỡ được tưới nước đủ cho lúa sống qua mấy ngày Tết. Du khách túm năm tụm ba chụp ảnh.
Trẻ con thành phố vui sướng khi thấy người nông dân bằng da bằng thịt tác nghiệp giữa đô thị phồn hoa. Cạnh đó, những món đồ hàng hiệu bày bán trong cửa hiệu giá bằng cả gia tài của anh Hải.
“Họ thuê chúng tôi 10 ngày, mỗi ngày 300 nghìn, ăn ở tự lo” - anh Hải cho biết đây là dịp anh kiếm ít tiền - “Chúng tôi đi làm mướn quanh năm ở quê, nghe gọi, anh em bắt xe lên được mấy ngày rồi”.
Anh Hải chỉ đám bạn và bảo họ sẵn sàng ở lại chăm đám mạ non, riêng anh phải đem tiền về nhà cho vợ con sắm Tết. “Gia đình chúng tôi chỉ xem đường hoa trên ti vi. Vợ con chúng tôi chưa bao giờ đi chơi Tết thành phố”.
Lau tượng Đức Ông đón Tết. |
Cách đường hoa mấy cây số, trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hàng trăm gian hàng hoa đang được hoàn tất. Hàng trăm loại cây cảnh được đưa về từ các tỉnh trong nước.
Có những gian cây cảnh tiền tỷ mỗi chậu. Tối đến, chủ cây sinh vật cảnh về ngủ hết, sinh viên bốn đứa đứng bốn góc trông cây. |
Một gian hàng hoa đào có in băng rôn: “Đào Nhật Tân chính hiệu”, nhưng động chủ đã đi đâu mất. Ghé vào hàng hoa mai cạnh đó, thấy những người bán hoa ngủ vùi dưới gốc mai cổ thụ được rao bán 175 triệu.
Chị Nga, người Bến Tre, kể: “Bố mẹ tôi sưu tầm gốc cây mai 60 tuổi này ở miền Trung. Chúng tôi ghép nó hơn mười năm rồi, chờ mãi đến tận năm nay cây mới ra đủ tán để bán”. Đưa gốc mai đi, chị phải thuê xe tải có máy cẩu.
Năm nay thời tiết thuận lợi, mai nhiều búp. Người trồng hoa cho biết, những cây hoa đẹp nhất, dân đều đem đi bán cho thành phố cả: “Dây lưng, quần bò, kính mát… ế thì ra Tết bán. Hoa cảnh bán không được lại thuê xe chở về nhà, đợi đến sang năm”. Giá chậu mai khá đẹp bày ở nhà chung cư cao cấp cũng chỉ chừng 300- 400 nghìn đồng, rẻ hơn năm ngoái.
Con thuyền văn hóa Kinh Bắc ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. |
Khu đô thị có hồ bán nguyệt đẹp, có nhiều chậu hoa mới xếp quanh lối đi, dăm ba con thuyền nhỏ chở dừa làm cảnh. Đột nhiên thấy xuất hiện con thuyền rồng lớn, có loa máy inh ỏi: “Con thuyền văn hóa” lần đầu tiên có mặt ở khu đô thị mới.
Nhân viên của Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông trụ sở ở Hà Nội, tên Thái, nói: “Bọn em vào Sài Gòn mấy hôm rồi, tư vấn cho họ làm không gian Tết ta”.
Thái mời tôi tối ghé hồ để nghe nghệ nhân quan họ Bắc Ninh biểu diễn: “Hóa ra người Sài Gòn khoái nghe quan họ. Chính khu đô thị tài trợ thuyền cho chúng em, chứ viện nghiên cứu chúng em kinh phí hoạt động có hạn thôi”. Trên thuyền có nhiều tình nguyện viên sinh viên.
Theo lời giới thiệu của các bạn sinh viên, tôi lên chợ hoa ở công viên Tao Đàn, gần dinh Thống Nhất.
Các bạn sinh viên làm thêm dịp Tết chia theo ca kíp, một số giới thiệu sản phẩm, số đông làm bảo vệ.
Hoàng, sinh viên năm thứ 3, vẻ quan trọng: “Có những gian cây cảnh tiền tỷ mỗi chậu. Tối đến, chủ cây sinh vật cảnh về ngủ hết, sinh viên bốn đứa đứng bốn góc trông cây”. Tiếng là Tết, nhưng Hoàng ăn cơm bụi bán trong chợ hoa, không xơi bánh chưng bánh tét.
Anh Dụng chăm sóc hoa đường phố. |
Dụng làm ở công ty công viên cây xanh. Vợ chồng anh nhận trách nhiệm đoạn đường nhiều cây cảnh và hoa trước khu công nghiệp Tân Tạo.
Mấy ngày Tết, anh đi nhận hoa về trồng, chăm tưới để khung cảnh phố phường thêm sinh khí. Dụng nói: “Phải tưới, cắt tỉa hàng ngày, trông coi đề phòng cây đẹp bị bê đi mất”.
Nét sinh động của Tết ở Sài Gòn là hàng chục chợ hoa, phố hoa, dù làng hoa bản địa ở vùng Hóc Môn, Củ Chi ngày càng thu hẹp do người dân sống không nổi với hoa. Phần nhiều hoa cây cảnh được đưa từ nơi khác tới. Khí hậu, thổ nhưỡng đều khác biệt. Việc chăm sóc, trông coi công phu. Dụng nói: “Anh xem ti vi, thấy họ trưng hoa trên sân khấu quay phim, mấy tiếng đã héo rũ ra. Còn chúng em trưng hoa cả chục ngày vẫn cứ tươi nguyên”. Hằng năm tan chợ hoa, một số người còn ra chợ tranh thủ bê hoa về để dùng. |
Mỗi tháng thu nhập 8 triệu đồng, khá cao so với mức bình quân của công nhân thành phố, nhưng vợ chồng anh và hai đứa con vẫn phải thuê một căn phòng nhỏ chật chội để sinh sống. “Giá cả leo thang –tiêu không cẩn thận thì vẫn thiếu”. Dụng nói và mang hoa đi trồng dọc đường phố.
Nét sinh động của Tết ở Sài Gòn là hàng chục chợ hoa, phố hoa, dù làng hoa bản địa ở vùng Hóc Môn, Củ Chi ngày càng thu hẹp do người dân sống không nổi với hoa. Phần nhiều hoa cây cảnh được đưa từ nơi khác tới. Khí hậu, thổ nhưỡng đều khác biệt. Việc chăm sóc, trông coi công phu.
Dụng nói: “Anh xem ti vi, thấy họ trưng hoa trên sân khấu quay phim, mấy tiếng hoa đã héo rũ ra. Còn chúng em trưng hoa cả chục ngày vẫn cứ tươi nguyên”. Hằng năm tan chợ hoa, một số người còn ra chợ tranh thủ bê hoa về để dùng.
Tôi nghé vào Đền thờ vua Hùng ở Tao Đàn. Anh Đinh Văn Nam quê Tiền Giang làm thủ từ, đang lau tượng Đức Ông (vua Hùng), nói: “Ngày nào cũng có người thăm đền, thắp hương cho Đức Ông.
Những ngày Tết, chợ hoa tổ chức quanh đền, khách đông không đếm xuể”. Anh nói có người công đức, hoa héo lại đem hoa vào cung tiến. Lại cung tiến cả tiền dầu đèn.
Nam làm công nhân hợp đồng mùa vụ cả chục năm, đến khi làm thủ từ mới được ký hợp đồng dài hạn có bảo hiểm. Anh nói đó là cái lộc của Đức Ông cho anh. Mức lương khiêm tốn, 4 triệu đồng/tháng, tự lo ăn ở, anh vẫn thuê nhà sinh sống. Anh ăn cơm ở nhà, không dám ăn sáng bên ngoài vì quá đắt đỏ. Sáng sớm, tôi thấy anh pha trà, dâng lên cho Đức Ông, sau mới dám uống trong góc khuất.
Buổi tối có bảo vệ ngủ trông đền, nằm ngay trên nền đền, dưới chân bức tượng.
Anh Nam nói: “Tôi làm thủ từ, thu nhập thấp hơn làm việc khác nhưng vui hơn vì hàng ngày như nhìn thấy cội nguồn dân tộc”. Những ngày Tết, người đến thăm viếng đền vua Hùng đông hơn, anh em giữ đền cảm thấy rất vui vẻ.
2- 2013