'Điện Biên Phủ trên không là kỳ tích có một không hai'
> Chủ tịch nước thăm trung đoàn không quân anh hùng
> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52
> Tọa đàm “'à Nội - Điện Biên Phủ trên không'
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là sự kiện lịch sử trọng đại, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Các cựu binh có mặt đông đảo trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: HT. |
Sáng 29-12, lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không được tổ chức tại Hà Nội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và hàng nghìn cựu binh đã tham dự. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 (tiểu đoàn bắn rơi nhiều B52 nhất) cho biết, cuối năm 1972, quân chủng Phòng không Không quân được quân ủy Trung ương và Bộ tổng tư lệnh giao nhiệm vụ ngày 3-12 phải hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị đánh B52.
"Mọi công tác được chuẩn bị khẩn trương, bí mật. Nhưng dù không nói ra, chúng tôi đều nghĩ đến một cuộc chiến đấu không cân sức, không hề dễ dàng với quân và dân ta vì không quân địch có tiềm lực, được trang bị hiện đại, chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, còn chúng ta lực lượng không nhiều, đạn dược có hạn", trung tướng Phiệt nói.
Ông kể thời điểm đó đơn vị nào cũng yêu cầu cấp trên cho thêm lực lượng chiến đấu. Trong dồn dập những trận mưa bom, bão đạn chưa từng có của kẻ thù, có người đã phân vân, thậm chí một bộ phận nhân dân hồi hộp, lo lắng, đâu đâu cũng truyền nhau câu hỏi "làm sao chúng ta đánh được B52" khi trên thế giới việc này chưa có lời giải.
Các đơn vị chiến đấu được lệnh phải thực sự vững vàng, để Đảng và nhân dân tin tưởng phải chủ động tìm cách đánh, quyết bắn rơi tại chỗ B52, đánh thắng Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Đơn vị nào cũng xiết chặt đội ngũ, giữ vững trận địa với niềm tin quyết thắng. Ra đa vạch nhiễu tìm kẻ thù, tên lửa, pháo phòng không sáng tạo cách đánh, không quân lao vào đội hình máy bay địch, phá vỡ thế trận, tiêu diệt chúng...
"Có trắc thủ dù bị thương rất nặng nhưng vẫn gượng sức mình báo cáo chính xác phần tử mục tiêu về sở chỉ huy trước khi ngã xuống, hay những lá thư viết dở trước giờ xuất kích của phi công... đã làm sáng mãi khí tiết kiên trung của tuổi 20. Đây là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, hội tụ, kết tinh, tỏa sáng và chuyển hóa thành lưới lửa, rồng lửa thiêu cháy máy bay địch, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng", trung tướng Phiệt xúc động nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục lý tưởng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Ảnh: Chính phủ. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là sự kiện lịch sử trọng đại, là kỳ tích có một không hai, là biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cuộc tập kích vào Hà Nội, miền Bắc Việt Nam bằng đường không của Mỹ năm 1972 đã huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay”, “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Mỹ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân.
Thế nhưng với ý chí chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, quân và dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “siêu pháo đài bay B52” thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Ngày 27-1-1973 hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Cuối tháng 3-1973, quân đội Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
"Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, minh chứng hùng hồn chân lý một nước đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội... thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, dù chúng có các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất", Chủ tịch nước nói.
Người đứng đầu nhà nước cũng dặn dò, lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo đánh thắng máy bay chiến lược B52 và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong những năm tháng kháng chiến gian khổ cần được giữ gìn, truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời những bài học về dự báo tình hình, chuẩn bị và tổ chức lực lượng, nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân... cần được vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện mới.
Chủ tịch nước khẳng định, trải qua những tàn phá nặng nề và hy sinh to lớn trong chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thiết tha, quý trọng hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước.
"Phải tăng cường tuyên truyền giáo dục lý tưởng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong toàn dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực đất nước, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế xã hội và phát triển quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại...", Chủ tịch nước nhắc nhở.
Theo Hoàng Thùy
VnExpress