Trắng đêm 'săn' vé tàu Tết

Trắng đêm 'săn' vé tàu Tết
TP - Ngày 20-12, ngày đầu Ga Sài Gòn (GSG) bán trực tiếp vé tàu Tết Qúy Tỵ, đã có hàng nghìn người vật vã, chầu chực qua đêm trên sân ga mong có được một tấm giấy thông hành về quê sum họp cùng gia đình, song nhiều người vẫn trắng tay.

> Vật vã trắng đêm để mua ...vé tàu Tết
> Ga Sài Gòn còn hơn 18.000 vé tàu Tết

Phát số từ 5 giờ sáng

Ba giờ sáng 20-12, trời còn tối sầm, GSG đã chật ních người. Hai bãi giữ xe máy ngày thường rộng thênh thang giờ không còn chỗ trống. Dòng người vẫn nườm nượp đổ vào sân ga, ô tô, xe máy dừng đỗ ngổn ngang.

Trong phòng vé hàng nghìn người rồng rắn trước máy phát số thứ tự đặt trên tầng 2, xếp hàng trên cầu thang và kéo dài tận ngoài sân.

Để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, lực lượng công an và bảo vệ trực chiến tại cửa cầu thang để ngăn cả nghìn người ùn ùn kéo lên tầng 2.

Đại úy Nguyễn Phước Hải, Công an phường 9 (quận 3) cho biết, lúc 12 giờ đêm 19-12, đã có cả trăm người xếp hàng tại GSG. Ban chỉ huy Công an phường và GSG đã huy động gần 20 người trực chiến tại ga để đảm bảo an ninh trật tự.

Ngay trong đêm, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng GSG đã có mặt và trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ khẩn trương giải quyết cho người dân lấy số thứ tự, bán vé sớm nhằm giảm thời gian chầu chực, chờ đợi của hành khách.

Đúng 5 giờ sáng, nhà ga bắt đầu cho người dân lấy số thứ tự và đến 7 giờ sáng, phòng vé GSG bán vé Tết cho hành khách.

Do người mua quá đông, chỉ sau 30 phút, đã có 1.030 số thứ tự được phát ra. Vì vậy, GSG quyết định ngưng phát số trực tiếp. Hành khách ồ ạt chuyển sang nhắn tin lấy số qua hệ thống tổng đài 8045.

Chỉ trong vài phút, hệ thống thông báo đã tiếp nhận 800 tin nhắn lấy số và ngưng tiếp nhận đăng ký. Hàng trăm người chầu chực xếp hàng qua đêm trắng tay vẫn tiếp tục nhắn tin và bị trừ tiền oan ức (4.000 đồng/tin nhắn).

Ông Trần Văn Dũng (ngụ tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) có mặt tại sân ga từ 12 giờ đêm và may mắn được phát số 632. Theo thông báo của GSG, đến chiều mới đến lượt ông Dũng được phục vụ.

“Tôi đặt mua 4 vé về Hà Tĩnh vào ngày 25 tháng chạp âm lịch. Mấy năm rồi mãi lo kiếm tiền, đón Tết xa xứ. Năm nay kinh tế khó khăn. Tôi định đưa gia đình về ăn Tết và kiếm công ăn việc làm ổn định ở quê, gần gũi ông bà tuổi xế chiều nhưng đông người như vậy, không biết có còn vé hay không” - ông Dũng lo lắng.

Bán đến … 12 giờ đêm

Nhiều hành khách xếp hàng qua đêm đã bức xúc, nhắn tin đặt chỗ không được lại bị trừ tiền càng bức xúc hơn. Chị Huỳnh Thị Hải Như, công nhân nhà máy giày Thái Bình bật khóc: “Hơn tuần nay tôi bỏ công ăn việc làm; suốt mấy ngày ròng rã lên mạng đặt chỗ không được. Đến lúc đến ga mua vé cũng không xong. Tôi từ Bình Dương đến ga lúc 6 giờ sáng, trời còn mờ tối nhưng vẫn không được cấp số thứ tự mua vé”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, nhân viên phòng vé làm việc theo ca, bán suốt, không được nghỉ trưa.

Với 1.830 lượt hành khách được cấp số thứ tự mua vé trong ngày 20-12, phòng vé của GSG phải làm việc hết công suất đến hơn 12 giờ đêm. Và, nhân viên phòng vé phải ra về lúc 1 giờ sáng và chỉ được nghỉ ngơi 6 tiếng là phải lên ca ngày hôm sau.

“GSG rất mong hành khách thông cảm. Công tác bán vé phục vụ hành khách hoàn toàn công khai, minh bạch, không có khuất tất. Nhân viên ngành đường sắt muốn mua vé tàu Tết cũng phải lên mạng đặt chỗ, lấy số thứ tự như bà con.

Hoàn toàn không có ngoại lệ. Việc lấy số thứ tự ngày nào bán ngày đó là nhằm tạo điều kiện cho những bà con ở xa, cũng như những người chưa lấy được số ngày hôm trước có cơ hội lấy số mua vé trong ngày hôm sau.

Chúng tôi rất muốn phục vụ tất cả hành khách nhưng nhu cầu quá lớn, tập trung trong các ngày cao điểm, trong khi lượng vé Tết có hạn do hạ tầng kỹ thuật của ngành đường sắt còn hạn chế, chỉ chạy được tối đa 19 đôi tàu, trong đó có 14 đôi tàu Thống Nhất Bắc Nam.

Ngành đường sắt rất mong bà con nào có điều kiện thì thu xếp về sớm, tránh đi trong các ngày cao điểm để được phục vụ chu đáo.

Theo cập nhật của GSG, đến 8 giờ 30 tối 20-12, tại phòng vé của nhà ga vẫn còn trên 300 hành khách chờ đến lượt mua vé Tết. Tổng số vé bán ra trong ngày đầu gần 8.000 vé trong tổng số 20.000 vé tàu Tết còn lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.