Mới chỉ phát hiện tham nhũng vặt

Mới chỉ phát hiện tham nhũng vặt
TP - Thảo luận tại tổ Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ chiều 26-10, một số ĐBQH cho rằng: Chúng ta mới chỉ phát hiện xử lý được những vụ việc vặt trong khi tham nhũng hết sức nghiêm trọng.

> Đề xuất Tổng Bí thư phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Chưa chỉ rõ địa chỉ tham nhũng

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, báo cáo về công tác PCTN nhợt nhạt, sơ sài - chính điều đó phản ánh đúng sự yếu kém trong PCTN hiện nay, nhưng lại không phản ánh đúng tình hình tham nhũng trong thực tế.

Tham nhũng đang âm ỉ trong các lĩnh vực hải quan, trong các dự án đầu tư, quản lý tài sản công, vốn nhà nước với mức độ rất trầm trọng.

“Năm 2012 mức độ sai phạm lớn, thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng, tuy nhiên mới chỉ thu hồi về được 2-3% số tiền, tài sản thất thoát! Đang có hiện tượng hành chính hóa, nội bộ hóa khi xử lý tham nhũng, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Khởi tố các vụ án lúc đầu lớn, nhưng rồi vẫn đầu voi đuôi chuột” - ông Đương nói và dẫn chứng các vụ việc lớn như Vinashin, Vinalines, thất thoát quá nhiều nhưng lại không thấy có tham nhũng!

Theo ông Đương, Chính phủ vẫn chưa chỉ rõ được nguyên nhân, địa chỉ của tham nhũng, chưa phân tích rõ bản chất của tham nhũng là lòng tham phát sinh cùng với quyền lực bị tha hóa

. “Chúng ta mới chỉ phát hiện, xử lý những vụ việc lặt vặt về tham nhũng như việc một CSGT, một điều tra viên…Nhưng tham nhũng lớn như ra quyết định, ban hành chính sách trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản, để kẻ xấu trục lợi rất lớn thì chưa xử lý được” – Ông Đương đánh giá.

Nhìn rộng ra các vụ án kinh tế thời gian qua, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) bình luận: Những vụ việc như vậy thường có tổ chức, hoạt động trong một thời gian dài, ví như tội phạm ngân hàng. Loại tội phạm này không phải lúc phát hiện mới xảy ra mà xảy ra từ lâu rồi nhưng vì sao chúng ta không phát hiện được, hay phát hiện được mà không kịp thời cảnh báo, để lún sâu như bây giờ?!

“Mua cái ụ nổi cũ kỹ, to như thế, không dùng được, cơ quan chức năng phải biết chứ. Chúng ta đừng đổ cho cơ chế, hay đổ cho người đứng đầu…Vấn đề là, tại sao việc đó xảy ra như vậy. Chúng ta phải biết, nợ xấu của từng ngân hàng, nhưng ai phát hiện, ai xử lý, ai giám sát ngân hàng?” - ĐB Ánh nói.

Theo ĐB, chúng ta không thể bỏ mặc, không thể để cho dân tự điều chỉnh, nếu không chấn chỉnh kịp thời năm 2013 sẽ không biết tình hình ra sao!

“Cứ nói một bộ phận nhưng không chỉ ra địa chỉ dẫn đến ai cũng nghĩ là không phải mình, không phải người thân, không phải ở cơ quan mình. Phải tìm ra địa chỉ, phải chỉ rõ địa chỉ tham nhũng” - ĐB Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) kiến nghị.

Theo ĐB Thông, thực tế thời gian qua chẳng cơ quan nào tự phát hiện, điều tra ra tham nhũng, mà toàn do báo chí hay cơ quan khác phát hiện ra. Không muốn phát hiện ra vì bệnh thành tích, vì chẳng ai vạch áo cho người xem lưng. Do đó, cần phải có cơ quan chuyên trách PCTN.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBTPHCM) cho rằng, có thực tế rất đáng lo, cơ quan Thanh tra vào cuộc rầm rộ, nhưng rồi không phát hiện được gì. Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, tham nhũng mới lộ ra.

“Trong những vụ việc như vậy, cần phải có một cơ chế để xem xét, xử lý trách nhiệm của những cơ quan như vậy” - ông Nghĩa kiến nghị.

Vị luật sư này cũng chỉ rõ, tham nhũng rất nguy hiểm, bởi nó bắt nguồn từ sự suy thoái của cán bộ lãnh đạo cơ quan đơn vị, nó là nguyên nhân của những vấn đề khác: Đổi tội danh, xóa dấu vết, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng…cũng đều do tham nhũng.

Phải kiểm soát tài sản, thu nhập

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), để chống tham nhũng có kết quả, quan trọng nhất là kiểm soát được tài sản của cán bộ, của các đối tượng trong xã hội.

“Tôi làm vụ trưởng, thứ trưởng nhưng con làm ngân hàng thì gửi hàng nghìn đô la vào ngân hàng nước ngoài. Loay hoay đi kê khai, niêm yết nhưng chả giải quyết được vấn đề gì. Trước khi kê khai, tài sản đã được sang tên người khác” - ông Quyền nêu ví dụ.

Theo ông, chỉ khi kiểm soát được tài sản thì mới chống được tham nhũng. Một vụ án dân sự, 14 năm xét xử chưa xác định được tài sản của ai.

Chỉ qua bản kê khai tài sản thì sao nắm rõ được tài sản của người ta. Như vậy, ý nghĩa phát hiện tham nhũng rất ít. Tôi cảm giác chúng ta vẫn làm những việc rất hình thức.

“Khởi tố theo tội danh tham nhũng nhưng sau một thời gian chuyển sang tội cố ý làm trái. Đằng sau cái này là cái gì, đây là việc không bình thường trong PCTN.

Xử dưới khung hình phạt nhiều, án treo rất nhiều. Ở một số địa phương, vận động chính sách chủ động khắc phục hậu quả, chả nhẽ ăn cắp xong chả lại thì thôi à? Rồi viện lý do nhân thân tốt, cán bộ nào chả nhân thân tốt!...”- ông Quyền chỉ ra bất cập trong xử lý các vụ án tham nhũng.

Viện trưởng Viện NCLP Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nêu kinh nghiệm PCTN của Singapore đó là “phải tạo ra một cơ chế để người ta không muốn, không dám, không thể tham nhũng”.

Lần này, QH bàn sửa chủ yếu về kê khai tài sản, đề nghị kê khai cả tài sản của con cái, bố mẹ, sẽ rất khó thực hiện. Nhưng nếu không kiểm soát được tài sản thì chống tham nhũng rất khó khăn.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, cần phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, trong đó quyền được tiếp cận thông tin của báo chí phải được tôn trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG