> Phát triển xe buýt, phải làm tốt quy hoạch
Có thiết bị GPS lái phụ xe buýt sẽ được giám sát chặt hơn. Ảnh: Anh Trọng. |
100% xe buýt lắp hộp đen
Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, với tổng số hơn 900 xe hoạt động trên 50 tuyến buýt, hiện Transerco đang chiếm hơn 80% thị phần vận tải hành khách bằng xe buýt tại Thủ đô.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ luôn là ưu tiên số một trong quá trình hoạt động của Transerco.
Tổng công ty vận tải Hà Nội hiện có tổng số hơn 900 xe buýt hoạt động trên 50 tuyến, mỗi ngày vận chuyển hơn 1 triệu khách, chiếm hơn 80% thị phần vận tải hành khách bằng xe buýt tại Thủ đô. |
Từ năm 2007, thời điểm Chính phủ chưa ban hành Nghị định áp dụng công nghệ GPS, Transerco đã bắt tay vào nghiên cứu và lắp đặt thử nghiệm thiết bị này. Khi đó đã có 300 thiết bị GPS đầu tiên được doanh nghiệp lắp đặt thử nghiệm trên 12 tuyến buýt của mình.
“Đến cuối năm 2009, do có những ưu thế vượt trội nên Tổng Cty quyết định triển khai lắp đặt thiết bị này cho 100% mạng lưới xe buýt của Transerco” - ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Transerco nhấn mạnh.
Theo ông Thông, hệ thống giám sát hành trình lắp đặt trên xe buýt là sự kết hợp của 4 ứng dụng công nghệ: Định vị GPS + Bản đồ Gis + Internet + Viễn thông (GPRS, SMS). Với các tính năng này, khi áp dụng không chỉ đáp ứng yêu cầu giám sát hoạt động của xe buýt mà còn giúp hành khách đi lại thuận lợi.
Cụ thể, trong lĩnh vực giám sát, Tổng Cty có một trung tâm theo dõi trực tuyến. Trong quá trình giám sát, nếu lái xe trên các tuyến buýt có hành động chạy ẩu, vượt đèn đỏ, bỏ bến, không đóng mở cửa tại điểm dừng… lập tức thông tin sẽ được báo về trung tâm, kíp trực có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển cho lực lượng giám sát kiểm tra, xử lý.
Trong năm 2011, Tổng Cty đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm của lái xe, 100% vụ vi phạm của lái xe được phát hiện qua GPS là đúng và người vi phạm không thể chối cãi.
Cùng với đó, khi xe buýt hoạt động gặp sự cố hoặc ùn tắc trên đường, thiết bị GPS còn có chức năng như một “hộp đen” lưu, báo thông tin về trung tâm điều hành thông qua các chấm đỏ (khẩn cấp) nổi trên màn hình, từ đó kíp trực có những điều phối, hỗ trợ kịp thời.
Với hành khách, trên suốt dọc hành trình thông qua hệ thống âm thanh và bảng điện tử (Led) sẽ được thông báo các điểm dừng đỗ để hành khách chủ động
lên, xuống.
Giảm chạy ẩu, bỏ bến
Là đơn vị có số lượng xe buýt được ứng dụng công nghệ GPS sớm nhất trong Tổng Cty Vận tải Hà Nội, ông Trần Văn Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe Điện Hà Nội cho biết: Từ khi các xe buýt được lắp công nghệ GPS số vụ vi phạm nội quy của lái xe như chạy ẩu, bỏ bến… giảm 80%.
Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng, do biết mình bị theo dõi, giám sát, nên thời gian qua, nhiều lái xe đã tìm mọi cách vô hiệu hóa thiết bị GPS được gắn ở đầu xe, phần lớn các hành vi này là đập vỡ, cắt nguồn điện hoặc đổ nước…
Trong năm 2011, xí nghiệp đã xử lý 3 vụ như vậy, trong đó 2 trường hợp lái xe trên tuyến buýt 07 đã cắt nguồn điện để GPS không hoạt động. Mọi việc chỉ được chấn chỉnh khi Xí nghiệp có các biện pháp xử lý nghiêm cũng như áp dụng rộng rãi trên hầu hết các tuyến buýt.
Về phương án phát triển tiếp công nghệ GPS, lãnh đạo Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, ngoài những ứng dụng đã triển khai hiện Transerco đang hoàn thiện các tích hợp giữa hệ thống GPS với hệ thống vé xe buýt thông minh; bảng điện tử, sơ đồ website hỗ trợ thông tin; cùng với đó là hệ thống camera quan sát trên xe nhằm giám sát được thái độ phục vụ của đội ngũ lái phụ xe.
Theo các nhà quản lý lĩnh vực giao thông, việc áp dụng công nghệ GPS vào quản lý điều hành là cuộc cách mạng trong quản lý điều hành hệ thống vận tải nói chung và vận tải hành khách công cộng nói riêng.