Cái chết anh hùng

Cái chết anh hùng
Một tháng sau khi bị thương, Nguyễn Tri Phương tử tiết. Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động, lệnh cho quan quân Hà Nội hộ tống quan cữu của ông và con trai Nguyễn Lâm về an táng tại bản quán ở làng Chí Long, huyện Phong Điền...

Bí ẩn những ngôi mộ cổ - Kỳ 5:

Cái chết anh hùng

> Những nấm mộ cát linh thiêng
> Ngôi mộ cổ vị danh tướng

Mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương từng bị kẻ gian đục trộm nhưng đã được sửa lại
Mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương từng bị kẻ gian đục trộm nhưng đã được sửa lại. Ảnh: Q.V

“Người Pháp đã giỏi về binh cơ, lại thêm tàu mạnh súng hay, mình thủ thì hơn chớ đánh thì bất lợi. Nhưng đạo làm tôi phải trung với nước. Như kẻ hạ thần này nếu ra hòa với người ta, thật lấy làm nhục lắm! Còn đánh mà không hơn được lại là cái tội ngu thần. Vậy xin theo ý hoàng thượng sở định, ngu thần xin cúi mình hết sức cho đến chết thì thôi, chớ có đâu dám tiếc thân già”.

Đó là những lời bộc bạch khí tiết của Nguyễn Tri Phương khi vua Tự Đức hỏi ông thế trận khó nên hòa hay chiến trước quân Pháp. 

Trận chiến cuối cùng

Sau khi ngậm ngùi chịu chiến bại trước pháo hạm áp đảo của quân Pháp ở đại đồn Kỳ Hòa và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam kỳ, Nguyễn Tri Phương lại được triều đình cử ra trấn giữ thành Hà Nội để giải quyết mâu thuẫn.

Ngòi nổ chiến tranh đang lăm le bùng nổ. Năm 1873 cũng là lúc Nguyễn Tri Phương đã 73 tuổi (có tài liệu nói 74 tuổi). Trong lịch sử quân sự thế giới cũng rất hiếm vị tướng nào còn trực tiếp xông trận được ở tuổi này.

Trong cuốn Le Tonkin (Xứ Bắc kỳ), gã lái súng Jean Dupuis cũng khẳng định nguyên nhân vị tướng lão thành của nước Việt hết đánh trận miền Nam lại tất tả ra Bắc cũng chính vì sự gây hấn của gã. J. Dupuis nguyên là một gã lái buôn lang bạt nhiều nơi, và sau khi thử thời vận ở Trung Quốc đã tiến xuống nước Việt.

Ban đầu, gã định mở một “con đường tơ lụa” theo đường sông Mekong ngược lên Trung Quốc nhưng bất thành, nên phải tìm kiếm một con đường là ngược sông Hồng đi lên. Có máu khám phá mạo hiểm lẫn tổ chức chiến tranh, nhưng mục đích chính của J. Dupuis là đi buôn.

Cụ thể với đường sông Hồng, gã đã tính chuyện đưa vải vóc, gạo muối, vũ khí lên bán cho các tỉnh phía nam Trung Quốc và chở các loại quặng về bán.

Chính điều đó đã vi phạm đến những quy tắc lãnh thổ của triều đình Huế ở xứ Bắc kỳ, nhất là trong hoàn cảnh nước Pháp đang ngày càng mở rộng thôn tính đất nước này.

Các quan sở tại giải quyết không nổi, Nguyễn Tri Phương lại phải thân chinh ra thành Hà Nội và ngay sau đó lại gặp vấn đề với J. Dupuis khi không thể chấp nhận những yêu sách quá đáng của gã như mở cửa thông thương, thuế quan...

Sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thống đốc Nam kỳ Dupré cử đại úy hải quân Francis Garnier ra “xử” kẻ quấy rối J. Dupuis nhưng thực chất là dẫn pháo hạm đánh chiếm Hà thành.

Chính một lá thư của Garnier đã kể lại cuộc tái chạm trán với đối thủ cũ ở đồn Kỳ Hòa: “Tôi và đoàn tùy tùng đi thẳng vào thành và tuyên bố là tôi chỉ dừng chân tại dinh quan khâm sai.

Đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương, người đã chỉ huy trận tuyến Kỳ Hòa bị chúng ta chiếm... Tôi phải nhìn nhận ông đã 74 tuổi vẫn cư xử rất lanh trí, nói vài tiếng Pháp, che giấu uất hận của ông dưới nụ cười”.

Nghiên cứu của tác giả Đào Đăng Vỹ còn kể rằng Garnier đã lễ phép với Nguyễn Tri Phương: “Thưa ngài, chắc chúng ta có gặp nhau ở trận Kỳ Hòa và từ đó tôi vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ ngài nhiều”.

Tuy nhiên, các yêu sách của viên sĩ quan hải quân cùng gã lái súng người Pháp xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích kinh tế cùng danh dự của triều đình Huế ở xứ này đã buộc Nguyễn Tri Phương phải bác bỏ. Cuối cùng, chiến tranh đã nổ ra.

Tối 19-11-1873, Garnier tập trung binh lính chuẩn bị đánh úp thành Hà Nội vào ngay rạng sáng 20-11. Đây là thành được vua Gia Long tái xây dựng kiên cố theo kiểu Vauban của Pháp, nhưng hệ thống vũ khí phòng thủ đã lạc hậu hơn nhiều so với hỏa lực pháo hạm của Pháp cùng thời.

5h30 ngày 20-11-1873, hai cánh quân gồm hơn 200 binh lính cùng lực lượng của J. Dupuis do Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội.

Mở đầu là đợt pháo kích dữ dội từ các chiến hạm Scorpion và Espingole (sử gia Philippe Devillers cho rằng đây là lần đầu quân An Nam ở thành Hà Nội chịu đựng pháo kích bằng đạn nổ có sức công phá lớn chứ không phải đạn viên cổ điển).

Đại bác vệ thành bắn trả nhưng tầm đạn ngắn, không gây sát thương. Sau đó, Garnier chỉ huy cánh chính đánh cửa đông nam và đối mặt Nguyễn Tri Phương.

Lòng trung nghĩa của vị tướng già

Trong phúc trình đánh chiếm thành Hà Nội, chính Garnier đã xác nhận tinh thần tiên phong của Nguyễn Tri Phương: “... Cái cửa chắc chắn này đã đứng vững được khá lâu. Lúc phá được lối vào, tôi bèn xông vào dưới cửa tò vò và nhận thấy trước mặt tôi bọn cầm lọng che cho tướng phòng thủ. Lúc ấy tôi không ngờ đó chính là vị thống soái...”.

Tay lái súng J. Dupuis còn ghi chép tỉ mỉ trong cuốn Le Tonkin: “Thống soái già đã bị thương trong lúc phòng thủ cửa Nam... Ông bị một vết thương ở bụng chắc không lành được. Ông đã leo lên đầu thành để phấn chấn binh lính và một viên đạn đã bắn trúng ông”.

Sau đó, chính J. Dupuis cùng nhiều tác giả Pháp khác đều rất trân trọng khí tiết của vị tướng nước Việt này khi thuật lại việc ông khước từ chăm sóc y tế của quân Pháp và tuyệt thực đến chết sau đó một tháng.

Quyển L’Empire d’Annam đã viết rằng: “Ông bị thương nặng trong trận tấn công thành và chết vì vết thương. Ông từ chối sự săn sóc của bác sĩ Pháp và rứt bỏ đồ băng bó vết thương”.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ khi viết tác phẩm Nguyễn Tri Phương, đã tìm được gia phả họ Nguyễn ở Huế. Trong đó có đoạn chép rất xúc động: “Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lâm đốc suất quân ra phía cửa đông nam vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ cũng bị thương, binh lính khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào buộc, cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhổ không nuốt, nói rằng: Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa...”.

Một tháng sau khi bị thương, Nguyễn Tri Phương tử tiết. Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động, lệnh cho quan quân Hà Nội hộ tống quan cữu của ông và con trai Nguyễn Lâm về an táng tại bản quán ở làng Chí Long, huyện Phong Điền. Vua còn ban cho gấm lụa và 1.000 quan tiền để lo tang.

Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Phong Điền
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Phong Điền. Ảnh: Q.V

Gần đây, phó giáo sư Nguyễn Thương Ngô đi điền dã, viết phả hệ họ Nguyễn đã đưa giả thuyết mộ thật của Nguyễn Tri Phương ở Bình Định, còn mộ ở Chí Long chỉ là mộ chiêu hồn hay là mộ giả như nhiều người đương thời để tránh tình trạng loạn lạc, mồ mả bị xâm phạm.

Cơ sở của ông là có truyền khẩu rằng di hài Nguyễn Tri Phương được đưa bằng đường biển về Bình Định và vùng này cũng có nhánh hậu duệ Nguyễn Tri.

Nấm mộ được cho là của Nguyễn Tri Phương ở đây cũng được xây bằng hợp chất ô dước vôi, cát, mật kiên cố và cũng từng bị đào phá tìm cổ vật như lăng mộ ở Phong Điền...

Tuy nhiên, hiện nhiều nhà sử học và dân địa phương vẫn tin rằng lăng mộ đôi ở Phong Điền là của cha con danh tướng Nguyễn Tri Phương. Chính sử không chỉ ghi vua Tự Đức lệnh đưa quan tài hai cha con danh tướng trung nghĩa về an táng tại quê hương Phong Điền, mà vua còn cho xây nhà thờ Trung Hiếu từ gần lăng mộ.

Theo Quốc Việt
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG