> Chống sạt Mũi Cà Mau bằng kè thân thiện môi trường
Kiểm lâm viên Lâm Tấn Đạt bị chém trọng thương đêm 15-3. |
Kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng đang mở cao điểm truy quét, ngăn chặn và xử lý chặt phá rừng, lấy cây gỗ, hầm than ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Kể từ ngày 29-3, gần 100 nhân viên kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau và huyện Ngọc Hiển cùng với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đến từng con rạch, gõ cửa từng nhà, vận động bà con không vi phạm rừng ngập mặn Mũi Cà Mau.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nói: “Đây là giải pháp trước mắt, ngăn chặn nguy cơ phá rừng, lấy gỗ, hầm than”.
Rừng đước vương khói lò than
Những người làm nhiệm vụ chia từng nhóm xuống ca-nô, vỏ lãi, thuyền lao lách sông nước trong mưa, giữa nắng để đến các rạch của xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Cư dân dưới tán rừng ngập mặn Mũi Cà Mau thường hầm than đước để bán.
Tất cả lò hầm than, đang hoạt động hoặc tạm ngừng, đều bị tháo dỡ. Chưa bắt quả tang người chặt phá cây rừng để hầm than nhưng lò than còn là còn phá rừng.
Ông Tuấn nói: “Lò than mọc lên quá nhiều vùng đệm, đe dọa rừng khu bảo vệ nghiêm ngặt, nạn chặt phá rừng dạng tỉa thưa, chặt trộm rất khó phát hiện kịp thời”.
Bà Dương Thị Bảy (ở ấp Bà Hương, xã Đất Mũi) nói: “Anh em khỏi phải tháo dỡ, bà con gần nghỉ hầm than để chuẩn bị cào nghêu giống. Bà con đi cào nghêu, có tiền ăn thì hơi sức đâu hầm than”.
Bà con sống ven rừng không đất nuôi tôm, vô rừng chặt cây để hầm than hoặc chài lưới ven sông rạch, bãi bồi bắt cá tôm. Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thống kê, cao điểm truy quét đã tháo dỡ 107 lò hầm than của người dân sống dưới tán rừng, vùng đệm thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt đang phát triển xanh tốt, nhưng bị bao quanh bởi các tuyến dân cư giao đất nuôi tôm, giao rừng sản xuất.
Ông Tuấn cho biết: “Dân cư cách con rạch nhỏ với khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích hơn 800 ha, với lực lượng bảo vệ mỏng nên khó bảo vệ.
Lực lượng tham gia tháo dỡ, ngăn chặn, vận động bà con không hầm than trái phép từ diện tích Vườn quốc gia và vùng đệm thuộc các xã Đất Mũi, Viên An (Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (Năm Căn)…”.
Lò than mọc lên theo cụm, tuyến dân cư vùng đệm, ngoài khu bảo vệ nghiêm ngặt, không có dân cư (12.203 ha), nhưng vùng đệm khoảng 8.000 ha là đất giao khoán cho dân thuộc các xã, Ban quản lý rừng quản lý thì khó kiểm soát.
Bà con chỉ cần lội ngang kinh rạch, bơi xuồng qua khu rừng là có thể chặt rừng lấy gỗ.
Đổ máu
Trạm kiểm lâm Cái Mòi, ở ấp Bà Hương, xã Đất Mũi trông lẻ loi, tựa lưng vào bìa rừng non xanh với bãi bồi Mũi Cà Mau mênh mông. Lực lượng kiểm lâm Cái Mòi liên tục va chạm với người dân sống ven rừng.
Đêm 15-3, tổ kiểm tra Trạm kiểm lâm Cái Mòi phát hiện hơn 100 cây đước mới chặt, kéo xuống mương rừng. Anh Quách Tấn Khén, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Cái Mòi, cho anh em chở cây về trạm để xử lý.
Nhưng khi lực lượng đang cho vỏ lãi đến, chuẩn bị vác cây thì hơn 10 người dân xuất hiện, ngăn chặn, hăm dọa: “Để lại, nếu không bị xử ngay!”.
Những người dân này đều quen, hàng ngày gặp mặt, thậm chí còn cùng nhau lai rai. Vài ba kiểm lâm viên trở nên yếu thế, đơn độc giữa đêm tối. Kiểm lâm chưa vác được cây đước lên vỏ lãi, những người dân này tấn công Trạm trưởng Cái Mòi, nhấn chìm vỏ lãi.
Trong rừng, bị tấn công vào ban đêm, ướt điện thoại di động nên anh Khén đành phải bắn súng chỉ thiên để báo động. Những người dân trở nên hung hãn, dùng dao, búa, mã tấu… tấn công lực lượng kiểm lâm.
Kiểm lâm viên Lâm Tấn Đạt bị chém chảy máu be sườn, phải đi khâu tại Bệnh viện Đa khoa Năm Căn.
Cũng tại Trạm kiểm lâm Cái Mòi, lâm tặc từng tấn công trạm để lấy xuồng máy, cây gỗ vi phạm bị kiểm lâm tạm giữ.
Trước đó, lâm tặc chém kiểm lâm viên Trần Thế Sanh trọng thương đầu, gãy xương ống tay và 3 kiểm lâm khác bị thương. Công an xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển vào cuộc; vài người bị bắt giữ, số khác bỏ trốn.
Nhiều lâm tặc bị bắt giữ là lao động chính, làm cho gia đình nghèo thêm khốn đốn. Vụ phá rừng Kinh Năm (Vườn quốc gia Mũi Cà Mau), Công an Ngọc Hiển bắt được 10 người dịp cận Tết 2012.
Ông Tuấn nói: “Tôi thấy bà con nghèo gặp khó vì lao động chính vào tù, người thân khổ sở nên xuất kinh phí mua 400 kg gạo cho bà con ăn Tết… Mong muốn bà con có ăn, khỏi vào rừng chặt cây, lẫy gỗ, hầm than”.