Dân lo vỡ đập, kỹ sư nói bình thường

Dân lo vỡ đập, kỹ sư nói bình thường
TP - Trong khi người dân cũng như chính quyền huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) nơm nớp lo sợ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt và rỉ nước thì kỹ sư ở đây nói "bình thường".

>Đập thủy điện rỉ nước, hơn 40.000 người hoảng sợ
>Bắc Trà My, những rung chấn ngoài động đất

Nước chảy ra từ thân đập thủy điện Sông Tranh 2
Nước chảy ra từ thân đập thủy điện Sông Tranh 2.

Thông tin thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt và rỉ nước những ngày này khiến hàng ngàn người dân cũng như chính quyền huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) nơm nớp lo sợ. Với cao trình 175m, dung tích hồ chứa hơn 730 triệu m3, nếu có sự cố nào xảy ra với đập thủy điện này, thảm họa sẽ khôn lường.

Kỹ sư nói: Bình thường!

Theo lãnh đạo huyện Bắc Trà My, thông tin về thân đập thủy điện Sông Tranh 2 có vết nứt được tiếp nhận vào ngày 14 –3, sau đó huyện đã cử cán bộ đi khảo sát thực tế ghi nhận có những vết nứt và nước rỉ chảy từ thân đập.

Sáng 19-3, theo quan sát và ghi nhận của PV Tiền Phong tại thân đập này có tới 4 điểm được cho là nứt ở mặt dưới thân đập khiến nước rỉ ra. Trong đó, có 2 điểm nước chảy mạnh như khe suối, 2 điểm còn lại nước rỉ nhỏ, thấm ướt đẫm xung quanh.

Ngay bờ phải đập, điểm cạnh tuyến đường ĐT 616 nối Bắc Trà My và Nam Trà My nước từ thân đập chảy mạnh thành dòng, xói lở đất đá nằm phía dưới. Dòng chảy này, chảy xuống gộp với dòng chảy tại một điểm khác ở giữa thân đập tạo thành dòng chảy lớn.

Một nhóm, gồm 3 công nhân và 1 kỹ sư đang tìm cách gia cố đập bằng cách dùng khoan khoan vào thân đập, đổ xi măng và hóa chất. Anh Huỳnh Văn Hùng (24 tuổi, quê ở Đông Hà, Phú Yên) - một công nhân đang gia cố thân đập, cho biết: “Chúng tôi làm việc theo chỉ đạo, khắc phục sự cố bằng cách khoan lỗ vào thân đập, đổ xi măng và keo để khắc phục sự cố”.

Kỹ sư Võ Đức Duật, chỉ huy 3 công nhân gia cố ngay thân đập, giải thích: “Hiện tượng này do rò rỉ khe nhiệt. Trên một đoạn bê tông khoảng 20m có những khe nhiệt, ở đó có những tấm vố chắn có tẩm dầu, khi đổ bê tông do làm không kỹ nên có thể bị trượt, bê tông co giãn làm nước chảy ra.

Chúng tôi khoan sâu vào thân đập bơm hóa chất, thay các tấm vố. Đối với người bình thường thì sự việc này nghiêm trọng tuy nhiên với người có chuyên môn thì hoàn toàn bình thường !”.

Cũng theo anh Duật, các kỹ sư sẽ tiến hành khoan và bơm hóa chất vào thân đập khoảng 10 – 15m để khắc phục các điểm có rò rỉ và tiếp tục xử lý các vết nứt bên trong hành lang của đập.

Dân và chính quyền hoảng hốt

Người dân ở Bắc Trà My đang hoảng sợ. Do đập nằm cạnh đường ĐT 616, đứng từ đường có thể nhìn thấy rõ, nên thông tin nhanh chóng lan nhanh.

Bà Dương Thị Thuyền, một hộ dân bán hàng tại xã Trà Tân ngay phía dưới đập, cho biết: “Động đất vẫn thường xuyên xảy ra, đất trời chuyển động, nhà cửa nứt toác ai nấy đã kinh hoàng. Nay đập bị nứt, nước chảy mạnh nên người dân sống khu vực phía dưới đập lại càng khiếp sợ hơn”.

Ngay sau sự cố, UBND huyện Bắc Trà My đã có 2 buổi làm việc với BQL Dự án Thủy điện 3 vào ngày 16-3 và sáng 19-3. Theo nhận định của lãnh đạo BQL Dự án Thủy điện 3, những vết nứt trên nằm ở vị trí khe nhiệt của khối bê tông bờ đập, hiện tượng thấm nước qua vết nứt là hoàn toàn cho phép và nằm trong tầm kiểm soát. Đơn vị quản lý dự án đang xử lý hiện tượng này.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Phong- Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: “Cách xử lý của đơn vị quản lý cộng với những rung chấn nhẹ do động đất kích thích từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vẫn còn xảy ra, làm cho người dân càng thêm hoang mang và thật sự bức xúc”.

Ngay trong ngày 19–3, huyện đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành chuyên môn của tỉnh và BQL Dự án Thủy điện 3 khẩn trương kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân mức độ nghiêm trọng hiện tượng nêu trên và có văn bản phản hồi để huyện có cơ sở thông tin đến với người dân, nhằm ổn định tâm lý cho người dân.

“Chúng tôi quan tâm nhất là hiện tượng động đất kích thích do thủy điện tích nước và hiện tượng nứt thân đập, rò rỉ nước hiện nay có liên quan gì đến nhau không, để địa phương còn lường trước những tình huống xảy ra” - ông Phong nói.

Công nhân gia cố sự cố bằng cách khoan và đổ bê tông, hóa chất Ảnh: N.T
Công nhân gia cố sự cố bằng cách khoan và đổ bê tông, hóa chất Ảnh: N.T.

Chiều 19–3, BQL dự án thủy điện 3 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Bắc Trà My lý giải về hiện tượng này. BQL khẳng định: Các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua đập được BQL dự án xác định khoảng 30 lít/s, không ảnh hưởng đến an toàn ổn định đập.

Về việc tổng lượng thấm của đập là 30 lít/s đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng; Hội đồng nghiệm thu Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Hội đồng nghiệm thu cơ sở, Cơ quan thiết kế là Cty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng BQL Dự án Thủy điện 3, cho biết: “Hiện tượng nước chảy ra ở phía hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt, chứ không phải nứt. Các khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập.

Theo thiết kế có tổng cộng 30 khe nhiệt, mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình sau này. Các khe nhiệt này xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu”.

Cũng theo ông Hải, đơn vị thi công là Tổng Cty Xây dựng Thủy lợi 4-CTCP và Ban QLDA thủy điện 3 đã và đang tiếp tục xử lý thấm của đập để làm giảm tổng lượng thấm nêu trên.

Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Bắc Trà My, ông Đặng Phong vẫn khẳng định: “Văn bản trả lời của BQL dự án thủy điện 3 vẫn khiến chúng tôi không an tâm”.

Chưa lắp đặt trạm đo động đất

Liên quan đến hiện tượng động đất do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, ông Đặng Phong cho biết: “Mặc dù đã có đoàn khảo sát thuộc Viện Vật lý Địa cầu đến đo đạc từ cuối năm 2011, hứa sẽ lắp đặt các trạm đo rung chấn động đất trên địa bàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất cứ trạm nào. Các vụ động đất vẫn thường xuyên xảy ra. Vào đầu tháng 3, một trận đợt rung chấn mạnh khiến người dân hoảng loạn”.

Yêu cầu EVN báo cáo về vết nứt đập

Hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong, về thông tin nước chảy từ nhiều vết nứt tại đập thủy điện Sông Tranh 2, một lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về vụ việc và sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG