Khoa Cấp cứu hồi sức BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều trẻ em bị tai nạn do sự lơ đễnh của người lớn. Ảnh: L.N. |
Mỗi ngày khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận không dưới 10 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, sinh hoạt hoặc mang thêm bệnh do sự bất cẩn của người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến- Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 cho biết, vừa tiếp nhận Hồ Thị Q. (4 tuổi, ở huyện Tánh Linh, Bình Thuận) từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê do ngộ độc thuốc xịt muỗi.
Theo người nhà bệnh nhi, thấy chai thuốc diệt côn trùng để trên bàn, Q. cứ tưởng đó là chai thuốc bổ liền cầm lên uống. Vài phút sau, cháu hôn mê, khó thở, co gồng người từng cơn, người nhà phát hiện đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu trước khi chuyển lên tuyến trên.
Hai ngày sau cứu sống Q., khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 lại tiếp nhận cháu Tr. V. Ng. (18 tháng tuổi, ngụ tại TPHCM), trong tình trạng khó thở, tím tái. Theo ghi nhận, trưa cùng ngày nhập viện, cháu Ng. đi chập chững trong nhà, mẹ lo nấu ăn nên không để ý. Đến khi không thấy cháu đâu, chạy đi tìm kiếm, gia đình mới phát hiện cháu ở trong nhà tắm, bị ngã vào xô nước đầy, chổng chân lên trời.
Cháu được vớt lên trong vòng 5 - 10 phút, tím tái, không thở được. Bác sĩ Minh Tiến cho biết, những trường hợp như vậy vẫn gặp như cơm bữa ở bệnh viện, tất cả đều do cha mẹ hay người giữ trẻ lơ đãng với trẻ.
Bác sĩ Trần Quang Vinh- Phó phòng Kế hoạch tổng hợp- BV Nhi đồng 2 cho biết, mỗi năm nơi đây tiếp nhận hơn 500 ca trẻ bị tai nạn thương tích và sinh hoạt, nhiều ca rất nguy kịch.
Khoa Cấp cứu bệnh viện này mới đây tiếp nhận cháu Trần K.S. (2 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nuốt phải chiếc đinh sắt. Bác sĩ chụp X-quang phát hiện giữa ngực cháu có một cây đinh dài 3 cm, buộc phải dùng thủ thuật đẩy cây đinh di chuyển xuống bụng rồi đưa ra ngoài.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp trẻ bị tai nạn và ngộ độc, một phần do người lớn trực tiếp, gián tiếp gây ra cho trẻ. “Phụ huynh, người giữ trẻ cần phải đặc biệt chú ý, trẻ ở độ tuổi mới biết đi, biết bò thích tìm hiểu xung quanh nên dễ mắc tai nạn như: té nước, điện giật, bỏng… Phải để các vật dụng như thuốc men, đồng xu… xa tầm tay trẻ”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.