Vui vẻ, hy vọng

Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa mới.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa mới.
TP - Sáng 9/8 trước khi phiên chính thức khai mạc, một số người vẫn nghe thông tin nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại giữ chức Chủ tịch Hội. Chỉ ít phút sau khai mạc, kết quả bầu cử gây bất ngờ: Nguyễn Thị Thu Huệ đắc cử 100% phiếu bầu của BCH. Chị cũng là người có số phiếu bầu cao nhất trong phiên bầu cử 8/8. Ba Phó Chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến và Trần Quang Quý.

“Trước khi kiểm phiếu tôi dự đoán Thu Huệ sẽ là Chủ tịch, cô ấy từng giữ chức Phó Chủ tịch. Đại hội có quyền cao nhất và chọn ra những người xứng đáng. Những nhà văn Hà Nội có thể ham chơi, thơ thẩn mơ màng nhưng khi bỏ lá phiếu rất trách nhiệm”, nhà văn Trần Thị Trường nói.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tươi cười bắt tay Thu Huệ. “Tốt đẹp quá còn gì. Mọi người đều vui vẻ cả khi BCH hầu như mới mẻ, vừa trẻ đẹp vừa giỏi giang. Quan trọng là tôi nhận thấy tinh thần mới. Dù chưa biết BCH làm gì nhưng tôi hi vọng vì thấy được điều mới mẻ.

Thu Huệ là người năng động, viết giỏi và đổi mới rất ghê”, Nguyễn Xuân Khánh nói với Tiền Phong. Nguyễn Xuân Thủy là một trong số vài người trẻ hiếm hoi dự đại hội, nói: “BCH bầu người phiếu cao nhất làm Chủ tịch là lựa chọn theo ý chí của Đại hội, hơn nữa lại là nữ nhà văn có tài. Tôi hy vọng vào những hoạt động đề cao bản sắc Hà Nội của tân Chủ tịch và BCH nhiệm kỳ này”.

Đồng quan điểm danh sách BCH khóa này đẹp vì người này bù người kia, nhà thơ Vũ Quần Phương được mời phát biểu cũng thẳng thắn rằng có chút tiếc, bởi chưa có nhà phê bình trong BCH. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhắc hai kiến nghị của đại hội trong đó có đề nghị thành phố tạo điều kiện cho hội viên khó khăn mua nhà ở xã hội.

Vũ Quần Phương nêu ý kiến, anh em văn nghệ sĩ “chỉ nên xin tiêu chuẩn như một người dân, chứ không xin cái gì khác cả”. Chẳng là trước đó nhiều nhà văn muốn xin nghĩa địa dành cho văn giới. “Nếu thấy cần người ta khắc làm, khắc đáp ứng.

Tôi nghĩ nằm cạnh nhân dân thì sẽ luôn có nén hương thắp, chứ anh ở riêng một chỗ thì ai biết mà đến thắp hương. Chẳng lẽ nhà văn lại quan trọng hơn thầy giáo, thầy thuốc hay quan trọng hơn người xây nhà”- Vũ Quần Phương nói.

Trước câu hỏi vì sao BCH hội nghề nghiệp như nhà văn không nhiều bổng lộc nhưng bầu cử vẫn căng thẳng, nhà phê bình Lại Nguyên Ân nói: “Về lợi ích, Hội Nhà văn Hà Nội là hội cấp 2, người đứng đầu không được hưởng lương mà mỗi tháng chỉ được trợ cấp thêm một khoản không đáng kể… Nhưng dù rất ít tính tới lợi ích vật chất, thì việc tham gia các BCH vẫn được số đông hội viên xem như vị trí thể hiện danh dự, uy tín của mình trước tập thể đồng nghiệp; người ta coi đây là trọng trách mà đồng nghiệp trao cho, cũng là cái trách nhiệm mà họ muốn giành lấy, hoặc trao cho những tên tuổi cụ thể này chứ không phải những tên tuổi cụ thể kia. Thành thử, các cuộc bầu cử không thể không in dấu những đấu tranh, giành giật giữa những nhóm nhất định, đứng sau những ứng viên nhất định, nhằm giành lợi thế cho ứng viên thân thiết nhóm mình, loại trừ cơ hội của những ứng viên không mong muốn”.

“Phù thủy” kiểm phiếu

Nhà văn Trần Thị Trường là thành viên Ban bầu cử và được trao quyền soi từng lá phiếu bầu của đại hội. Xong đại hội, chị vẫn khư khư ôm bọc phiếu và biên bản bầu cử. Chị đùa người ta gọi mình là “phù thủy” là đúng với ý nghĩa khắt khe khi kiểm phiếu, chẳng gì chị cũng đầy kinh nghiệm quản lý. “Lúc đầu cũng hơi căng thẳng thật, bởi khi người ta đưa lại cho tôi biên bản của 7 nhóm, tôi không cầm kết quả một cách dễ dàng. Tôi yêu cầu ba nhân chứng độc lập cùng tôi cộng tổng số phiếu nhóm ấy làm. Với các phiếu không hợp lệ, chúng tôi đề nghị trình ra cho chúng tôi ký vào cho nên mới mất gần bốn tiếng kiểm phiếu. May mắn thành viên độc lập như nhà thơ Trần Nhương cũng rất sắc sảo. Chúng tôi làm tốt nhất nhiệm vụ đại hội đặt vào tay”, Trần Thị Trường nói.

MỚI - NÓNG