Vốn FDI vào thăm dò khai thác dầu khí sụt giảm

Hội thảo khoa học “An ninh năng lượng quốc gia vai trò của ngành dầu khí”.
Hội thảo khoa học “An ninh năng lượng quốc gia vai trò của ngành dầu khí”.
Trước đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành thăm dò, khai thác dầu khí trung bình 2 tỷ USD/năm, hiện nay mỗi năm chỉ còn khoảng vài trăm triệu USD vốn FDI đầu tư. Trong khi đó, chính sách liên quan ngành dầu khí ngày càng thắt chặt khiến nhà đầu tư e ngại.

Đó là ý kiến của ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tại hội thảo khoa học “An ninh năng lượng quốc gia vai trò của ngành dầu khí”, do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với PVN tổ chức ngày 18/7.

Theo người đứng đầu PVN, 3 năm gần đây, PVN hoạt động trong bối cảnh chưa có quy chế tài chính nên gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn. Hiện nay, do xung đột pháp lý khiến PVN không có cơ chế, không có nguồn quỹ cho thăm dò để gia tăng trữ lượng khai thác. Trong khi đó, Luật dầu khí mới sửa đổi có nhiều quy định khắt khe hơn trước đây gây ra khó khăn cho họat động thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Thanh dẫn ví dụ, về thuế tài nguyên nước. Thuế mặt nước cho một lô thăm dò khai thác dầu khí lên tới 10 – 15 triệu USD/năm. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài e ngại, ít đổ vốn đầu tư.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam thay đổi nhanh chóng, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng dựa trên nhiên liệu sinh khối truyền thống sang nền kinh tế sử dụng đa dạng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Cùng với sự tăng trưởng GDP, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng trưởng cao, bình quân 10%.năm. Dự báo năng lượng, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Giai đoạn 2016 – 2025, nhu cầu năng lượng tăng khoảng 5,1%/năm và ở mức tăng 4,2%/năm ở giai đoạn 2026 – 2035.

Cùng với than, thuỷ điện, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm sự ổn định của hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Tỷ trọng đóng góp của dầu khí chiếm khoảng 40% tổng cung cấp năng lượng  sơ cấp, khoảng 35% nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn 2005 đến nay.

“Ngành dầu khí cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu của PVN đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 105 tỷ USD”, lãnh đạo PVN cho biết.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, nên sửa đổi Luật Dầu khí theo hướng tạo động lực cho ngành đặc thù dầu khí. Từ đó  góp phần giúp ngành dầu khí – một ngành quan trọng nhưng nhiều rủi ro trong hoạt động. Trên cơ sở sửa Luật dầu khí, bản thân ngành dầu khí phải tái cấu trúc lại, để trở thành tập đoàn năng lượng lớn của Việt Nam. 

MỚI - NÓNG