Việt Nam có 431 ca mắc COVID-19, hai bệnh nhân 416 và 418 trở nặng

TPO - Sáng ngày 28/7, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Sức khoẻ bệnh nhân 416, 418 trong tình trạng nặng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.033, tăng 3000 người so với 12 giờ trước đó.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,7% tổng số ca bệnh.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.

Tính đến sáng ngày 28/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 61 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định.

Hai trường hợp bệnh nhân số 416 và 418 đang điều trị tại Bệnh viện TP Đà Nẵng đang trong tình trạng nặng.

Cụ thể, bệnh nhân 416, là nam, 57 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) - Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - Sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đã được đặt ECMO (hệ thống tim, phổi nhân tạo) ngày thứ 4; tiếp tục được lọc máu và thở máy hỗ trợ.

Hiện các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.

Bệnh nhân 418, nam, 61 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) – trên bệnh nhân Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 – Biến chứng: Suy hô hấp, suy tim – Tổn thương thận cấp, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020, đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế dự kiến đề xuất, với những người từ Đà Nẵng về các địa phương từ ngày 1/7/2020 phải thông báo với chính quyền, khai báo y tế để theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Với người từng tới các địa điểm được nêu trong các thông báo khẩn số 15 và số 16 của Bộ Y tế, sẽ phải tự cách ly tại nhà và được lấy mẫu để làm xét nghiệm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục thực hiện 4 tại chỗ trong phòng chống dịch COVID-19. BV cùng các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xây dựng kế hoạch và đề xuất các nội dung trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện xem xét phương án chuyển bớt bệnh nhân sang bệnh viện được chỉ định để giãn cách bệnh nhân, giảm áp lực cho cán bộ y tế; Bố trí cán bộ y tế âm tính và chưa có yếu tổ nguy cơ ở một địa điểm phù hợp để luôn phiên, bảo toàn sức khỏe cán bộ y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu bệnh viện phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân. Nếu có khó khăn phải đề xuất, báo cáo Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt bệnh viện không để lây nhiễm trong bệnh viện và lây ra cộng đồng.

Đối với các bệnh viện, PGS Khuê đề nghị các bệnh viện thực hiện các Tiêu chí về bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp. Bệnh viện không được chủ quan và lơ là trong phòng chống dịch. Nếu bệnh viện nào không thực hiện, lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm, PGS Khuê nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 triển khai công tác phòng, chống dịch sáng ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh.

Thời gian tới cần siết chặt công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".