Vị thế yếu của Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến phe Dân chủ lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật hạ tầng hôm 15/11. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật hạ tầng hôm 15/11. (Ảnh: AP)
TPO - Vị tổng thống của đảng Dân chủ vừa ký dự luật hạ tầng lớn nhất trong một thế hệ. Và ông đã làm được điều đó sau khi thuyết phục được hai đảng Dân chủ và Cộng hoà vượt qua khác biệt và cạnh tranh, như lời ông đã hứa khi tranh cử hồi năm ngoái.

Nhưng khi ông đến New Hampshire vào tuần trước để quảng bá gói ngân sách 1 nghìn tỷ USD dưới chân một cây cầu ọp ẹp, không ai trong số các khách VIP có mặt hôm đó có tâm trạng ăn mừng, theo AP.

“Đảng Dân chủ đang bận tâm. Tôi lo chúng ta sẽ ở đâu trong vài năm tới”, cựu chủ tịch hạ viện New Hampshire nói với AP.

Ông Shurtleff công khai nói đến điều mà nhiều người trong đảng Dân chủ đã thì thầm trong mấy tháng qua: vị thế chính trị của ông Biden quá yếu khi nhiệm kỳ tổng thống của ông chưa được 1 năm, đến nỗi ông có thể không đắc cử nếu tái tranh cử vào năm 2024. Nỗi lo đó không chỉ có ở Washington mà đã lan ra các bang và khu vực bầu cử, những nơi đóng vai trò chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Phó Tổng thống Kamala Harris đang đối mặt với câu hỏi hóc búa của riêng bà khi các cuộc thăm dò dư luận gợi ý rằng tỷ lệ ủng hộ bà còn kém cả ông Biden. Trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và là người gốc Nam Á đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ, nhưng bà Harris được ông chủ Nhà Trắng trao cho ít cơ hội để toả sáng.

Bà Harris có bài phát biểu riêng đầu tiên để quảng bá luật hạ tầng mới hôm 19/11 tại thủ phủ bang Ohio, nhưng trong hội trường vắng vẻ và hầu như không có quan chức chính trị nào, cùng thời điểm ông Biden đang thực hiện lễ ân xá gà tây thường niên tại Nhà Trắng.

Ít nhất đến bây giờ cũng chưa có mấy dấu hiệu cho thấy luật mới nhằm cải thiện hạ tầng ở các bang và có thể tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới sẽ nhanh chóng cải thiện vị thế chính trị của đảng Dân chủ.

Khi ông Biden rơi vào thế khó khăn, đã có nhiều dự đoán về danh sách ngắn những người sẽ kế nhiệm ông nếu ông không chạy đua lần nữa, dù vị tổng thống 79 tuổi khẳng định ông sẽ tiếp tục.

Danh sách này có bà Harris và những ứng viên khác trong cuộc đua năm 2020 như Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg và Thượng nghị sĩ New Jersey Cory Booker. Mới tuần trước, ông Booker thông báo kế hoạch xuất hiện tại một bữa tiệc gây quỹ vào tháng tới tại New Hampshire, nơi truyền thống diễn ra cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ đầu tiên.

Nhóm hỗ trợ ông Booker phủ nhận việc ông đang chuẩn bị để tranh cử vào năm 2024. Các đồng minh nói rằng ông rất thân với bà Harris nên sẽ không cạnh tranh với bà nếu ông Biden nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc bàn tán về tổng thống mới sớm như vậy cũng đã là điều bất thường.

Có thể đảo chiều

Tuy nhiên, chưa ai biết trong 3 năm tới sẽ có những thay đổi gì. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden đang dao động ở mức 40%, nhưng vẫn tốt hơn người tiền nhiệm Donald Trump trong năm đầu tiên.

Ông Barack Obama cũng đối mặt với nhiều trận gió ngược ngay khi chuẩn bị kết thúc năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Đảng Dân chủ cũng hứng thất bại lịch sử trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2010. Nhưng ông Obama đã lấy lại vị thế để có thể đắc cử một nhiệm kỳ nữa. Ông Bill Clinton gặp bước lùi tương tự, bao gồm cả thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994, rồi sau đó tái đắc cử vào năm 1996.

Bill Burton, một chiến lược gia của đảng Dân chủ từng làm trong Nhà Trắng thời chính quyền ông Obama, nói rằng có nhiều nhân tố có thể đảo ngược hoàn toàn bầu không khí chính trị, như sự trở lại của ông Trump, việc Toà án tối cao quyết định chấm dứt hay hạn chế quyền phá thai, sự phục hồi kinh tế và chấm dứt đại dịch.

Nhà Trắng đang cố dập tắt những suy đoán rằng ông Biden sẽ không tái tranh cử vào năm 2024, dù hiện tại đang gặp nhiều khó khăn.

Các trợ lý tin rằng vị thế của Tổng thống Joe Biden sẽ được cải thiện khi cử tri nhận thấy những thay đổi mà luật hạ tầng mới và luật phúc lợi xã hội trị giá 2 nghìn tỷ USD mang lại.

Đảng Dân chủ đang tập trung nguồn lực vào quảng bá những thành quả mà đảng này đã làm được tại các bang chủ chốt trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022, như Arizona, Georgia, Nevada, New Hampshire, Pennsylvania, và Wisconsin. Đây cũng là các bang chiến trường nóng bỏng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.

Dù tỏ ra lạc quan, căng thẳng trong Nhà Trắng là điều thực tế khi các nhóm phải học cách làm việc với nhau.

Những trợ lý của bà Harris thất vọng khi ông Biden có vẻ hạn chế vai trò của phó tổng thống bằng cách giao cho bà những việc ít được xuất hiện nhưng khó giải quyết, như quyền bầu cử và nhập cư.

Cuối tuần qua, bà đi cùng các phóng viên đến Ohio khi bị can Kyle Rittenhouse được tuyên trắng án trong vụ xả súng gây chết người ở Kenosha, Wisconsin, vào năm ngoái. Bản án làm nóng lại cuộc tranh cãi về súng đạn và bất công chủng tộc. Nhưng bà Harris phải chờ sau khi ông Biden lên tiếng mới có thể phát biểu, rằng “bản án đã nói lên tất cả”.

Ngay cả khi bà phát biểu ở New Hampshire, thông điệp của Nhà Trắng cũng bị che mờ vì những thất vọng đối với vai trò tổng thống của ông Biden.

Nina Turner, thành viên đảng Dân chủ ở Ohio và từng là đồng chủ tịch nhóm vận động tranh cử của ứng viên Bernie Sanders năm 2020, nói rằng “có rất ít thay đổi” đối với người nghèo và trung lưu từ khi ông Biden thay thế ông Trump. Bà cho rằng luật hạ tầng không thay đổi điều đó, và bà chế giễu kế hoạch phúc lợi xã hội mà ông Biden đang thúc đẩy ở Quốc hội là “Xây dựng lại ít tốt đẹp hơn”.

Al Sharpton, nhà hoạt động về quyền dân sự đã tham dự lễ ký luật hạ tầng tại Nhà Trắng vừa qua, cảnh báo rằng ông Biden đang tiến vào “vùng đỏ” của các cử tri da màu.

Sharpton kêu gọi ông Biden đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa để cải tổ lực lượng cảnh sát và bảo vệ quyền bầu cử ở các bang do phe Cộng hoà lãnh đạo.

“Họ phải làm từ bây giờ đến cuối tháng 1 hoặc họ sẽ gặp vấn đề thực sự”, ông Sharpton nói với AP.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.