Vì sao TPHCM chưa cho phép mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ?

0:00 / 0:00
0:00
Hàng quán tại TPHCM chỉ được phục vụ bán mang đi
Hàng quán tại TPHCM chỉ được phục vụ bán mang đi
TPO - Tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều 11/10, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đã lý giải nguyên nhân dịch vụ ăn uống tại chỗ chưa được mở lại.

Theo ông Phương, thời gian qua loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện kinh doanh an toàn thì đã được mở lại, loại hình nào có khả năng gây ra nhiều rủi ro thì thành phố hết sức cân nhắc, tính toán.

“Ăn uống tại chỗ là hoạt động tập trung đông người nên đến lúc này, thành phố chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TPHCM xét thấy chưa nên mở, cần phải có lộ trình” - ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phụ trách. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp.

Về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đến nay số lượng chi trả đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người.

“Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của UBND thành phố” - ông Lâm thông tin.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND thành phố đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạch. Các tổ chi trả của khu phố có chậm hơn so với tiến độ. Các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian hơn.

“Việc phát, chi trả cho người dân được ký vào 29/9, phường 12 quận 3 là địa phương đầu tiên thực hiện. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là quận Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%. Tiến độ này rất khả quan” – ông Lâm nói.

Trả lời việc phường An Phú (TP Thủ Đức) kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ, vậy khái niệm “thật sự khó khăn” được hiểu thế nào? Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo Công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ. Một là rà soát đảm bảo chi đủ, đúng, không trùng lắp, không phân biệt nơi tạm trú, thường trú. Thứ hai là công khai minh bạch, không trục lợi cá nhân. Thứ ba là phát huy tối đa mọi nguồn lực.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng 'hoàn cảnh thật sự khó khăn' là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người này sẽ được công khai ở khu phố, tổ dân phố… đề nghị UBND xã phường, TP Thủ Đức phê duyệt” - ông Lâm giải thích.

Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, số lao động có đóng BHXH và không còn ở tại địa bàn thành phố là 33.000 lao động. “Dù họ về quê có nhiều lý do nhưng trong quá trình làm việc, họ có tham gia BHXH nên chế độ, chính sách vẫn đảm bảo theo quy định của Luật Lao động, và họ sẽ tiếp tục tái hoạt động tại thành phố khi quay trở lại” – ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.