Vì sao Tổng thống Philippines muốn khơi lại phán quyết về biển Đông

Tổng thống Philippines trong lúc đọc bài phát biểu giữa nhiệm kỳ về chính sách quốc gia ngày 22/7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines trong lúc đọc bài phát biểu giữa nhiệm kỳ về chính sách quốc gia ngày 22/7. Ảnh: Reuters
TP - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực quốc tế đưa ra năm 2016, phát ngôn viên chính phủ Philippines cho biết. 

Dù ông Duterte vẫn nhận được ủng hộ với tỷ lệ cao, nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Philippines ít tin tưởng Trung Quốc và muốn chính phủ của họ quyết liệt hơn trong phản đối những hành động bắt nạt trên biển. 

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc ông Duterte gác phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA)  sang một bên để theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, tiếp nhận những gói đầu tư hàng tỷ USD nhưng phần lớn chưa được thực hiện. Phán quyết đó rất có lợi cho Philippines và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên hầu khắp biển Đông.

Reuters dẫn lời Phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, cho biết tại cuộc họp báo hôm qua rằng ông đã hỏi ông Duterte rằng ý tưởng nào dẫn đến việc sẽ thảo luận lại với ông Tập về phán quyết này. “Có nhớ điều tôi nói trước đây rằng sẽ có lúc tôi lôi lại phán quyết của tòa trọng tài không?”, ông Panelo dẫn lại lời của ông Duterte. “Đã đến lúc rồi. Đó là lý do vì sao tôi đến đó. Đó là lời ông ấy nói”, ông Panelo nói.

Ông Panelo không cho biết chính xác ông Duterte sẽ sang Trung Quốc vào ngày nào, nhưng nói rằng có thể diễn ra vào cuối tháng này.

Chuyến đi sẽ diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang bị dư luận quốc tế gia tăng chỉ trích trước các hành động của lực lượng hải cảnh và dân quân đánh cá trên khu vực tranh chấp ở biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước lên án Bắc Kinh “cư xử tồi trong nhiều thập kỷ” trong vấn đề thương mại và trên biển.

Manila gần đây tố cáo 5 tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải 12 hải lý của Philippines trong tháng 7 vừa qua mà không thông báo. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng hành động này “không tuân thủ phép tắc hay phép lịch sự thông thường”.

Trong khi đó, một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 5/8 dẫn báo cáo gần đây của công ty an ninh mạng enSilo nói rằng một nhóm tin tặc Trung Quốc mang tên APT10 đã sử dụng 2 biến thể phần mềm độc hại để tấn công chính phủ và các tổ chức tư nhân ở Philippines vào tháng 4 năm nay. Theo điều tra của enSilo, những chiến thuật, quy trình và mã được sử dụng đều thể hiện đặc điểm riêng của APT10. Cũng trong tháng 4, tổ chức phi chính phủ Analytics Association of the Philippines (AAP) phát hiện các ký tự Trung Quốc bị cài vào mã nguồn của hàng loạt trang web chính phủ Philippines nhằm chặn nhiều hệ thống và thu thập thông tin.

Những vụ việc như vậy không mới. Trung Quốc nhiều lần bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng liên quan đến vấn đề biển Đông. Nhưng hiện tượng này tái diễn trong bối cảnh Tổng thống Duterte từng bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ tử tế trên không gian mạng.

Giới chuyên gia nhận thấy các cuộc tấn công như vậy diễn ra vào những dịp Philippines có động thái nào đó liên quan đến biển Đông. Ví dụ, sau khi có báo cáo từ Bộ tư lệnh phía tây Philippines về hoạt động bao vây của 275 tàu dân quân biển Trung Quốc ở một hòn đảo mà Philippines đang kiểm soát, ông Duterte đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất nhằm vào Trung Quốc so với trước đó. Ông nói sẽ đưa quân ra thực hiện sứ mệnh cảm tử nếu Bắc Kinh vượt “giới hạn đỏ”.

Trong lúc đó, Philippines và Mỹ làm mới quan hệ chiến lược, đánh dấu bằng việc ông Duterte chấp nhận sự bảo đảm của Mỹ trong trường hợp xung đột trên biển Đông. Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng tuyên bố sẽ coi lực lượng tàu dân quân Trung Quốc là tàu chiến.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.