Vì sao nữ sinh bị đình chỉ học vì mang giáo trình photo vào trường?

Việc photo copy các tài liệu, giáo trình của sinh viên đang là hành vi vi phạm luật Sở hữu trí tuệ nhưng ít ai để ý. (Ảnh: Nhiều cửa hàng photo copy ở làng Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Ngô Tùng
Việc photo copy các tài liệu, giáo trình của sinh viên đang là hành vi vi phạm luật Sở hữu trí tuệ nhưng ít ai để ý. (Ảnh: Nhiều cửa hàng photo copy ở làng Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Ngô Tùng
TP - Một sinh viên trường đại học Luật TPHCM vừa bị đình chỉ học một năm do mang tài liệu photo các giáo trình vào trường. Trường nói hành vi trên đã vi phạm pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ và nội quy của nhà trường là “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.  

Nhiều sinh viên bị xử lý

Ngày 13/2, ông Phan Văn Tuyến, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, Hội đồng kỷ luật Trường vừa ra quyết định đình chỉ học một năm đối với sinh viên N.T.N.A., do “tàng trữ và đưa vào trường trái phép tài liệu photo vi phạm bản quyền của trường”.

Cụ thể, vào giữa tháng 1, sinh viên N.T.N.A. mang 11 cuốn tài liệu trong đó có 8 cuốn tài liệu photo trái phép các giáo trình khác nhau vào trường và bị bảo vệ phát hiện, lập biên bản, chuyển sang Thanh tra trường, Phòng Công tác sinh viên thành lập Hội đồng kỷ luật sinh viên này.

Theo tường trình, nữ sinh viên năm 2 N.T.N.A cho biết việc photo giáo trình là để tặng người em cùng quê khóa sau. Trao đổi với PV, ông Tuyến cho biết đây không phải là lần đầu trường xử lý sinh viên vi phạm bản quyền tài liệu của nhà trường. 

Trước đó, nhà trường đã xử lý ít nhất ba trường hợp sinh viên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu học tập bằng hình thức đình chỉ học 1 năm, cảnh cáo, khiển trách nhưng tình trạng trên vẫn phổ biến. Theo ông Tuyến, hành vi này đã vi phạm pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ và nội quy của Nhà trường là “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của Nhà trường và của pháp luật”.

>>Sinh viên Đại học Luật bị đình chỉ học vì 'vi phạm bản quyền của trường'

“Nhà trường đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức phổ biến đến sinh viên cung cấp các quy định trong sổ tay sinh viên; Trong tuần sinh hoạt công dân sinh viên, nội dung này cũng được phổ biến cụ thể và nhắc đi nhắc lại nhiều lần; Đăng tải công khai các văn bản trên website trường, website hỗ trợ sinh viên, các mạng xã hội của trường, các đoàn thể; Cụ thể hóa thành các clip ngắn và phát hàng ngày, liên tục tại các màn hình thang máy và đăng tải trên các kênh của trường…”, ông Tuyến nói.

Không khuyến khích SV dùng giáo trình photo

Theo khảo sát của PV, việc tìm mua giáo trình môn học nào đó tại các quầy photo copy ở xung quanh các trường đại học ở TPHCM không khó. Nhân viên của một quầy photo copy trong làng Đại học Quốc gia TPHCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết, ngoài photo các tài liệu, bài kiểm tra thì photo sách, giáo trình chiếm lượng lớn ở các quầy photo. “Giá sách photo rẻ hơn từ 1/2 đến 1/3 nên hầu hết sinh viên đều chọn sách photo để học hơn là mua sách bản gốc”, nhân viên này nói.

N.T.P sinh viên năm 3 trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết hiện vẫn đang học song song hai loại giáo trình vừa bản gốc và bản photo. “Giáo trình nào mỏng, giá rẻ thì em sẽ mua bản gốc còn giáo trình nào dày, đắt tiền quá thì em sẽ mua bản photo bởi hoàn cảnh gia đình em khá khó khăn”, P. chia sẻ.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc trung tâm Tư vấn, tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, trường không có quy định cấm sinh viên photo tài liệu, giáo trình mang vào trường nhưng cũng không khuyến khích các em sử dụng các tài liệu này bằng hình thức photo. “Việc các em sử dụng tài liệu photo là quyền của các em, song khi xảy ra kiện cáo liên quan đến bản quyền hay sở hữu trí tuệ thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Sơn cảnh báo.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đại học Nông lâm TPHCM nêu quan điểm không ủng hộ, khuyến khích việc các em sinh viên dùng tài liệu photo thay vì bản gốc để học tập nhưng có sự đồng cảm với các em sinh viên, đặc biệt những em có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi cũng cho ra nhiều giáo trình, sách và cũng không ít lần thấy các em sử dụng sách photo giáo trình của mình song tôi thông cảm với các em”, TS Lý nói và cho rằng để chấm dứt tình trạng này cần có giải pháp đồng bộ không chỉ phía nhà trường, các em sinh viên mà còn các cửa hàng photo.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, việc sao chép tài liệu dưới hình thức photo về nguyên tắc là không đúng và đối với người học luật lại càng không.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".