Vì sao 2 lô xe ford kém chất lượng phải tái xuất?

Vì sao 2 lô xe ford kém chất lượng phải tái xuất?
TPO - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sáng 4/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Cty Ford Việt Nam đã nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi tiến hành kiểm tra khí thải từng lô theo quy định tại Nghị định 116 thì có 2/4 kiểm loại xe không đạt tiêu chuẩn khí thải euro 4, buộc phải tái xuất do xe không đạt chất lượng. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, đầu tháng 4/2018, Cty Ford Việt Nam  nhập hai lô xe  Ranger và Everest từ Thái Lan về Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Tuy nhiên khi Trung tâm Khí thải (Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện kiểm định theo lô đã xác định cả hai mẫu xe này không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Theo đó, chiếc xe được kiểm định cho kết quả thử nghiệm khí thải không đạt theo quy định tại QCVN 86:2015/BGTVT.

Cụ thể, nồng độ HC + NOx là 0,518 g/km lớn hơn quy định (0,460 g/ km) và nồng độ NOx là 0,472 g/km lớn hơn mức quy định (0,390 g/ km).

Ngày 13/4/2018,  Phòng Chất lượng xe cơ giới – VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã ra Thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với mẫu xe Ranger.

Đây là 2 mẫu xe được Ford Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan và được kiểm định theo quy định tại Nghị định 116 và Thông tư số 03. 

Vì sao 2 lô xe ford kém chất lượng phải tái xuất? ảnh 1 Thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với mẫu xe Ranger.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, việc kiểm định khí thải đối với động cơ diesel theo tiêu chuẩn euro là không hề đơn giản và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. "Quan điểm của chúng tôi là làm nghiêm theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi vào Việt Nam, bất kể của hãng xe lớn nào. Theo quy định cơ quan đăng kiểm sẽ có thông báo cho Hải quan để tiến hành các bước tiếp theo. Doanh nghiệp có sản phẩm không đạt chất lượng sẽ bị xử phạt và buộc tái xuất lô hàng", đại diện Phòng Chất lượng xe cơ giới, nói.

Trước đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có kiến nghị về kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu theo Nghị định số 116 và thông tư 03. Cụ thể, phía Hoa Kỳ cho rằng, quy định về kiểm tra theo từng lô gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ chung, đã làm kéo dài thời gian đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD/mẫu thử. Do vậy phía Hoa Kỳ đề nghị bỏ quy định kiểm tra theo lô, chỉ kiểm tra thử nghiệm lô đầu tiên nhập khẩu về, các lô tiếp theo được sử dụng kết quả kiểm tra đó mà không phải kiểm tra lại.

 Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm kiểm tra chặt chẽ chất lượng ôtô nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Việc không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có những bất cập như trường hợp nếu xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải ở lô hàng đầu tiên và các lô sau đó không phải kiểm tra, thử nghiệm sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu về Việt Nam hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu. Điều này là tiềm ẩn nguy cơ gian lận về chất lượng, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc một doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị trước, lựa chọn xe tốt nhất) để cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô nhập khẩu sau đó với số lượng không giới hạn trong thời gian dài, có khi tới cả năm. Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn và chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong khoảng thời gian dài.

Việc hãng uy tín ford nhập khẩu về lô hàng xe Ranger không đạt tiêu chuẩn khi thải về Việt Nam cho thấy, quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03 là cần thiết, tránh sự gian lận mà cuối cùng người tiêu dùng trong nước phải gánh hậu quả. 

MỚI - NÓNG