VFF sẽ trống ghế Phó chủ tịch tài chính?

Nhờ hiệu ứng thi đấu thành công của các đội tuyển Quốc gia trong 2 năm qua, tình hình tài chính của VFF rất khả quan khi có nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác. ảnh: VSI
Nhờ hiệu ứng thi đấu thành công của các đội tuyển Quốc gia trong 2 năm qua, tình hình tài chính của VFF rất khả quan khi có nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác. ảnh: VSI
TP - LĐBĐVN (VFF) dự kiến sẽ phải chờ Đại hội thường niên diễn ra vào cuối năm 2019 để bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính, thay ông Cấn Văn Nghĩa vừa từ chức. 

Chiều 2/7, VFF tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ cho các ĐTQG với công ty sữa Vinamilk. Như Tiền Phong từng đưa tin, bản hợp đồng có giá trị khá lớn, trong đó đơn vị đứng ra làm trung gian tư vấn là công ty Nam Hương được nhận khoản hoa hồng lên tới 30%. Đây là công ty thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hoài Nam, từng ứng cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ 8 nhưng thất bại.

Tại họp báo, đại diện Vinamilk đã xác nhận Nam Hương là công ty trung gian nhưng không cho biết cụ thể số tiền hoa hồng VFF phải chi. Tuy nhiên, thông tin riêng của Tiền Phong cho biết, con số này trên dưới 6 tỷ đồng.

Động thái công bố nhà tài trợ cho các ĐTQG của VFF diễn ra trong bối cảnh Phó chủ tịch phụ trách tài chính Cấn Văn Nghĩa vừa đệ đơn từ chức. Và người được bầu Đức tiến cử thay ông Nghĩa chính là doanh nhân Nguyễn Hoài Nam. Cũng khá trùng hợp khi trong ngày hôm nay (3/7), BCH VFF sẽ họp tại Hà Nội để chốt phương án tìm người đảm nhiệm vị trí của ông Cấn Văn Nghĩa. Theo tìm hiểu, định hướng chung của VFF là chờ tới đại hội thường nên diễn ra cuối năm 2019 để tiến hành bầu bổ sung. Trước mắt, Thường trực VFF sẽ phân công Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn tạm thời phụ trách tài chính liên đoàn.

Chọn ứng viên xứng đáng

Một trong những lý do khiến VFF không quá vội vàng tìm người thay thế ông Cấn Văn Nghĩa là tình hình tài chính từ đầu năm 2019 tới nay khá sáng sủa. Số tiền tài trợ thu về đã gần 150 tỷ đồng, con số khá ấn tượng so với các năm qua. Đây được đánh giá là kết quả từ hiệu ứng thành công của các ĐTQG 2 năm qua. Thương hiệu đội tuyển Việt Nam tăng lên khiến cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn muốn “kết duyên”.

Trả lời báo chí sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức, Trưởng ban Tài chính và tiếp thị tài trợ VFF Lê Văn Thành (ông Thành đang kiêm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền) cho rằng nếu được Thường trực và BCH tiến cử nắm giữ vị trí của ông Nghĩa thì “khi đi làm việc với đối tác sẽ thuận lợi hơn”.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo VFF hôm qua cho biết: “Vị trí Phó chủ tịch VFF do đại hội bầu nên để tìm người thay thế thì cần tổ chức đại hội bất thường hoặc thường niên. Tuy nhiên trước mắt, bóng đá Việt Nam đang chuẩn bị cho World Cup 2022 và SEA Games 30, công việc rất bề bộn. Trong khi đó tình hình tài chính hiện tại cũng khá ổn nên chúng tôi cho rằng, không cần quá vội vàng tổ chức đại hội. Các thành viên cũng có thời gian cân đối, đánh giá để chọn ra ứng viên xứng đáng”.

Một thành viên BCH khác (đề nghị xin không nêu tên) cho biết: “Thành công của các ĐTQG vừa qua là thời cơ thuận lợi để VFF có thể tăng nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Nhưng để làm được, VFF phải có bộ phận tiếp thị, vận động tài trợ mạnh. Tôi muốn ứng viên Phó chủ tịch tài chính cần “khuếch trương” được sự năng động của Ban tài chính. Tôi cho rằng nếu làm tốt, VFF sẽ không cần phải phụ thuộc vào các kênh trung gian, chứ nếu các hợp đồng bị “cắt xén” quá nhiều thì lãng phí quá. Tôi cũng đề nghị việc này cần làm minh bạch, báo cáo rõ ràng trong BCH để tránh dư luận nói này, nói nọ”.

Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An và cũng là thành viên BCH VFF, ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, Phó chủ tịch VFF phải là người biết kiếm tiền về, sử dụng đội tuyển Việt Nam như một tài nguyên để biến thành tiền bạc. 

MỚI - NÓNG