Vết thương đàn bà

Minh họa: Đỗ Phấn.
Minh họa: Đỗ Phấn.
TP - Những chiếc lưỡi trơn nhậy của đêm lại trườn xuống và liếm lên mặt tôi, liếm lên mắt tôi rồi trườn vào tai tôi thì thầm về những vết thương ngọt ngào ấy.

Trải qua những ngày tháng cuồng loạn giờ tôi thấy mình giống như những vết tím bầm. Vâng, tôi là vết tím bầm, hay những vết tím bầm chính là tôi. Những vết tím bầm do máu đông và do sự va chạm giữa thịt da và những cây gậy. Những cây gậy phang vào đầu tôi hay đầu tôi phang vào những cây gậy tôi không biết. Thực sự là tôi không biết. Ngoài trời mưa vẫn rơi. Mưa như những tấm kiếng khổng lồ chặn đứng những giấc mơ của tôi. Tôi có hàng trăm giấc mơ, những giấc mơ nhỏ và những giấc mơ lớn. Có những giấc mơ như những giọt nước mắt, có những giấc mơ như những hạt mưa rơi xuống và trôi trượt đi trên những tấm kiếng và biến mất dưới lòng đất sâu hút. Ôi, vĩnh biệt những giấc mơ, vĩnh biệt những giọt nước.

Những đứa con của tôi sẽ như thế nào nếu như tôi không phá thai sau những lần giao hoan trong những lời nhục mạ. Tôi không biết bộ dạng chúng sẽ thế nào. Sẽ giống ai trong tất cả những gã đàn ông dâm đãng ấy. Những gã đàn ông hút thuốc trong khi làm tình, những gã đàn ông chửi thề trong lúc lên đỉnh cực khoái. Nhiều lúc tôi tự vẽ khuôn mặt của những đứa con. Những khuôn mặt như thiên thần, những thiên thần có đôi cánh bằng tuyết sau lưng. Những thiên thần sẽ bay lên và đậu trên những chiếc cầu vồng đa sắc đàng điếm và hót lên những bản nhạc diệu kỳ. Tôi vẽ những khuôn mặt của các con tôi lên tường và trò chuyện với chúng. Tôi nói với chúng trong bóng đêm có những con rết tỉ chân đang múa may quay cuồng trong đói lả. Tôi nói với chúng về những cơn mưa bằng vàng và về những khu phố ngát hương ngọc lan. Tôi nói với những đứa con của tôi về những bản dương cầm mà tôi giấu trong thùng gỗ. Cái thùng gỗ mà mẹ tôi để lại cho tôi trước khi bà gào rú dưới trăng rồi bị nện cho đến chết. Người ta bảo thịt bà rất thơm. Mùi thịt cháy rất thơm.

Tôi vuốt lên bóng mình và cố nắm lấy hình hài của nó. Một chiếc bóng lạnh ngắt. Tôi mơn man những sợi lông vàng óng trên mình nó. Chiếc bóng của tôi mềm mại lạ thường. Tôi trải nó xuống nền nhà và bắt đầu vuốt nhẹ lên thân thể nó. Tôi hát ru chiếc bóng của tôi. Tôi hát lại những bản đồng dao mà ngày nhỏ chúng tôi thường hát trên những đồi sim. Tôi hát rằng:

Nhẹ thôi

Nhẹ thôi

Có con chó vàng ăn cỏ trong trăng.

Trăng khóc lời nguyệt lạnh.......

Tôi vẫn gõ tay vào tường và hát cho đến khi chiếc bóng của tôi im ngủ. Tôi nói với nó rằng hãy đuổi bắt cho bằng được những giấc mơ ấy. Khi nắm được gấu áo của những giấc mơ thì đừng bao giờ hét lên và tỉnh dậy. Bởi nếu làm thế thì những giấc mơ sẽ vụt tắt. Tôi sợ những giấc mơ của chiếc bóng sẽ vụt tắt khi nó tỉnh dậy nên tôi lại tiếp tục hát để ru nó ngủ, để nó có thêm sức mạnh rượt đuổi những giấc mơ.

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay... Vuốt lên sợi lông vàng... có con chó vàng ăn cỏ dưới khe, khe than bài nguyệt lạnh.

Khi ánh sáng tràn vào thì giấc mơ của tôi choàng tỉnh. Nó bíu lấy người tôi run rẩy rồi tan rã trên thân thể tôi. Người đàn ông ấy đã mở cửa và bước vào phòng tôi. Có nhiều loại đàn ông, những gã đàn ông cục cằn thì không bao giờ biết mơ mộng. Và trước mắt tôi là một người đàn ông không bao giờ biết đuổi lấy những giấc mơ. Hay nói đúng hơn gã chẳng bao giờ biết dành dụm những giấc mơ trong túi áo. Gã bước tới và nói với tôi về những nỗi buồn phiền của gã, về sự tan hoang tận sâu trong tâm hồn gã. Tôi nói với gã về những vầng trăng khóc và về những vết tím bầm ở đâu đấy trên da thịt. Gã nói với tôi những tiếng kêu gào vẫn không bao giờ nín lặng trên những ô cửa màu xanh lục bảo vệ những tiếng gầm của những kẻ ăn đêm. Gã nói với tôi về cách người ta ném thịt vào trong những ngọn lửa, về cách người ta quấn những chiếc roi vào máu. Tôi nói với gã về những đêm trắng, về những ngày mặt trời biệt tăm. Những cơn hoang mê nào đó khiến gã ôm chặt lấy tôi. Gã vuốt lên những sợi lông của tôi rồi ngửi chúng. Gã thì thào với tôi về những đỉnh núi của hoan lạc và địa ngục của thèm khát. Gã hôn lên vai tôi rồi đưa đầu lưỡi của gã lướt nhẹ trên gáy tôi. Tôi dần tan ra, tôi tan ra trong vòng tay của gã. Gã ngụp lặn vào ngực tôi. Gã kiếm tìm trong ấy như kẻ hành khất kiếm tìm những giếng trời trên sa mạc.

Vào nửa đêm gã lại trườn lên người tôi và hân hoan mê lú trên những đỉnh ngực tôi cho đến khi tôi đau đớn và thiếp vào những giấc ngủ đầy ảo giác. Những áo giác được dệt bằng máu, bằng màn đêm, bằng tình yêu và bằng rắn rết. Những ảo giác đã im ngủ trong tiềm thức tôi giờ chúng náo hoạt tỉnh dậy và dẫn tôi đi. Tôi đi về phía có ánh trăng, ánh trăng đang rơi. Mặt trăng đầy máu, mặt trăng nhỏ máu trên sông, mặt trăng nhỏ máu vào gương mặt đang ngước lên của những người đàn ông làng chài. Mặt trăng trườn qua đồng ruộng và len lỏi vào trong thôn rồi nhỏ máu vào những gương mặt của lũ trẻ thơ đang mê dại trong những giấc ngủ triền miên tăm tối. Trăng dẫn tôi, trăng tắm vàng lên thân thể tôi, những chiếc lông trên người tôi rạo rực nhảy múa. Những chiếc lông dựng đứng lên vào bắt đầu vũ điệu của gươm giáo, bắt đầu những điệu múa của dị nhân. Trăng dẫn tôi đi qua vùng mờ của lý tính và ở đấy tôi được nhìn thấy tôi, nhìn thấy chiếc đuôi vàng óng như vàng ròng của tôi. Tôi hân hoan mê lú, tôi u mê ù lì và bắt đầu nhảy múa dưới trăng cho đến khi tôi tỉnh dậy.

Tôi tỉnh dậy thì gã đã đi rồi. Ngoài vườn chim vẫn hót, nắng trườn qua những tấm phên nứa và chiếu vào da thịt tôi. Lớp da thịt mệt nhoài vì những bàn tay thô ráp. Lớp da thịt sưng vù vì những hàm răng cấu xé và những tràng dài hú lên bởi sung sướng. Những hàm răng vô tình của những gã đàn ông. Những gã đàn ông dệt cho tôi những giấc mơ bằng lời và những giấc mơ bằng những mớ tiền nhàu nát. Sáng nay tôi không thấy mình là người, cũng như mẹ tôi, chưa bao giờ bà được thấy mình là người. Tôi bước ra khỏi giường và đến bên bàn trang điểm. Chiếc bàn mà chàng đã tặng cho tôi ngày chàng chạm vào ngực tôi. Tôi còn nhớ ngày ấy tôi đã khóc vì ngực tôi chàng đã nhìn thấy. Đối với tôi đó là một sự mất mát lớn lao. Nhưng ngày ấy tôi yêu chàng. Tôi úp mặt vào mớ tóc xoăn tít của chàng mặc chàng tìm kiếm những điều huyền bí trên những bầu vú của tôi. Tôi tin chàng bởi chàng khác với những gã đàn ông khác. Chàng biết giữ lấy cho mình những giấc mơ. Chàng để những giấc mơ trên những phím đàn. Chàng là người chơi nhạc ở quán Dạ Miên. Quán của những đôi tình nhân mà chẳng bao giờ tôi được tới đó để ngửi lấy mùi vị của cà phê như lời chàng hứa. Nhiều lần chàng đến với tôi cùng với chiếc guitar trên vai. Tôi thích cái bộ điệu ấy của chàng. Chàng nói với tôi về những bản nhạc trên đỉnh tóc. Tôi cười lên vì cho rằng chẳng có một bản nhạc nào có thể đậu xuống trên đỉnh tóc. Chàng cũng cười lên rồi nói với tôi đó chỉ là một cách nói để cuộc sống xanh tươi hơn, để những bản nhạc luôn được tươi nguyên trong túi áo chàng. Chiếc guitar của chàng mãi là nơi thêu dệt nên những huyền thoại. Huyền thoại về những âm sắc, những giai điệu hân hoan và sầu khổ về dòng sông Giao Châu đầy khói trắng.

Tôi thích chàng vừa hát vừa hôn lên môi tôi, vuốt lên lông tôi rồi ngửi hương vị ngọt ngào đó. Tôi thích ngắm chàng mỗi khi chàng nỗ lực gỡ những vòng xích trên cổ tôi nhưng chàng luôn bất lực. Chàng nhìn sợi xích dài từ cổ tôi đến cái cột nhà đen đúa và sần sùi ấy. Biết bao lần chàng đã nỗ lực để tôi thoát khỏi những vòng xích ấy nhưng mãi mãi vẫn là bất lực và câm nín. Tôi nói với chàng hãy quên đi những vòng xích ấy và tới với tôi hát cho tôi nghe về những bài hát đi ra từ huyền thoại dòng Giao Châu đầy khói ráng. Chàng cúi nhìn tôi. Nước mắt chàng lại rơi trên những phím đàn. Tôi nói: “Hát cho em nghe đi, hát về huyền thoại của những nàng tiên cài hoa dại trắng trên tóc và ngủ say bên dòng Giao Châu ấy”. Và rồi chàng hát. Chàng hát rằng:

Giao Châu, Giao Châu... hồn em về đâu?

Ta ngồi trên lá trông nước qua cầu

Ta ngồi trên lá trông nước qua cầu

Giao Châu, Giao Châu

Xác nàng vùi sâu

Xác nàng vùi sâu giữa lòng huyệt lạnh (*)

Tôi và chàng úp mặt vào nhau và cả hai cùng khóc cho đến khi mưa trườn qua cửa sổ rồi vùi lấy hai chúng tôi. Tôi lại thì thầm với chàng về sự khủng khiếp của màn đêm vào những hôm chàng không đến. Sự cục cằn hôi thối của những gã đàn ông dâm đãng ấy. Chàng thì thào với tôi có những nỗi uất nghẹn nào đấy trong những bản nhạc của chàng. Chàng đã sợ hãi khi kể cho tôi nghe những giọt máu từ những ngón tay của chàng đã bắn ra khi chàng vuốt lên những sợi dây đàn mỏng manh như gió. Mưa vẫn phủ lấy hai chúng tôi. Chàng ôm riết lấy tôi và sờ tay lên những vòng xích trên cổ tôi. Những vòng xích lì lợm và lạnh ngắt. Những sợi xích đã tắm máu của tôi và gây ra không biết bao nhiêu vết xước trên cơ thể tôi.

Có những gã đàn ông đã đến và đã đi. Nhiều lần họ mang tới cho tôi những bó hoa hồng vàng tươi thắm, những con chim bằng sứ mà tôi có thể thổi thành những bản nhạc và những chiếc váy sặc sỡ họ mua về từ miền Bắc. Tôi có rất nhiều những kỷ vật từ những người đàn ông xa lạ. Những người đàn ông đến và đi trong một đêm. Những người đàn ông đã để lại cho tôi không biết bao nhiêu lời hứa, những lời hứa được làm bằng thủy tinh lấp lánh và những lời hứa được làm bằng tiếng cười của những đứa trẻ. Tôi lại nghĩ tới những đứa trẻ, những đứa trẻ cười như những viên bi chạy trên nền đá, những đứa trẻ cười như nắng trên sông. Những đứa con của tôi sẽ sống trong những ngôi nhà bằng ngói trên những vùng đất tự do. Những cánh diều, chúng sẽ tự làm lấy những cánh diều của chúng. Những cánh diều màu xanh, những cánh diều màu bạc, những cánh diều màu vàng sẽ bay lên trên những ngọn tre và rơi xuống kể cho bọn trẻ những gì mà chúng thấy được trên tầm cao chót vót ấy. “Trên ấy không có những vết thương, trên không trung không có một vết thương nào cả. Trên ấy máu cũng không chảy và những lời rên la cũng không hề tồn tại. Trên không trung có những dòng sông và những tiếng khèn tuyệt diệu”. Có lẽ những cánh diều sẽ nói với đàn con của tôi những lời như thế. Những lời diễm tuyệt như thế.

Khi tôi tỉnh dậy thì chàng đã đi. Ngoài vườn hoa cau đã rụng trắng xóa. Đêm qua không biết bao nhiêu hoa cau đã rụng. Đối với tôi hoa cau như tuyết trắng, hoa cau có thể tỏa hương và làm bớt sự đau đớn trên những vết tím bầm của tôi, vết thương do sự vùng vẫy bất lực của tôi gây nên. Chàng bỏ đi trong khi tôi vùi sâu ngủ, cũng như những người đàn ông khác chàng chẳng hề giải thoát được cho tôi. Và thế đấy, tôi vẫn ngồi đây, trong ngôi nhà dột nát của mình như người con gái Giao Châu khóc dưới lòng huyệt lạnh với những vòng xích quấn quanh cổ mình. Ai đã cho tôi những giấc mơ? Chàng đã cho tôi những giấc mơ. Giấc mơ về những đôi cánh. Mỗi khi hoan lạc cùng chàng tôi không đau đớn, không sợ hãi bởi chàng là những bản nhạc. Nhưng chàng có thật không, người đàn ông có mái tóc xoăn tít kia có tồn tại hay không. Cây đàn của chàng vẫn còn đó. Nó đang nằm trên giường tôi. Tôi ôm chiếc guitar vào lòng và soi bóng mình trên đó. Tôi thấy rõ khuôn mặt của tôi, những sợi lông đã bạc màu trên hai gò má xanh xao của tôi. Trong mắt tôi có ánh trăng, trăng khiến tôi lạnh và khiến máu của tôi sôi lên. Rồi từ trong chiếc guitar của chàng tôi nghe thấy tiếng hú, những tiếng hú của sói làm tôi sợ hãi. Nhưng trong những tiếng hú đó tôi tìm thấy được một điều gì đấy gần gũi, gần gũi như chính những dòng máu trong huyết quản của tôi.

Và tôi hát rằng:

Nhẹ bàn tay...

Nhẹ bàn tay...

vuốt lên chiếc đuôi vàng của con chó vàng ăn cỏ dưới khe...

khe than bài nguyệt lạnh...

Vào mùa xuân tôi bắt đầu sinh ra những đứa trẻ. Chúng là những món quà vô giá của tôi. Đêm tôi trở dạ trời mưa như trút nước. Mưa như những tấm kiếng khổng lồ chắn hết đường bay của những tiếng gào trong tôi. Đêm tôi sinh, tiếng cú và tiếng mõ cầu kinh của ngôi chùa trong núi bay đến rồi đậu xuống trên nóc nhà của tôi để nghe tôi tỉ tê với chúng về những nỗi đau đớn. Tôi đã sinh ra những đứa trẻ. Ôi, những đứa trẻ tuyệt vời của tôi, những đứa trẻ mắt sáng như sao trời, lông mềm như nhung và tiếng khóc thì như những viên bi lăn trên mặt đá như ngày xưa tôi đã từng nghĩ tới. Chúng trọ trẹ trườn vào lòng bàn tay của tôi rồi im ngủ. Tôi thì thầm vào tai chúng về những bản nhạc của người đàn bà mù đeo gông ra đứng ở bờ sông. Những người đàn bà mù đi hái mặt trời, đi hái hi vọng. Tôi nói với chúng về giống loài và về mặt trăng. Tôi nói với các con tôi trăng không đẹp như người ta tưởng. Trăng không được làm từ những tấm vàng ròng như trong thơ của những gã thi sĩ mù đi bán thơ dạo trên các triền đê. Trong trăng có những vực sâu, trong những vực sâu có máu, trong máu có những vết thương.

Rồi mùa đông lại đến. Mẹ con tôi không chào đón mùa đông bởi mùa đông thường mang theo những cơn gió lạnh rúc vào tủy xương của chúng tôi. Bằng những sợi rơm và manh chiếu cói còn lại, mẹ con tôi quây ổ và nằm sát bên nhau để nghe tiếng của những hàm răng va đập vào nhau. Những đôi mắt không thể mở ra của các con tôi vì lạnh khiến tôi chênh chao trên những lưỡi dao ngọt lịm. Các con tôi không thấy ánh sáng. Chúng không thấy mặt trời. Ừ thì tôi sẽ nói với chúng về màn đêm. Tôi ôm chúng vào lòng, tôi vuốt lên những chiếc đuôi nhỏ bé của chúng và nói với chúng về màn đêm. Tôi nói rằng trong đêm có những hũ vàng khổng lồ, nếu ai cắn vỡ được những chiếc hũ khổng lồ ấy thì vàng sẽ chảy ra và ánh sáng sẽ tràn về. Tôi hát rằng:

Xâu những giọt nước mắt

Thành chuỗi hạt

Ném lên trời

Ném lên trời

Cùng với gió

Ơ kìa

Ơ kìa

Gió về đi. Gió về đi...

Lâu lắm rồi chàng không trở lại. Các con tôi hỏi về chiếc guitar của chàng. Tôi nói với chúng nó từ trên trời rơi xuống. Đó là món quà của Thượng Đế cho mẹ con ta. Các con tôi hỏi về Thượng Đế. Tôi nói người ở trên cao, người có hàng trăm con mắt nhưng không có con mắt nào nhìn thấy được sự tủi nhục của thân phận. Các con tôi hỏi thân phận là gì. Tôi nói với chúng rằng thân phận là nước mắt, nước mắt làm nên thân phận. Các con tôi hỏi rằng nước mắt là gì, tôi nói với chúng nước mắt là những vết thương. Các con tôi hỏi vết thương là gì, tôi nói với chúng rằng vết thương sắc lắm, đừng bao giờ giẫm lên vết thương, chúng sẽ cứa đứt gót chân của các con. Rồi các con tôi khóc và tôi khóc.

Tôi vẫn phải tiếp tục làm cái công việc đó. Tôi nói với các con tôi rằng đó không bao giờ là một công việc xấu xa. Chẳng có gì là xấu xa. Điều xấu xa nhất là việc mẹ để cho các con bị đói rồi chết đi. Các con tôi hỏi về người đàn ông đến nhà vào chiều hôm qua. Tôi nói với chúng đó là khách hàng của mẹ. Các con tôi hỏi mẹ bán gì cho người đàn ông đó. Tôi nói rằng tôi bán lương tri. Lương tri là gì? Các con tôi hỏi. Tôi nói với chúng hãy ngủ đi.

Tôi chán ghét mùi thuốc của gã. Mùi thuốc lá của gã đàn ông làm thợ nề ấy. Mùi thuốc của gã phả vào mặt tôi khi gã gọi tôi là con chó cái của gã. Tôi nhắm mắt không dám nhìn vào đôi mắt cuồng dâm của gã. Khi gã lún sâu vào người tôi thì tôi lại nghe được có những tiếng tru đâu đó quanh tôi. Những tiếng tru đó kêu gọi tôi, kêu gọi mẹ con tôi. Những tiếng tru vây hãm tôi trong khi gã đàn ông đó cứ cào cấu lên da thịt tôi. Những tiếng tru ấy ở đây. Chúng ở trong huyết mạch tôi hay chúng ở trong rừng.

Trong rừng???

Bây giờ gã đàn ông làm thợ nề đã vùi vào giấc ngủ tởm lợm của gã. Tôi lại sờ lên bụng mình. Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ lại sinh con. Có lẽ tôi không nên để những đứa trẻ tiếp tục ra đời nữa. Tôi không trả lời chúng được khi chúng hỏi tôi rằng thân phận là gì. Thân phận là gì? Thực sự tôi không biết. Tôi chỉ nghĩ được rằng thân phận là những vết thương đầy máu. Dưới gầm giường, trong ổ rơm, các con tôi vẫn ngủ. Trong giấc mơ của chúng sẽ có những ngôi nhà màu trắng, những giá sách thơm mùi giấy mới, những bản nhạc không lời và loài chim có đôi cánh màu xanh ấy. Trong giấc mơ của chúng không có đôi mắt của những gã đàn ông dâm đãng, không có tiếng gào và tiếng quát tháo của những người đàn ông mà có lẽ họ chính là cha của các con tôi. Trong giấc mơ của chúng không có những sợi xích trên cổ, không có mưa tràn vào ổ rơm, không có những cơn đói và không bao giờ có những lời rên rỉ của tôi khi tôi chạm phải những giới hạn.

“Đừng nghĩ tới ngôi nhà màu trắng ấy. Nó là ảo ảnh. Dưới gầm giường các con tôi đã bò ra. Chúng nhìn tôi, chúng run rẩy đứng tựa vào nhau và nhìn tôi. Nhìn vào khuôn mặt sưng vù của tôi. Khi gã nhìn vào các con tôi thì chúng khóc ré lên, tôi chạy tới ôm chúng vào lòng và bảo với chúng rằng các con hãy nhắm mắt lại, hãy nhắm mặt lại rồi bình minh sẽ về, hãy nhắm mắt lại rồi hoàng hôn sẽ nhóm lửa. Hãy nhắm mắt lại các con sẽ thấy được những hũ vàng và những huyền thoại mà mẹ đã kể cho các con nghe. Gã đàn ông đó ném vào mặt tôi một mớ tiền lẻ rồi khoác áo bỏ đi.

“Đi đi”. Tôi gào lên.

“Cút đi”. Tôi gào lên.

“Tao là con chó cái”. Tôi gầm lên.

“Một con chó cái làm điếm...”. Tôi gầm lên rồi chồm về phía gã đã đi. Khi tôi chồm lên thì ngôi nhà của mẹ con tôi rung chuyển. Vòng xích trên cổ tôi bật tung ra. Tôi chồm tới ôm lấy các con của tôi rồi chạy ra khỏi nhà trước khi ngôi nhà lá dột nát của mẹ con tôi đổ nhào xuống.

Đêm lại đến. Đêm tối lại liếm lên thân thể của mẹ con tôi. Mẹ con tôi lại rúc vào nhau và thì thầm với nhau về những câu chuyện huyễn hoặc đó. Khi trăng lên máu trong tôi gào rú. Tôi nhìn vào trăng, trăng nhỏ máu vào mắt mẹ con tôi. Giữa ngôi nhà sụp đổ, mẹ con tôi ngửa mặt nhìn trăng. Trăng lạnh, trăng làm mẹ con tôi lạnh. Rồi những tiếng tru ấy lại vọng về. Những tiếng tru từ rừng thẳm lại vọng về vây lấy mẹ con tôi. Tôi nói với các con tôi đừng sợ hãi. Đó là tiếng gọi của tổ tiên mình. Mẹ con ta hãy đi về phía những tiếng tru ấy. Rồi mẹ con tôi tru lên. Dưới trăng mẹ con tôi tru lên những tràng dài man rợ để đáp trả lại những tiếng tru từ rừng thẳm. Dưới trăng, mẹ con tôi đi về phía rừng. Chúng tôi nhìn vào những chiếc đuôi vàng chóe của chúng tôi dưới trăng rồi lại tru lên man dại. Tôi tru lên, tiếng tru của một con chó cái làm điếm mê hoặc biết bao nhiêu...

Chưa bao giờ mẹ con tôi hân hoan như thế. Rừng thẳm và những tiếng tru ấy đang chờ đợi chúng tôi.

Và sau lưng chúng tôi, những tiếng hát của chàng, của người đàn ông chơi guitar ấy lại vang lên:

Giao Châu, Giao Châu... hồn em về đâu... (*)

---------------

(*) Lời trong bài hát “Tình ơi vĩnh biệt” của Trần Thiết Hùng.

Vết thương đàn bà ảnh 1Một con chó cái, một người mẹ, hay một đất nước,…? Thế giới truyện ngắn của Lê Minh Phong luôn đầy ắp sự ẩn dụ, được gợi ra từ từng chi tiết truyện. Và đôi khi, ma trận này khiến rối trí không chỉ những người đọc ưa kể chuyện (vì hình như chẳng có câu chuyện nào rõ ràng) mà cả những người đọc ưa tìm “thông điệp” (vì hình như quá nhiều thông điệp). Tuy nhiên, hãy để từng chi tiết thấm vào bạn, sẽ thấy một vẻ đẹp kỳ ảo từ những ý thầm kín.

Lê Minh Phong viết nhiều thể loại, anh còn tham gia hội họa và đều để lại ấn tượng. Nghệ sỹ hiện sống và làm việc tại Huế.

                 L.A.H

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.