Vào rốn lũ Nghĩa Hành

Vào rốn lũ Nghĩa Hành
TP - Tan hoang, xơ xác là cảnh tượng còn lại ở các làng quê của huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) sau cơn lũ lịch sử quét qua đêm 15/11. Trên gương mặt bao người dân từng quen chống chọi mưa lũ vẫn còn hằn sâu nỗi kinh hoàng.

> Bình Định vẫn chìm trong biển nước
> Bình Định: Người chết, nhà trôi bởi 'quả bom nước'

Nước mắt ở lại

Cuối giờ chiều 16/11, mưa đã tạnh, nhưng đường về các xã thượng nguồn sông Vệ là Hành Thiện, Hành Tín Đông và Hành Tín Tây vẫn chưa thể đi lại được bằng ô tô. Nhiều nơi, nước lũ còn chia cắt, nơi nước rút thì bùn ngập cả ống chân. Ông Lữ Đình Phô, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Hành, sốt ruột: Ở đó, bị cô lập từ trưa 15/11 đến giờ, thông tin liên lạc cũng mất. Thế là, chiếc ca nô của BCH Quân sự tỉnh được cấp tốc điều động đến mang theo mì tôm, nước uống đến với người dân nơi đây.

Những vệt nước lũ lưu lại trên từng vách nhà, trụ điện từ 3-5 m khiến ai nấy rùng mình. Cây cối, xác trâu, bò, heo, gà la liệt, xen lẫn với tủ, giường, bàn, ghế. Người dân chạy lũ trở về nhà không còn một bộ đồ để thay. Xót của cùng với đói khát khiến nhiều người quỵ chân dưới bùn, người thì ngâm mình trong bùn cố đào bới với hy vọng nhặt nhạnh những gì còn sót lại.

Ông Trần Văn Dần (thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện, nhà bị lũ cuốn trôi), kể, đêm 15/11, vừa ăn cơm tối xong thì nước lũ cuồn cuộn ập vào nhà. Cả nhà vội dìu nhau chạy thoát đến ở nhờ nhà hàng xóm phía trên, tài sản vứt lại hết.

Khi đón nhận những phần quà cứu trợ do Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng trao, nhiều người dân thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây không cầm được nước mắt. Bà Trần Thị Hòa xúc động: “Xin cám ơn tấm lòng lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ với người dân lúc khốn khó”. Bà cho biết, năm nào con sông Vệ cũng có lũ, nhưng đợt này lũ về bất ngờ và nhanh đến nỗi không kịp thu dọn, di chuyển tài sản. Nếu không có ngọn núi chắn phía sau nhà, có lẽ sẽ có nhiều người chết.

Không được để dân đói rét

Người dân Nghĩa Hành đang đối mặt đói, rét và nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Chiều 16/11, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đến từng hộ dân bị thiệt hại nặng để thăm hỏi, động viên và chỉ đạo tổ chức công tác cứu trợ, giúp dân sớm ổn định cuộc sống. “Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ để mọi người dân trong vùng lũ không đói rét. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng vũ trang, ĐVTN giúp dân dọn vệ sinh, sửa chữa hoặc dựng tạm nhà
cửa để có chỗ ở”, Bí thư Võ Văn Thưởng nói.

Dù vậy, người dân vùng lũ Nghĩa Hành vẫn canh cánh vô vàn nỗi lo. Cuộc sống bao đời nay trông cậy vào ruộng vườn và cũng chỉ đủ ăn đắp đổi qua ngày, nay ruộng vườn, gia súc, gia cầm, tài sản trong nhà bị lũ quét sạch, lấy gì mà sống? Ông Nguyễn Diên Ý (thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây, một trong những hộ nghèo của xã) đã bật khóc kể: Tài sản lớn nhất của gia đình ông là con bò đực trị giá gần 40 triệu đồng, nhưng vì lũ về nhanh nên gia đình ông chỉ kịp thoát thân, con bò để lại bị lũ nhấn chìm. Anh Võ Đình Tâm có hai con bò trị giá gần 50 triệu đồng cũng bị nước lũ cuốn trôi. “Mong sao Nhà nước sớm có phương án hỗ trợ để người dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, anh Tâm nói.

Ông Lữ Đình Phô, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Hành cho biết, thiệt hại do trận lũ lịch sử này gây ra là rất lớn nhưng do nhiều vùng còn ngập chìm trong lũ, nên chưa thể thống kê được. Riêng về người, theo thông tin ban đầu, có 6 người chết, mất tích.

Lũ chồng lũ

Chiều qua, một cơn lũ mới tràn về, dâng cao trên sông Vệ, sông Trà Câu (Quảng Ngãi), vượt mức báo động 3 hơn 1 m, khiến hàng nghìn nhà dân ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ ngập sâu. Cơn lũ mới uy hiếp nhiều khu dân cư ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Cơn lũ trước đó khiến hàng ngàn ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng; hàng trăm công trình y tế, trường học, cơ quan bị hư hại. Khoảng 350 tấn thóc giống bị ướt, gần 10.000 tấn lương thực bị ướt, hư hỏng. Hơn 1.431 ha mía, mì; 243 ha rau màu bị ngập úng, hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã có hàng ngàn điểm sạt lở, hư hỏng, 9 công trình cầu bị hư, với hàng chục ngàn mét khối đất đá bồi lấp. Có 11 tàu cá với 6 ngư dân của xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ, trôi ra biển.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 2 tàu cứu được 5 tàu cùng 6 lao động, đưa vào bờ an toàn, 3 tàu bị chìm, và 3 tàu còn trôi trên biển, đến sáng 17/11 vẫn chưa cứu được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".