Việc phân loại phim theo độ tuổi như vậy được xem là việc làm cần thiết cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp.
Lợi đôi đường
Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh đã nói như thế về dự thảo qui chế mới này nếu được ứng dụng tại VN.
Ông phân tích: "Trước đây chỉ có Fafilm VN độc quyền nhập phim nên việc kiểm soát tương đối dễ dàng. Còn bây giờ đã tư nhân hóa, nhiều nhà nhập phim nhảy vào nên cần phân loại rõ ràng như thế để xem phim nào được nhập, phim nào không.
Nhưng cái lợi lớn nhất thuộc về khán giả. Bởi theo thói quen, người VN luôn ưu ái những phim phù hợp cho mọi lứa tuổi nên có những phim có những cảnh không phù hợp cho trẻ em thì bị cắt mất hoặc không được chiếu. Những người thích xem những phim này bị thiệt thòi.
Phân loại rõ ràng thì mọi người đều có quyền chọn tác phẩm để thưởng thức. Có qui chế rõ ràng thì những nhà sản xuất phim VN sẽ biết đường để sáng tạo tác phẩm sao cho phù hợp, không ngán chuyện phim làm xong, trình duyệt thì bị hội đồng thẩm định phim... cắt".
Ông cũng cho biết thêm đây mới chỉ là qui chế đang được ban soạn thảo Hội đồng thẩm định phim lên khung. Cục điện ảnh cũng đã tham khảo việc phân loại phim từ nhiều quốc gia trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc...
Sau Liên hoan phim VN lần 15, cục sẽ tổ chức những hội nghị để lấy ý kiến từ các nhà sản xuất, ban ngành, nhà chuyên môn để có một qui chế ứng dụng thiết thực và thuyết phục nhất.
Theo ông Trần Vũ Hoài - giám đốc Công ty Galaxy - thì: "Điều các nhà sản xuất quan tâm là tiêu chí nào đưa ra để xác định phim nào được xếp vào dạng dưới 16 tuổi được xem, phim nào dành cho trên 16 tuổi. Rồi những phim nhập đã được phân loại rồi, về VN có bị phân loại hay bị "cắt, gọt" nữa không? Phải có đề mục rõ ràng khi luật ban hành mới thuyết phục mọi người".
Giám đốc Hãng Phước Sang góp ý: "Đã có những qui chế phân loại độ tuổi rồi thì chuyện kiểm duyệt phim cần đưa ra chi tiết rõ ràng, cảnh nào, kiểu nào dành cho trên 16, cấm dưới 16 để phim chúng tôi làm ra không bị hội đồng thẩm định cắt tanh bành để qui ra phân loại".
Đi xem phim phải chứng minh... tuổi
Cũng có nhiều ý kiến thắc mắc liệu việc phân loại theo độ tuổi như vậy có gây khó khăn cho chủ các rạp? Làm thế nào để biết ai đã 16 tuổi, ai chưa?
Tuy nhiên, đạo diễn Quang Dũng nhìn nhận đây là chuyện bình thường: "Nếu đã ban hành cái gì thì phải có luật đàng hoàng. Ở Mỹ đi vào sàn nhảy cũng phải kiểm tra ID, thì ở VN đi xem phim trình giấy xác minh tuổi cũng chẳng có vấn đề gì”.
Nghệ sĩ Phước Sang ủng hộ: "Việc kiểm tra độ tuổi hoàn toàn có thể làm được, đi xem phim trình chứng minh nhân dân không phải là điều bất ngờ".
Qui chế vẫn còn nằm trên dự thảo, nhưng có lẽ từ ý kiến của những nhà làm phim, kinh doanh phim, khán giả xem phim VN luôn mong rằng việc dán nhãn "phân loại theo độ tuổi" với những qui định chi tiết, cụ thể, xử phạt công minh để khi đưa qui chế vào thực hiện sẽ thật sự thuyết phục.
Nói như nhà biên kịch Sâm Thương (giám đốc Hãng phim Sena), cái khó lại nằm chỗ khác: "Luật ban hành chỉ là trước mắt, việc ứng dụng và chấp hành luật là lâu dài. Điều đó cũng còn tùy thuộc vào sự giáo dục từ gia đình, ý thức công dân của những bạn trẻ.
Hơn nữa, giữa tranh khỏa thân bình thường và tranh khỏa thân nghệ thuật luôn có ranh giới để thẩm định. Bởi vậy trong chuyện này đòi hỏi hội đồng thẩm định phải có kiến thức, có sự công tâm, cũng như tầm nhìn xa đối với sự phát triển của nghệ thuật".
Nhìn ra thế giới Ở Mỹ, những ký hiệu phân loại phim rất rõ ràng, G: phim cho mọi lứa tuổi; PG: có vài cảnh không phù hợp với thiếu nhi, cha mẹ nên xem trước; PG-13: cha mẹ phải thận trọng nếu con cái dưới tuổi 13; R: phim không dành cho trẻ dưới 17 tuổi vì có những cảnh bạo lực, tình dục, tội phạm…; cuối cùng là NC-17: cấm tuyệt đối thanh thiếu niên 17 tuổi trở xuống vì nội dung phim có mức độ bạo lực, khiêu dâm cao… Hệ thống ký hiệu này được Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đăng ký sở hữu trí tuệ với sự thăm dò ý kiến phụ huynh trên toàn nước Mỹ. Hội đồng xếp loại phim có 10-13 người và trưởng ban sẽ do chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MAA) chọn, kinh phí do chính các nhà sản xuất phim trả. Tại Pháp, tất cả phim truyện và cả phim quảng cáo đều phải có giấy phép khai thác (visa dexploitation) do bộ trưởng văn hóa cấp và chia làm hai loại: loại được phổ biến không hạn chế (tous publics) và loại hạn chế (đóng dấu X) thì cấm trẻ dưới 12, 16 và 18 tuổi. Đó là những phim có cảnh tình dục và những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Những phim này không bị cấm nhưng phải đóng thuế rất nặng, và khi chiếu ở rạp phải có ghi thêm những cảnh báo ngoài phòng chiếu và áp dụng triệt để đối với khán giả chưa đủ tuổi. Ở Hàn Quốc, cách phân loại phim - do hội đồng đánh giá truyền thông MRB (Media Ratings Board) thẩm định - dựa trên các ký hiệu phim bao gồm: phổ thông, 12+, 15+ và 18+, tức là hạn chế độ tuổi được xem phim dựa trên các yếu tố tình dục, bạo lực và kinh dị… MRB không có quyền cắt hay cấm phim phát hành, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến các hãng phim buộc họ phải sửa lại các cảnh quá đáng... |
Theo Hoài Nam
Tuổi Trẻ