Giàng gọi ông Rơm đi rồi

Giàng gọi ông Rơm đi rồi
TP - Chiều 28/10, lướt facebook biết tin NSND Y Brơm mất. Không bất ngờ và cũng không bàng hoàng, vì đã biết bệnh của ông, dẫu mới phát thôi, nhưng nó là ung thư. Chúng tôi, cả ban lãnh đạo Hội VHNT cũng vừa vào thăm ông, vẫn nói đùa đủ thứ chuyện, kể cả chuyện nhịp phách.

> Tán nhảm với các nhà văn ở Tây Nguyên

Tôi có thời gian dài là hàng xóm của ông ở khu tập thể Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum thời bao cấp. Thi thoảng buổi chiều ông lại kêu sang, biết ngay là ông có món… làng. Ấy là cá lòng tong, loại cá vụn bán rẻ ở chợ, nấu nhừ với lá sắn, có khi thêm mấy quả cà đắng, và xị rượu.

Bao giờ trước khi ăn ông cũng một xị rượu. Và tôi cải chính ngay rằng, đấy không phải nguyên nhân ung thư, bởi nhiều ông chả giọt rượu nào, chả sợi khói thuốc nào, vẫn ung thư. Ông Rơm uống rất điều độ, chỉ trước bữa ăn như thế, chứ không bét nhè như chúng tôi một thời.

Năm 1981 khi tôi lên Gia Lai nhận công tác thì ông đã là một tượng đài. Chúng tôi được nghe đến ông qua nhiều kênh, từ chuyện ông có chuyên môn giỏi, học ở Triều Tiên về. Hồi ấy cứ nước ngoài về là oách, chả phân biệt nước nào.

Đến chuyện ông là gã đàn ông đào hoa, đa tình. Đoàn Đam San nhiều mỹ nhân, ông lại độc thân. Cao to vạm vỡ đẹp trai, trưởng đoàn. Bao nhiêu đồn thổi không chứng cứ. Hồi ấy vợ ông đang ở Liên Xô, con gái ông cũng rất nổi tiếng. Sau chị này không về, ông độc thân một thời gian rồi lấy chị Krim Trương Thanh Bình, cựu ca sĩ người Bahnar cũng của đoàn Đam San.

Một hôm Trưởng ty của chúng tôi là ông Trịnh Kim Sung bảo: Cậu đi với tôi sang Đam San làm việc. Và đấy là lần đầu tiên tôi gặp ông. Ấn tượng nhất là ông nói luôn kèm điệu bộ, rất sôi nổi hài hước, và ông có cái xe đạp Phượng Hoàng rất mới. Cái xe không được dựng thông thường mà nó chổng ngược lên.

Ông bảo để khỏi hỏng lốp, và đỡ chiếm diện tích, bởi căn phòng ông ở kê vừa được cái giường, cái bàn và cái xe đạp ấy. Hôm ấy tôi nhớ ông kể khổ cho đoàn Đam San rất nhiều. Đúng là Đam San khổ thật, nhà này cách nhà kia miếng cót, bên này làm gì bên kia nín thở… nghe.

Nghệ sĩ gì mà lầm than quá, nhếch nhác quá, mất thiêng. Đói vêu vao. Thế mà hàng đêm phải bê, phải đỡ, phải trụ, phải lộn, phải xoạc, phải gào phải hét… Tôi đi một vòng quanh khu tập thể, đồng thời là trụ sở của đoàn thì thấy quả là mất thiêng thật.

Nhưng bản thân ông Trưởng ty và 4 ông phó ty của chúng tôi lúc này cũng đang ở nhà tập thể ngay trong trụ sở, sáng sáng cũng khăn mặt vắt vai, quần đùi xộc xệch, cầm bàn chải xếp hàng ở nhà vệ sinh và bể nước công cộng. Ông Trưởng ty còn hơn hẳn chúng tôi là được cắp nách cái chậu đầy tã bẩn của con. Thì cái chuyện biết thế chứ biết nữa cũng chỉ để biết mà thôi.

Ông là Nghệ sĩ Ưu tú lứa đầu tiên, rồi Nghệ sĩ Nhân dân cũng lứa đầu tiên. Hồi ấy tôi làm ở Phòng Văn nghệ Ty Văn hóa, nên các cuộc xét cơ sở có được ngồi dự, làm thư ký. Các người khác còn có ý kiến này nọ, chứ đến ông là 100%. Ngay sau khi được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 1983- đợt đầu, ông được mời vào hội đồng quốc gia để xét các Nghệ sĩ Nhân dân khác.

Đi khỏi làng khá sớm, ra Hà Nội, rồi sang Triều Tiên học biên đạo múa, nhưng trong ông cái chất Bahnar vẫn khá đậm, dù nhiều người nói ông đã Kinh hóa khá nhiều, nhất là trong giao tiếp và cả nghệ thuật. Nhưng trong các tác phẩm múa mà ông là biên đạo, nhất là thời sung sức, ta thấy một Tây Nguyên vừa hừng hực vừa trữ tình, vừa khát khao say đắm vừa lạc quan trong sáng. Ông luôn có cái nhìn lạc quan về cuộc sống, cho dù có khi chính ông đang trong cơn ngặt nghèo.

Thôi thì ông đi, bởi chị Bình, vợ ông cũng đi rồi. Mới hôm kia, trong một chương trình truyền hình, vẫn thấy ông ngồi với mấy chàng trai Bahnar trẻ, truyền nghề cho chúng. Con người như ông, sôi nổi đến trước khi đi.

Vĩnh biệt ông, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm…

Từng là Trưởng đoàn ca múa nhạc Đam San, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, ủy viên BCH Hội VHNT Gia Lai, ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Y Brơm luôn là lá cờ đầu trong sáng tạo và phổ biến nghệ thuật múa Tây Nguyên vượt ra khỏi biên giới địa phương để hòa nhập vào thế giới đương đại. Nhiều vở múa của ông trở thành kinh điển: Múa trống Tây Nguyên; Giã gạo (Dưới đêm trăng); Múa khiêl; Greng neeng… đều nhạc của Nhật Lai. Về hưu, ông đi dựng cho các ngành, cơ sở, vừa có thêm thu nhập, khỏi quên nghề sở mà lại giúp được phong trào văn nghệ quần chúng.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG