Minh họa: Hoa Y. |
Bà chạy sang nhà bên cạnh, gặp ngay chị H’Nguin đang đứng ngơ ngác trước chân cầu thang, bên cạnh, thằng bé vừa ngủ dậy đang khóc ê a, mặt xanh như lá.
Hai người đàn bà nhìn nhau, không ai nói trước. Trong mắt họ ẩn chứa nỗi kinh hoàng. H’Nguin lấy khăn ướt lau thật kỹ mặt mũi cho hai đứa trẻ. Nhưng cũng chỉ sạch được một lúc, khi những giọt nước mắt còn sót lại lăn xuống, đôi má hồng hào của chúng lại nhem nhuốc những vệt xanh lè. Thế này là thế nào hỡi Yàng? - Mí Hoa thầm thì rồi dắt con gái về nhà trút quả bầu nước ra rửa mặt cho con.
Những đứa trẻ mắc bệnh này trước, vì chúng thường xuyên khóc. Những bà mẹ K’roa âm thầm giấu kín bệnh của con mình, không ai dám nói ra. Những câu chuyện thì thầm, những ánh mắt sợ hãi. Một nỗi u ám bủa vây vùng Lòng chảo.
Cho đến một ngày, mọi chuyện vỡ ra, không thể giấu. Đấy là khi căn bệnh kỳ lạ đã lan sang người lớn! Hôm đó là ngày cuối tuần, chợ Kroa đông khách. Một đám hàng rong từ phố lặn lội tìm vào bày hàng ra bán.
Những mặt hàng lạ: Mấy con thú giả không biết làm bằng thứ gì nhưng chúng lại biết đi, biết hát và biết thổi kèn! Những chiếc dây đeo bằng bạc sáng lấp lánh. Vui nhất là người bán hàng mặt đen như đít nồi không ngớt hò hét mời mọc.
Anh ta hát một bài gì đấy bằng tiếng Kinh khiến khách đứng xem xung quanh không nhịn được cười. Lúc đầu còn cười ít, sau dần cười nhiều, rồi cười mãi, không nhịn được. Tiếng cười vốn dễ lây, lập tức lây từ người này sang người khác. Cười mãi, cười chảy nước mắt nước mũi.
Người bán hàng thấy khách xúm lại cười nghiêng ngả thì càng hứng chí làm trò. Cho đến khi anh ta nhận ra vấn đề: Hình như những người xung quanh không thể dứt cười được! Họ ôm lấy nhau mà nức nở! Và, quái quỷ thay, gương mặt họ vừa đây còn bình thường, chỉ sau mấy phút bỗng chuyển sang màu xanh lét! Những gương mặt giàn giụa nước xanh lè lẹt ấy lại tiếp tục cười.
Gã bán hàng kinh hoảng bỏ luôn cả hàng hoá, hét toáng lên và bỏ chạy như bị ma đuổi, không dám quay đầu lại. Thấy gã bán hàng rong vừa chạy vừa hét, mọi người nhìn nhau, không hiểu là chuyện gì. Người ta đổ xô lại xem.
Buôn trưởng kiêm trưởng ban quản lý chợ, Y Wen từ trong phòng quản lý chợ cầm gậy bước ra, lớn tiếng hỏi: Chuyện gì? Chuyện gì? Không ai trả lời. Những người vây quanh gã hàng rong lúc nãy vẫn chưa hết cười. Ha ha, hô hô, hi hi, hức hức… Y Wen nhận ra người quen, toàn là bà con trong buôn cả.
- Mí Hoa, Mí Len, H’Vul nữa… cười cái gì?
Vẫn không ai trả lời. H’Vul thấy buôn trưởng đi ra thì ôm ngay lấy tay, lắc như điên như dại, miệng vẫn không ngớt cười. Y Wen giằng tay ra không được, miệng méo xệch, rồi không hiểu sao, anh ta đứng im, mặc cho H’Vul níu kéo, lay, lắc, và cuối cùng, như có ai ra lệnh, anh ta cũng mở miệng ra và bắt đầu cười lớn.
Một lúc sau thì mặt buôn trưởng Y Wen đã xanh như lá. Những người khách đến chợ buôn bán lặng lẽ gom hàng vào bao rời khỏi chợ ngay trong buổi sáng hôm đó. Chỉ một lúc sau, chợ K’roa trở thành một bãi đất trống đầy rác thải, vỏ chai và bát đĩa bể.
Trưởng ban quản lý chợ, Y Wen vẫn đứng giữa đám đông bà con Kroa mà không dứt ra để bước đi được. Chỉ đến khi nghe tiếng già làng Ma Noi quát thật lớn: Chuyện chi? Chuyện chi? Về, về… thì anh ta mới hồi tỉnh. Y Wen ngồi sụp xuống đất, nói, bà con dắt nhau về đi, về nhà cả đi… Người khoẻ mạnh trong buôn chạy ra dìu người nhà mình về.
Những bóng người vừa đi vừa nghiêng ngả như những bóng ma trong bóng chiều nhập nhoạng. Tiếng cười lọt xuống ngòi nước rồi lan vào trong những vòm lá đen thẫm xào xạc bên đường.
Già làng Ma Noi bảo Y Wen triệu tập một buổi họp buôn khẩn cấp ngay tại nhà mình. Lâu lắm rồi, Ma Noi lại phải đứng ra chủ trì một cuộc họp quan trọng của buôn. Đống lửa giữa nhà cháy rần rật, soi sáng mấy chục gương mặt đại diện cho mấy chục nhà có người bị bệnh trong buôn. Đợi cho những người đến sau tìm được chỗ ngồi, già Ma Noi bắt đầu:
- Bớ bà con, lẽ ra, họp buôn là công việc của buôn trưởng Y Wen, nhưng cuộc họp hôm nay rất quan trọng, tui phải đứng ra. Chuyện xảy ra ở Kroa mấy ngày nay, không giấu được nữa, già trẻ ai cũng đã biết, không cần phải nhắc lại.
Nhà Mí Hoa, nhà Mí Len, nhà ama H’Juil… đều có người mắc bệnh lạ…- Ma Noi ngừng lời, nhìn lửa nhảy múa trong bếp, rồi lại nói tiếp, giọng nhỏ lại - chưa bao giờ buôn Kroa chúng ta gặp cái bệnh lạ kỳ thế này. Tui hỏi bà con, mỗi người hãy nói thật bụng của mình, theo các ama, amí ngồi đây, vì sao Kroa lại có ngày hôm nay?
Không ai nói gì, những gương mặt trầm tư. Con chim Tlang lại kêu vút ngang trời thê thiết. Rồi cũng có người lên tiếng, đó là ama H’Juil:
- Già làng hỏi tui là tại sao, tui không biết, bà con ngồi đây, cũng không ai biết. Con gái H’Juil của tui nó hiền lành, khoẻ mạnh, siêng năng vậy mà từ bữa phát bệnh đến nay, nó không dám đi đâu ra khỏi nhà nữa, nó xấu hổ mà…
- Chiều qua, khi ra bến nước tắm giặt, mấy bà gặp nhau, thế là họ lại ôm nhau cười mãi đến tối mịt mới chịu gùi nước về nhà nấu cơm – tiếng ai đó hình như là amí Len nói
- Phải đấy, những người bị bệnh hễ gặp nhau, đứng gần nhau là lại phát cơn cười, không dừng được…
- Từ ngày bị bệnh, vợ tui không nấu cơm được nữa, nó cứ nằm lì trong buồng không chịu bước ra ngoài.
Bà ngoại của thằng Y Kuk lọ mọ bước vào, bà khóc:
- Là cái bệnh khóc ra nước mắt xanh đó, mấy đứa cháu tui bị lâu rồi, thằng Y Kuk, thằng Y Siên, con H’Mary nữa, chúng nó đều bị bệnh, nhưng tui không dám nói…
Mấy chục cái miệng im lặng. Không ai nỡ trách bà già đau khổ. Ma Noi hỏi lại:
- Lâu rồi là từ khi nào?
- Từ dạo con H’Nhi bỏ buôn làng ra phố cơ… Khi đó, cả mấy đứa đều khóc, mặt chúng xanh như lá…
Tất cả lại im lặng. Tiếng nức nở của bà lão lọt xuống kẽ sàn, tan vào bóng tối. Cuối cùng, Ma Noi phải cất tiếng:
- Không phải tại ai cả, Yàng phạt Kroa đó mà…
“Yàng phạt!” - Mọi người đều đã nghĩ đến việc này, nhưng không ai dám nói ra, chỉ đến khi câu nói phát ra từ chính miệng già làng, thì trong mấy chục cái đầu ấy như vừa có một ánh chớp loé lên thiêu rụi những hy vọng mỏng manh như ngọn lửa thiêu sợi tóc.
Ma Noi cũng không biết vì sao mình lại thốt ra những lời đó. Lời nói từ miệng già làng có một sức mạnh ghê gớm, nó có thể làm cho con trâu khoẻ mạnh đổ sụp xuống, huống chi là những con người Kroa yếu đuối, mong manh. Già nói tiếp, rất nhanh, như muốn lấp đi những tiếng vừa phát ra:
Nhưng, quan trọng là chúng ta phải tìm cách chữa…
Phía dưới nhao nhao:
Chữa bằng gì? Thuốc à? Hay chữa bằng bùa chú như ngày xưa…
- Mời thầy thuốc ngoài phố về ư? Thuốc ngoài phố có chữa được bệnh Yàng phạt không?
- Hay là đi mời thầy cúng bên M’tha?
Buôn trưởng Y Wen đứng lên dứt khoát:
- Không được mời thầy cúng nữa, không mê tín dị đoan nữa, cán bộ xã huyện đều bảo thế rồi. Phải mời thầy thuốc thôi!
Già làng Ma Noi im lặng. Mọi người cũng im lặng. Núi Chư Mang cũng im lặng như thể có một cơn bão sắp sửa tràn qua.
Hôm sau, đoàn bác sĩ từ ngoài phố kéo vào Kroa. Chiếc xe trắng toát đỗ ngay giữa sân chợ trống trơn. Từ trong đó bước ra những người trắng toát từ đầu đến chân. Trước hết, họ đến nhà Y Đoan. Bà mẹ già thấy người lạ vào thì lặng lẽ xuống thang đi tìm thằng cháu Y Kuk.
Bác sĩ bảo: Mẹ ơi, nhà mình ai bị bệnh, đâu rồi? Buôn trưởng Y Wen nói: Aduôn đi kiếm thằng Y Kuk về chữa bệnh! Bà cụ đi tìm khắp nhưng không thấy cháu. Đoàn bác sĩ sang nhà Mí Hoa. Mí Hoa nghe nói có bác sĩ về liền vạch bụi cây sau vườn trốn. Chị ngồi im trong đó hết cả buổi chiều vì sợ bác sĩ. H’Juil đang ngủ trong buồng thì nghe tin có bác sĩ về chữa bệnh. Chị ta hoảng hồn định bỏ trốn nhưng không kịp. Bác sĩ đã vào đến sàn ngoài. H’Juil miễn cưỡng bước ra. Bác sĩ đàn ông hỏi:
- Cháu bị thế này lâu chưa?
- Mới.
- Chính xác là từ khi nào?
- Tuần trăng trước.
- Khi bệnh phát cháu cảm thấy thế nào?
- Không thế nào cả, buồn cười thì cười, cười thì chảy nước mắt...
Y Wen nhắc:
- Em nói đúng, nói rõ để bác sĩ tìm cách chữa đó mà.
Bác sĩ hỏi tiếp:
- Còn cái ăn, cái ngủ, sinh hoạt thì thế nào, có bình thường không?
- Bình thường.
- Bình thường là sao?
- Là vẫn có ăn có ngủ có sinh hoạt...
Hỏi một hồi, trả lời một hồi, rồi mấy người ngồi quanh mở bút giấy ra ghi chép. Già Ma Noi chăm chú theo dõi bác sĩ chữa bệnh, vẫn không tài nào hiểu được họ hỏi như thế thì làm sao hết bệnh. Ông đánh liều lên tiếng:
- Thưa bác sĩ, hỏi và trả lời thì liệu có hết bệnh được không?
Tất cả các bác sĩ đều cười ồ khiến già lúng túng thật sự. Một bác sĩ giải thích:
- Còn phải khám, phải lấy mẫu máu, xét nghiệm nữa chứ!
- Thì tôi cứ hỏi thế!
Khi bác sĩ chích kim tiêm vào tay thì H’Juil khóc thét lên, nước mắt nó bắn ra như vắt chanh, dính loang lổ vào bộ áo trắng trước mặt. Một bác sĩ khác ghé chiếc ống nhỏ bằng ngón tay vào má H’Juil để hứng nước mắt nhưng không tài nào hứng được, đành thôi.
Sau đó, đoàn bác sĩ còn dạo quanh buôn một vòng, xuống tận ngòi nước, nhìn nhìn ngó ngó chán chê rồi mới trèo lên xe quay về. Khi chiếc xe khuất hẳn sau vạt cỏ dại bên đường rồi mọi người mới thấy Mí Hoa trong bụi cây sau vườn chui ra. Y Wen quát:
- Bác sĩ đến khám sao mí trốn?
- Tui có biết tại sao thì nói làm gì. Tui chỉ thấy sờ sợ thôi mà - Rồi cầm tay H’Juil, hỏi - Thế nào, bác sĩ bắt được bệnh trong người ra chưa?
Thấy có người cầm tay mình, H’Juil giật thót quay lại, thấy Mí Hoa, nó ôm chặt lấy. Hai ngươi ôm lấy nhau. Mí Len, H’Bia rồi H’Yao nữa, không biết chui từ trong bụi cây nào ra, chạy đến ôm lấy nhau, khóc rưng rức... Họ cứ ôm lấy cánh tay của nhau mà lắc mà giật. Già Ma Noi thấy vậy tất tả chạy theo chiếc xe trắng của các bác sĩ gọi lớn:
- Có nước mắt, có nước mắt rồi bác sĩ à...
Nhưng chiếc xe đã chạy khá xa nên không ai còn nghe được. Tiếng kêu tuyệt vọng của già làng lẫn vào đám bụi đỏ bốc lên mù mịt mà động cơ của chiếc xe vừa tạo ra và sau đó bị gió thổi bạt đi về bên kia núi...
Sau đó là nhưng ngày đợi chờ mòn mỏi. Mọi người đều hướng đôi tai mình về phía con đường dẫn vào buôn để chờ đợi tiếng động cơ của chiếc xe màu trắng. Mỗi lần nghe tiếng động cơ ì ầm vọng vào là mấy trăm lồng ngực đều dội lên nỗi lo lắng xen niềm hy vọng thấp thỏm.
Nhưng rồi chiếc xe trắng chở các thầy thuốc màu trắng xa lạ đã không còn ghé lại Kroa lần nào nữa trong suốt mùa nắng năm đó. Nóng ruột, Ma Noi giục Y Wen ra xã hỏi.
Y Wen đi về, cầm theo một tờ giấy, đứng ngay đầu buôn, dưới gốc Kơnia, đọc cho Ma Noi nghe: “Trung tâm y tế huyện... kính gửi xã... sau khi lấy mẫu phẩm... chúng tôi tiếp tục nghiên cứu... đề nghị bà con theo dõi, báo cáo...”. Nghe xong, Ma Noi nắm lấy cổ áo Y Wen quát lớn:
- Vậy là sao? Mày có hiểu nó nói gì không?
Y Wen tái mặt, lắp bắp:
- Tui cũng như già, nó nói vậy thì biết vậy, hiểu hiểu...
Ma Noi đờ đẫn buông tay ra, nói như người mất hồn:
- Thôi, ta về đi con!
Hai chiếc bóng lủi thủi đi về phía ngòi nước, phút chốc đã chìm khuất vào bóng núi Chư Mang đen thẫm.
Rồi qua những mùa nắng. Rồi qua những mùa mưa. Căn bệnh lạ ở Chư Mang bây giờ không còn lạ nữa. Người già, trẻ con đã quen với nước mắt màu xanh. Có điều, càng ngày, người Kroa càng ít khóc, và chính họ cũng không hiểu vì sao.
Cũng không ai còn để ý, đã từ lâu, trên núi Chư Mang, cây rừng đã bị đốn hạ nhiều, không còn màu xanh như cũ mà ngả sang màu đỏ thẫm, hoang liêu.
Truyện ngắn của
Nguyễn Văn Thiện
"Nước mắt màu xanh thẫm" được viết theo một giọng báo chí giả trang. Chính thủ pháp này khiến căn bệnh lạ siêu thực được đề cập trong truyện ngắn có một dáng vẻ hiện thực kỳ lạ. Điều này đã cứu được cái kết, thực ra là luận đề. Đỉnh cao của hư cấu là khiến những điều chỉ có trong giấc mơ trở nên hiện thực, chứ không phải là ở chỗ vòng vèo câu chữ. Nguyễn Văn Thiện sinh 1975, quê Anh Sơn - Nghệ An, hiện sống và viết tại Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. Đã xuất bản: "Nắng trước cửa thiên đường" (tập truyện ngắn, 2012). |