Văn Hiệp hài, Văn Hiệp cô đơn...
> Chuyện bây giờ mới kể về ‘trưởng thôn’ Văn Hiệp
> Nghệ sĩ đồng loạt ký đơn xin danh hiệu cho Văn Hiệp: Liệu có khả thi?
Thật đắng cay, chua xót cho người nghệ sĩ khi ông nói với con trai: "Nếu bố mà phải thở ôxy thì chỉ cắm hai lần rồi rút ra vì nhà mình không có tiền"...
Hơn 40 năm gắn bó với nghề tổ, nghệ sĩ Văn Hiệp cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật nước nhà ở hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh với hàng trăm vai diễn. Không chức phận, không danh hiệu, người ta gọi ông trìu mến là “bác trưởng thôn” sau sêri gặp nhau cuối tuần với hình ảnh một bác trưởng thôn thân thiết của người dân Việt Nam.
Nghệ sĩ Văn Hiệp. |
Sau một thời gian dài gắng gỏi giành giật sự sống từng ngày vì căn bệnh hiểm nghèo, cuối cùng người nghệ sĩ chân chính, chất phác ấy ra đi ở tuổi 71 để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho đồng nghiệp và người hâm mộ.
Đám tang của ông được tổ chức ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng vào một sáng trời Hà Nội trở gió se sắt lạnh, ngày 11/4. Trong năm chỉ có tháng tư là mùa của hoa loa kèn nở rộ. Loài hoa mang vẻ đẹp rất riêng, giản dị kiêu sa mà cũng không kém phần trong sáng và thuần khiết, ông ra đi cũng vào tháng này. Tháng của mùa loa kèn. Tự nhiên sau những gì biết về ông lại liên tưởng ông hệt như loài hoa ấy mang vẻ đẹp rất riêng, bình dị mà ấm áp, dịu dàng mà chói sáng. Quả thật, hiếm có nghệ sĩ nào lại được đồng nghiệp và khán giả yêu mến đến thế.
Ngay sau khi nghe tin ông mất, trên các trang mạng xã hội rất nhiều nghệ sĩ ở hai miền Nam - Bắc bày tỏ niềm thương tiếc khôn nguôi và hàng chục nghìn khán giả chia sẻ tình thương với ông bằng những lời lẽ chân thành nhất. Nghệ sĩ Văn Hiệp khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời hẳn ông không thể nào biết được biết bao người đã nhỏ lệ rưng rưng khóc thương người nghệ sĩ tài hoa có cuộc đời giông gió. Và biết bao người có một sự thương cảm đến xót xa người nghệ sĩ mà họ chỉ biết đến qua những vai diễn gần gũi, thân thương trên truyền hình chứ chưa bao giờ được gặp mặt ngoài đời.
Người nghệ sĩ ấy rời bỏ cõi thế để phiêu du vào cõi cực lạc để lại một khoảng trống cho đồng nghiệp với những bạn diễn đã từng làm việc cùng ông và cả những nghệ sĩ chưa từng có cơ duyên hạnh ngộ với ông, cùng với cả bao thế hệ khán giả. Không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được như thế và được yêu mến đến thế.
Nghệ sĩ Văn Hiệp thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (sau đổi thành Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội). Ông cùng khóa với NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Châu… Cuộc đời của nghệ sĩ Văn Hiệp không xuôi chèo mát mái như nhiều bạn diễn của mình cùng thời, ông lận đận cả về đường công danh sự nghiệp lẫn tình duyên dang dở.
Nhiều diễn viên khóa đầu của Trường Sân khấu năm đó cùng với ông đã thành danh và có chức phận với đời từ hồi còn rất trẻ. Ngay từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước lão đạo diễn nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang đã là "vua hổ" tung hoành ngang dọc tại các nhà hát trên mọi miền của Tổ quốc. Ông được tung hô và với vị thế đạo diễn lừng danh uy lực tuyệt đối tại các nhà hát những nơi ông đặt chân đến. Sau này về già, NSND Doãn Hoàng Giang đã có đến 4 nhiệm kỳ liên tục ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu.
Cố NSND Trọng Khôi người bạn cùng khóa với nghệ sĩ Văn Hiệp, có một thời gian dài cả hai đều công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngay khi cùng làm diễn viên trong một nhà hát, NSND Trọng Khôi đóng đinh mình vào những vai diễn lớn, bất di bất dịch là những vai chính trong các vở diễn của nhà hát thời kỳ khi ông còn làm diễn viên. Sau khi ông đóng vai Nghị Hách trên truyền hình thì tiếng tăm lừng lẫy như cồn và được khán giả truyền hình biết đến từ những năm đầu của thập niên 80.
Một vai diễn của nghệ sĩ Văn Hiệp trong phim “Một cụ tổ hiện hình”. |
Còn về chức phận, một thời gian dài sau này NSND Trọng Khôi có đến mấy nhiệm kỳ giữ chức Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Nghĩa là chức vụ to tột cùng của ngành sân khấu. NSND Doãn Châu người bạn vong niên với nghệ sĩ Văn Hiệp, người bạn gắn bó từ thời trai trẻ trong cùng một nhà hát với ông thì sau này giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Còn ông sau khi tốt nghiệp ra trường về đầu quân tại Nhà hát Kịch Việt Nam chứng kiến những người bạn diễn từ thời trai trẻ của mình lần lượt ra ghế quan trường hay từ lâu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, họ có cơ ngơi bề thế và không ít người có hạnh phúc viên mãn. Còn nghệ sĩ Văn Hiệp người nghệ sĩ bé nhỏ ấy vẫn cứ mãi những vai diễn phụ trong nhà hát. Những vai diễn chỉ thoáng qua trong thời lượng một vở kịch hai tiếng đồng đồ.
Chỉ mãi đến sau này khi về già, hay đúng hơn là những năm tháng cuối đời nhờ loạt sêri với tiểu phẩm hài vui nhộn, nghệ sĩ Văn Hiệp góp mặt cùng với thế hệ đàn em tạo nên những tràng cười nghiêng ngả trên màn ảnh. Hình ảnh một người đàn ông gầy gò, bé nhỏ, khuôn mặt chất phác đôn hậu, cử chỉ thân thiện đã lập tức chiếm cảm tình của khán giả. Cùng với đó là hàng trăm vai diễn trên màn ảnh, tất nhiên vẫn là những vai diễn phụ, nghệ sĩ Văn Hiệp quen mặt với khán giả truyền hình cả nước. Ông gây thiện cảm với khán giả qua lối diễn dung dị, khuôn mặt chất phác, hài hước.
Người ta biết đến ông là nghệ sĩ hài, người mang đến tiếng cười cho mọi người. Nhưng giờ ngẫm lại, cuộc đời ông là bi kịch đắng cay, thậm chí là đẫm lệ. Người nghệ sĩ lạc quan trong ông vẫn cất giấu niềm xót xa ấy để mang đến tiếng cười cho mọi người.
Người vợ của ông đi xuất khẩu lao động rồi không về, khi con trai đầu lòng của họ chưa đầy 10 tuổi. Hơn 20 năm ông gà trống nuôi con, một cậu con trai và một cô con gái. Họ chưa từng ly dị nhưng bằng bẵng mấy chục năm trời mang tiếng là người có gia đình, nhưng ông lại là người cô đơn nhất thế gian. Người vợ ở trời Tây xa xôi với hàng chục năm xa cách. Khoảng cách địa lý và khoảng trống về tình cảm như một lỗ hổng không thể nào lấp đầy. Cuộc hôn nhân của ông không trọn vẹn, tiếp đến là hai lần đổ vỡ trong hôn nhân của người con trai cả của ông mang về cho ông những đứa cháu côi cút.
Vì gần gũi với các con từ nhỏ, dòng máu nghệ sĩ đã đẩy cha con ông bén duyên với nghệ thuật. Nhưng rồi các con cũng chẳng có duyên với nghề mấy. Thuở thiếu thời cậu trai cả vào Nhà hát Tuổi trẻ công tác vài ba năm rồi rẽ bước sang ngạch khác giã từ nghiệp diễn. Nay cô con gái út của ông vẫn đi lồng tiếng cho phim. Một công việc không quá cực nhọc nhưng cát sê cũng chẳng mấy cao. NSƯT Lê Chức nói vui đó là nghề "bán giọng".
Người ta nói nghệ sĩ là những người dễ xao động, hay xao xuyến nhẹ dạ trước các bóng hồng. Vậy mà, kỳ lạ thay, sống trong môi trường nghệ thuật, lại không ít những người đàn bà hâm mộ tự nguyện dấn thân, nghệ sĩ Văn Hiệp tuyệt nhiên không hề có một điều tiếng gì. Ông cứ lầm lũi, cun cút chăm chút cho những vai diễn trên truyền hình và vun vén gia đình bé nhỏ từ lâu không có bóng dáng người vợ. Người ta thương ông mà cũng giận ông, nào phải chung tình đến thế. Hành xác mình ư? Tự làm khổ mình ư?
Trong căn phòng nhỏ tầng 3, nơi vỏn vẹn có 8m2 là một thế giới riêng của ông. Trong căn phòng bé nhỏ ấy có hai bức tranh của hai người phụ nữ. Một là vợ ông. Bức còn lại là con gái ông. Ông vẫn treo tranh ở vị trí trang trọng trong căn phòng chật chội ấy, để ngày ngày về đến nhà ông đối diện với bức tranh, đối diện với nỗi cô đơn cố hữu của người nghệ sĩ.
Trong những ngày cuối đời của ông, trên giường bệnh không biết ông có được an ủi phần nào không? Người vợ bay về bên ông một thời gian ngắn ngủi rồi lại bay đi. Sau khi ông mất, bà về chịu tang chồng khóc ngất rồi tha thiết kêu lên rằng: "Mặc dù xa nhau nhưng chúng tôi rất yêu nhau và hạnh phúc".
Nhiều đồng nghiệp làm việc với nghệ sĩ Văn Hiệp, họ thừa nhận ở ông tinh thần lạc quan và hết lòng với công việc. Ông là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng lại dung dị, không kiểu cách và màu mè. Dáng người gầy gò bé nhỏ, đôi mắt sáng tinh anh và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi hệt như một lão nông dân chất phác. Ngay cả khi về già, trong khi các bạn vong niên xưa lên xe xuống ngựa, vila biệt thự, oai quyền uy danh, ông lại vẫn rong ruổi với chiếc xe máy cũ đến phim trường. Hình ảnh ông già nhỏ bé lướt trên những con đường cả vào ngày hè nắng nóng, ngày đông giá lạnh và lẫn mình vào trong đêm khuya xa lắc mịt mùng có gì đó nao lòng. Người ta xót xa khi thấy ông lao động nghệ thuật nghiêm túc cần mẫn như một chú ong thợ vậy mà kinh tế gia đình chẳng dư giả gì.
Thật đắng cay, chua xót cho người nghệ sĩ khi ông nói với con trai: "Nếu bố mà phải thở ôxy thì chỉ cắm hai lần rồi rút ra vì nhà mình không có tiền". Ôi! đau đớn thay, khốn khổ thay! Một nghệ sĩ chân chính và đáng quý trọng làm việc lao lực từng ngày vậy mà vẫn sống trong cảnh túng quẫn. Hoàn cảnh hay số phận? Hay kiếp người nghệ sĩ tài hoa mà phận bạc? Ở nước ta có không ít những nghệ sĩ tên tuổi, tài hoa, cống hiến hết mình cho nghệ thuật mà những năm tháng cuối đời sống chật vật, thiếu thốn, thậm chí sống trong cảnh khốn cùng.
Trong con người ông biết bao nhiêu bệnh tật hoành hành, bệnh đường tiêu hóa, phổi, thận, dạ dày, đại tràng, trĩ… ông gắng gỏi quên đi những cơn đau hành hạ để toàn tâm toàn ý vào vai diễn. Tết vừa rồi, công chúng vẫn thấy gương mặt thân quen ấy trên truyền hình. Những tháng cuối đời, ông ở nhà vật vã trong những cơn đau của bệnh tật ác nghiệt. Các con ông bị ám ảnh khi trong gian phòng nhỏ, ông đã hét lên vì thân hình còm cõi bé nhỏ ấy không chịu đựng thêm được nữa cơn đau hành hạ.
Trong đám tang đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng, bạn bè và thế hệ nghệ sĩ sau này đã viết những dòng tâm huyết, lưu luyến vào cuốn sổ tang để tri ân với ông. Tin ông qua đời, gây nên một cơn sốt trên các trang báo mạng mấy ngày qua. Lúc đấy người ta mới biết: Ơ! Thì ra nghệ sĩ Văn Hiệp, “bác trưởng thôn quen thuộc” sau hơn 40 năm gắn bó cần mẫn với nghiệp diễn chưa từng có danh hiệu gì.
Chuyện đó nào quan trọng, bởi hơn hết, từ lâu, ông đã là người nghệ sĩ của nhân dân, được chính nhân dân bầu chọn. Giờ ông phiêu diêu vào miền cực lạc, yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh thân quen của ông luôn sống mãi trong lòng công chúng hâm mộ
Theo ANTG