> Chạy marathon từ Bắc Cực tới Nam Cực để quyên góp từ thiện.
Cuốn nhật ký Pole to Pole - One Man, 20 Million Steps do Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Hoàng Phong & Phạm Viêm Phương dịch, sách dày gần 410 trang khổ 15,3 x 23,3 cm. |
Bản tiếng Việt có tên Từ cực Bắc tới cực Nam - Một người, 20 triệu bước chân (NXB Thông Tấn, quý 4-2012) sẽ phát hành ngày 9-12 tới đây, khi Pat Farmer trở thành người đầu tiên của nhân loại thực hiện hành trình siêu ma-ra-tông từ Móng Cái đến mũi Cà Mau trong 40 ngày liên tục, mỗi ngày chạy khoảng 80 km.
“Tôi được sinh ra với một món quà - khả năng chạy những chặng đường dài nhanh hơn và có lẽ xa hơn bất kỳ người nào trên quả đất. Tôi sẽ là một gã ngu ngốc nếu không sử dụng nó”, Pat Farmer viết như vậy trong cuốn sách của mình.
Và nói là làm, ông đã từ bỏ con đường chính trị đang thênh thang (từng là đại biểu quốc hội Liên bang Australia; thư ký quốc hội cho Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Đào tạo), bán ngôi nhà cùng chiếc xe duy nhất để lấy vốn làm lộ phí.
Bởi lúc đó, chẳng ai tin ông có thể chạy bộ từ Bắc cực đến Nam, với 21 ngàn cây số cùng vô số gian lao do thời tiết, con người và dã thú.
Ông đã chạy một cự ly bình quân không thể tin nổi: 65 km mỗi ngày, có một số ngày chạy tới 100 km hoặc hơn. Hành trình sử thi này đã khiến ông đương đầu với những cơn bão tuyết, suýt mất mạng khi bị lạc trong những sa mạc nóng như thiêu đốt ở Peru, và phải lẩn tránh lũ gấu Bắc cực, rắn, cá sấu, những băng cướp vũ trang và bọn dân quân ác ôn.
Pat Farmer. |
Thật không thể tin được, ông đã lập một kỷ lục chạy mới cho Cực Nam trong khi đang bị dập vùi bởi những cơn gió hung hãn và nhiệt độ -40 độ C.
“Vì sao tôi chạy? Tôi chạy vì tôi cần cống hiến cho nhân loại. Một số người sử dụng bộ não hay tài năng sáng tạo của mình để giúp người khác; tài năng của tôi là chạy đường trường. Tôi luôn chạy vì một mục đích tốt đẹp. Cuộc chạy từ cực này tới cực kia của tôi không phải vì mục đích trở thành một kẻ tử vì đạo hay một anh hùng; tôi chỉ có một nhu cầu bẩm sinh là tạo ra sự khác biệt trên địa cầu này. Cha mẹ tôi và người vợ quá cố của tôi là một tấm gương sáng cho tôi; họ luôn giúp đỡ người khác. Có lẽ tôi làm điều này xuất phát từ cảm giác tội lỗi vì đang sống một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi trong một đất nước nhiều đặc quyền đặc lợi, hay vì những tội lỗi mà tôi đã phạm. Bất kể nguyên do thật sự là gì, đây là điều tôi đang thực hiện”, Pat Farmer viết.
Cuốn sách đặc biệt này không chỉ lôi cuốn vì văn phong súc tích, hấp dẫn, mà còn mô tả cho chúng ta thấy tiềm lực và ý chí của con người.
Rất nhiều lần trong hành trình, Pat Farmer đã muốn ngã quỵ, muốn dừng lại, nhưng rồi ông đã tự chiến thắng bản thân để vượt qua mọi hoàn cảnh.
Nói nôm na, sau khi đọc sách, chúng ta sẽ thấy rằng, điều gì mà Pat Farmer làm được thì nhiều người cũng làm được, miễn sao chúng ta có đủ quyết tâm.
Tuy cuộc chạy phi thường đã biến một nghị sĩ nhà cao cửa rộng đến cảnh ở nhà trọ cùng hai con nhỏ, vợ mất vì đột tử, nhưng bù vào đó, số tiền mà ông giúp các Hội Chữ thập đỏ quyên góp là rất đáng kể.
Sau cuộc chạy, đã có vô số cư dân nghèo, đặc biệt trẻ em được cứu sống hoặc giúp thoát khỏi bệnh dịch nhờ hệ thống nước sạch.
“Cuộc chạy từ cực này tới cực kia của Pat Farmer chắc chắn là một trong những kỳ công kéo dài nhất trong lịch sử loài người, và điều khiến cho những nỗ lực của Pat càng đáng tuyên dương hơn nữa là những nguồn quỹ mà ông kêu gọi được. Cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn cho nhiều ngàn người đang sống trong các cộng đồng đói nghèo và bị tàn phá trên khắp thế giới”, nhà báo Karl Stefanovic nhận định.