Đôi mắt Khánh Ly - đôi mắt người Sơn Tây

Khánh Ly - Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh
Khánh Ly - Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh
TP - Mấy hôm nay, tôi cứ lẩm nhẩm hoài câu hát ru đời đi nhé. Đời đầy nỗi buồn, đời lắm ân thù, đời dai dẳng câu hỏi ta sinh ra làm gì…Nhưng đời vẫn đẹp, đẹp với cả kẻ tội đồ sắp lên ngọn đầu đài. Vì ngay kẻ tội đồ ấy, vẫn còn tương lai, dù chỉ vài ngày.

> Muốn nổi, cứ vin vào Trịnh Công Sơn
> Khánh Ly có thể không diễn tại Việt Nam

Không phải tôi đang chán đời. Mà bởi tôi triền miên với giọng hát Khánh Ly cả ngày. Nghĩ tới ngày tiếng hát ấy sẽ cất lên giữa Hà Nội, sẽ rải nỗi buồn rồi thổi gió cuốn đi. Lần đầu tiên, biết đâu cũng là sau cuối…

Khánh Ly hát tiếng Việt đẹp rợn người. Thứ tiếng Việt tròn, vang như chuông khánh. Giữa cuộc sống hối hả cơm áo gạo tiền, giữa bao quanh những câu chào tiếng hỏi tưởng thân tình mà xa lạ, còn gì ấm hơn khi Khánh Ly ru ta từng ngón xuân nồng?

Chẳng biết có phiến diện hay không, nhưng tôi thấy trong các cộng đồng gốc Á ở Mỹ, người Việt ta rất lười giữ gốc. Cứ cho rằng vì người Việt năng động, hòa nhập nhanh với đời sống Mỹ.

Hãy nhìn người Nhật, người Trung Quốc, người Ấn Độ. Họ giữ tiếng nói, giữ bản sắc giỏi hơn chúng ta nhiều.

Ở trường mẫu giáo của con gái tôi, các bà mẹ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trò chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ. Còn con cái của bạn tôi, ngay cả những đứa sinh ra lớn lên ở Việt Nam cũng không còn nói được tiếng Việt.

Thì Khánh Ly, hay Khánh Hà, Ý Lan… ngày ngày ru ta những câu hò tiếng hát thấm đẫm tình quê, có đáng được tưởng thưởng?

Mười ba tuổi, tôi mới “ biết” Khánh Ly. Khi lên thành phố, vào trung học. Tôi còn nhớ, đó là bài “Ca dao mẹ”. Mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn… Lạ lắm.

Giọng hát như từ trời rót xuống, như từ đâu đó ngàn năm dội về. Dù thực chất là chiếc băng cát-xét xọc xạch. Tất nhiên, một phần vì nhạc Trịnh, vì ca từ quá đẹp. Đứa bé 13 nín lặng nghe, hồn bay theo bài hát.

Tới bây giờ, Ca dao mẹ vẫn là bài tôi thích nhất của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly. Tối qua, tôi cho con gái 5 tuổi nghe bài hát. Được vài câu, bé phán: Con nghe được cô này hát! Cảm ơn Trịnh Công Sơn, cảm ơn Khánh Ly đang giúp con tôi “biết” Việt Nam.

Có nhiều chuyện tế nhị của những người trong nước và của cả Khánh Ly cùng người Việt hải ngoại, mà từ ngày rời Tổ quốc, giọng hát bà cũng tắt trên quê hương.

Dù ngày ngày, khắp mọi nơi, tiếng hát ấy vẫn ma mị kể về tình yêu, sự chết, nỗi thống khổ kiếp người từ băng đĩa. Chỉ là băng đĩa.

Khánh Ly còn sống, còn hát, sao chúng ta không xem bà tận mắt, không nếm giọng ca ấy tươi nguyên? Nghe đâu cũng có hai lần bà trở về, nhưng tiếc thay, chỉ để thăm người thân, thăm hàng cây con đường, để thấy em ra đi nơi này vẫn thế.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có thể nói là cặp đôi huyền thoại của nhạc Việt. Một người đã nằm xuống, một người bàn tay không còn những ngón xuân nồng.

Năm tháng đang dần diễm xưa, hiện tại sáo rỗng, tương lai nhập nhòe cho nhạc Việt.

Vậy Khánh Ly ơi, hãy hát thật say, ca thật tình, thổi thật nồng những lời du dương cho người già em bé trên quê hương. Quên đi ngăn trở, khác biệt, chỉ là nghệ sĩ, nhắm mắt trải thêm men say vào bao tâm hồn đồng điệu.

Nói đến mắt, mới nhớ Khánh Ly có đôi mắt thật đẹp. Rồi chợt nhớ, bà sinh ở Hà Nội nhưng quê bố ở Sơn Tây, và sau này hát rất hay bài Đôi mắt người Sơn Tây nhạc Phạm Đình Chương phổ thơ Quang Dũng.

Đúng là đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc. Sâu nhức mắt, buồn đau lòng. Hợp với giọng của bà, và hợp nhạc Trịnh. Nghe bà hát, thấy cả một trời buồn. Nhìn mắt bà, thấy mặt đất thấm mưa.

Gần đây, có người cho rằng nhạc Trịnh ảnh hưởng tiêu cực đến người nghe vì bi quan, ảm đạm, đầy âm khí. Không phải người đó không có lý. Nhưng thời đại nào anh hùng đó.

Cái thời máu lửa, chết chóc, đầy âm khí có là lẽ thường? Tôi đồ rằng tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm ấy không thể khác đi được, nên đã âm thầm rải đau thương vào từng nốt nhạc.

Và Khánh Ly, bắt sóng được những đau thương ấy, cất lên thành tiếng liêu trai, thành ca dao mẹ, để bao nhiêu năm nay, tôi ru em ngủ từ mùa đông đến mùa hạ, mãi chưa ngừng.

Cứ cho rằng, chiến tranh đã lùi xa, nhưng cái kiếp nạn loài người thì vẫn còn đó. Sinh ra làm người đã là kiếp khổ. Và tôi cho rằng Trịnh Công Sơn - Khánh Ly chưa và sẽ chẳng bao giờ lỗi thời.

Lại có người nói nhạc Trịnh đơn giản quá, giọng Khánh Ly mộc mạc quá, đại khái là tính nghệ thuật không cao. Tôi đồ rằng chưa chắc những người ấy đã hiểu thế nào là nghệ thuật đích thực. Bởi đơn giản mà hay thì bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong hướng tới. Người thân tôi, một anh Tây, cực mê Khánh Ly.

Anh ta khoái nghe những ca khúc Da vàng, đến độ đã có lúc tôi phát chán. Biết Khánh Ly hát ở San Jose, anh ta năn nỉ tôi làm cách nào đó để gặp bà. Tôi đành nhờ một người bạn nhà văn thân với Khánh Ly “dắt mối”.

Sau buổi gặp, anh ta luôn miệng: Khánh Ly đẹp, hát hay và rất giỏi. Tôi hỏi giỏi thế nào. Anh ta bảo vì bà có thể làm chủ giọng hát của mình bất cứ lúc nào, có thể làm chủ bất cứ ca khúc nào ở mọi không gian.

Người nghe hoàn toàn đắm chìm vào thế giới mà âm nhạc mở ra, không cần phải băn khoăn ca sĩ này hát hay hát dở, nhạc ông này cũ hay mới. Khánh Ly không hề kinh qua trường âm nhạc nào, nhưng bà làm được điều đó.

Bây giờ đã tháng Mười. Chạm cuối năm. Chim sơn ca sắp trở về, hót vang nỗi nhớ thương, mong đợi. Có hàng triệu người trên quê hương đã nghe bà hát nay muốn xem bà hát.

Cả bà và người hâm mộ đều nặng nợ ân tình. Thôi thì Khánh Ly, bà cứ ru đời đi, như bao năm nay bà đã từng ru cho người Việt trên khắp thế giới, rồi biết đâu... Biết đâu đôi mắt người Sơn Tây, sẽ thôi buồn viễn xứ khôn nguôi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG