Phim nhân học giúp chia sẻ

Phim nhân học giúp chia sẻ
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­TP - Tại TPHCM sắp diễn ra một sự kiện đặc biệt - Festival quốc tế phim nhân học lần thứ nhất. Vậy phim nhân học là gì? Ở Việt Nam ai theo đuổi dòng phim này?

> Lễ hội phải vừa vui, vừa có lãi

PGS.TS.Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Trưởng ban điều hành Festival phim quốc tế này (diễn ra từ 10 đến 14 tháng 11 năm 2012) trao đổi cởi mở với TPCN.

Thưa ông, phim nhân học đối với công chúng Việt có vẻ như còn rất lạ lẫm, đây là phim tài liệu hay phim nghệ thuật, hay một thể loại hoàn toàn mới? Rất mong ông có thể cho bạn đọc biết đôi chút về thể loại phim này?

Phim nhân học (hay còn gọi là phim dân tộc học) đã có nhiều biến đổi so với thời kỳ đầu. Tuy nhiên, dù có sự biến đổi, phát triển thế nào thì loại phim này vẫn còn lại những đặc điểm căn bản của nó, đó là thể loại phim tài liệu (tức là không hư cấu- No fiction Film) về những nền văn hóa khác nhau trên hành tinh này hoặc về những tiểu văn hóa của các nhóm xã hội trong xã hội hiện đại.

Nhưng, nếu thiếu đi yếu tố nghệ thuật thì phim nhân học chỉ còn lại là những mớ tài liệu khô cứng, chỉ làm tài liệu minh họa cho các nhà nghiên cứu thôi, nó không tác động được đến tình cảm của công chúng và như vậy thì nó mất đi một chức năng căn bản của mình là: chia sẻ cảm xúc.

Những cảnh quay chân thực, sống động với giọng điệu của chủ thể (thay vì lời bình), những kỹ thuật cũng đồng thời là nghệ thuật quay/ dựng phim, những kết cấu tính kịch cao trong phim… đã làm nên điều đó.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một Festival quốc tế về phim nhân học. Hoạt động này diễn ra trên thế giới như thế nào?

Hầu hết các nước châu Âu, Mỹ đều đã tổ chức những festival phim nhân học/dân tộc học định kỳ và mỗi quốc gia không chỉ có một mà là nhiều festival nhân học.

Đầu tiên phải kể đến các festival tầm cỡ quốc tế mang tên của những nhà nhân học hay những nhà làm phim nhân học vĩ đại như Festival mang tên Magared Mead (ở Mỹ) hay festival mang tên Jean Rouch (Pháp), tiếp đó là festival ở những trung tâm đại học lớn như như Goetingen, Muenchen (Đức), Manchester (Anh quốc) và hiện nay rất nhiều trường đại học hay viện dân tộc học của nhiều nước, thậm chí có cả tư nhân (như Yunfest - Vân Nam, Trung Quốc) cũng đã tổ chức những festival như thế này.

Vì sao công việc này cho đến nay mới được quan tâm tại Việt Nam? Liệu như vậy có phải là quá muộn?

Việt Nam đến bây giờ mới có thể tổ chức festival phim nhân học lần đầu kể ra cũng hơi muộn, tuy nhiên chắc chắn chúng ta cũng chưa phải là nước cuối cùng làm được điều này.

Thực ra, muốn tổ chức được một festival như thế này, chúng ta cũng không thể sốt ruột mà phải đợi đến khi hội đủ một số điều kiện chủ quan/khách quan mới có thể làm được, ví dụ như lực lượng làm phim nhân học của Việt Nam phải tương đối phát triển, phải có tầng lớp công chúng của thể loại phim này, phải có được sự ủng hộ của các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa.

Trong những năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam với sự hỗ trợ của quỹ Ford đã đào tạo được một thế hệ làm phim nhân học trẻ và họ đã có những tác phẩm đầu tay của mình.

Chúng ta cũng đã có những nhà làm phim độc lập – phần lớn là người trẻ - như chị Nguyễn Trinh Thi, chị Phan Ý Ly, anh Nguyễn Trường Giang, hay viện Goethe cũng đã hỗ trợ để vận hành một trung tâm đào tạo các nhà làm phim tài liệu trẻ… vv.

Môn nhân học hình ảnh cũng đã được giảng dạy ở một số trường đại học như Đại học KHXH&NV (cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh và sinh viên ở các trường này đã có quá trình làm quen và yêu thích thể loại phim này.

Chủ đề của Festival lần này là “Xã hội hiện đại và các tiểu văn hóa”. Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “các tiểu văn hóa”? Cụ thể, chủ đề này được cụ thể hóa thành các phim như thế nào?

Trong các xã hội hiện đại với sự phân tầng mạnh, các nhóm xã hội bị chia tách, họ không hiểu về nhau, không có sự cảm thông lẫn nhau.

Đặc biệt là những “nhóm thiểu số” (là những nhóm có địa vị chính trị kinh tế và xã hội thấp, ở các nước phát triển là các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm vô gia cư, các nhóm nhập cư, nhóm đồng tính…), họ có lối sống và văn hóa đặc thù của mình, tuy nhiên, họ không có điều kiện để nói lên tiếng nói của mình, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Phim nhân học giúp họ chia sẻ cho các nhóm xã hội khác những nét văn hóa riêng biệt của mình, kể cả những tâm tư sâu kín nhất. Ở ta, đã có nhiều bộ phim về những người nông thôn ra thành thị làm nghề đồng nát, hay làm công nhân khu công nghiệp, phim về giới đồng tính, hay phim về nhóm nghệ sỹ đương đại .v.v.

Ảnh phim “Một ngày của người đồng nát” đạo diễn Lê Tuấn Hưng và Trần Văn Hiếu
Ảnh phim “Một ngày của người đồng nát” đạo diễn Lê Tuấn Hưng và Trần Văn Hiếu.

Xin ông cho nhận xét chung về các phim tham gia lần này? Có bao nhiêu quốc gia và bao nhiêu phim tham gia?

Festival chưa diễn ra nhưng chúng tôi đã cảm thấy phần nào đó sự thành công của nó. Trước hết là số lượng phim được gửi đến là khá lớn (67 bộ phim) và từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Mỹ, Đức, vương quốc Anh, Úc, Nhật, Trung Quốc, Nauy, Italia, Irland, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Serbia, Rumania, Estonia, Nepal, Indonesia).

Tiếp đến là sự đa dạng của đề tài và phong cách làm phim, điều này rất bổ ích cho việc học hỏi của các nhà làm phim Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là trong thời buổi kinh tế khó khăn như vậy mà có 22 nhà làm phim quốc tế đã bỏ tiền ra để mua vé máy bay sang với festival. Theo tôi, lần đầu tiên ta tổ chức mà được như vậy là rất thành công.

Dĩ nhiên không thể không nhắc đến các phim của VN tham gia liên hoan, ông có thể giới thiệu?

Lần này, có 15 nhà làm phim Việt Nam gửi 18 phim để tham dự festival. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì số lượng phim Việt Nam được Cục Điện ảnh cấp phép chắc sẽ ít hơn con số này.

Như vậy đã tồn tại một nhóm những người làm thể loại phim này nhưng công chúng rất ít biết đến? Ông có thể cho biết tại sao?

Cũng còn tồn tại ở đâu đó, thậm chí cả ở những người làm điện ảnh, một quan niệm chưa chính xác về phim nhân học.

Ví dụ, có người còn cho rằng, loại phim này toàn do những người không chuyên về điện ảnh làm, không có chất lượng nghệ thuật hoặc phim loại này toàn nói về những nhóm xã hội dưới đáy, nhân vật nói năng tục tĩu, không có tính tư tưởng cao.v.v.

Chính vì vậy, ngoài giới đại học, loại phim như thế này ít được phổ biến, nhất là trên các kênh truyền hình.

Ông dự đoán sự đón nhận và phản ứng của công chúng VN ra sao? Khi nó là một thể tài mới, cách tiếp cận mới, liệu có quá khó khăn với những người làm? Vai trò của nhà nước hay của các tổ chức xã hội trong việc phát triển loại hình này ra sao?

Chắc chắn là loại phim này hiện nay sẽ chưa thể có nhiều khán giả ở nhiều tầng lớp khác nhau được. Vì thế, mục đích đầu tiên của festival mà chúng tôi đặt ra là phát triển khán giả, trước mắt là sinh viên, giới nghệ sỹ và trí thức, sau đó mới đến học sinh và các tầng lớp khác. Cũng vì thế mà chúng tôi đặt các điểm chiếu chính tại các trường đại học và không bán vé.

Để phát triển khán giả và kích thích sự ham mê làm phim nhân học của giới trẻ, một lần làm festival như thế này sẽ không bao giờ tạo được hiệu quả lâu dài.

Vì thế, hiện nay, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của nhà nước (thông qua sự khuyến khích các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội có sáng kiến làm festival như thế này) để Việt Nam chúng ta có thể có nhiều lần, nhiều festival hơn nữa.

Xin cảm ơn ông.

Festival có 67 bộ phim từ nhiều nước khác nhau trên thế giới tham gia (Mỹ, Đức, vương quốc Anh, Úc, Nhật, Trung Quốc, Nauy, Italia, Irland, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Serbia, Rumania, Estonia, Nepal, Indonesia). Đề tài và phong cách làm phim rất đa dạng. Có 15 nhà làm phim Việt Nam gửi 18 phim để tham dự festival.

 

Lê Anh Hoài

Cố gắng tìm hiểu và diễn giải các văn hóa

Ảnh phim kinh điển” Nanook của phương Bắc”, đạo diễn Robert J Flaherty
Ảnh phim kinh điển” Nanook của phương Bắc”, đạo diễn Robert J Flaherty.

Khởi thủy của phim nhân học là từ Nhân học (Anthropology) - Một ngành khoa học quan trọng bậc nhất trong các khoa học xã hội và nhân văn hiện đại.

Thuật ngữ Nhân học ở Việt Nam luôn có vẻ như là mới mẻ, nhiều người nhầm tưởng đó là một ngành khoa học mới, nhưng thực ra nó đã có một lịch sử rất lâu đời.

Phim nhân học (hay phim dân tộc học) thời kỳ đầu tiên thường là sự mô tả sống động những bối cảnh văn hóa, những hành vi, những phong tục kỳ lạ của những tộc người hay những nhóm người mà văn hóa của họ được coi là “man dã” hay xa lạ với văn hóa phương Tây.

Một loạt phim của thời kỳ này như “Nanook của phương Bắc” (Đạo diễn Flaherty), hay sery phim về người Cung ở Tây Phi của J. Marshall, hay bộ phim “Chim chết” của R. Gardner.v.v. đã trở thành những bộ phim tài liệu kinh điển “hay nhất mọi thời đại”.

Tuy nhiên, ngày nay, không còn nhiều những bộ phim mà các nhà làm phim (đồng thời cũng là các nhà nhân học) dấn thân để thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa của những người “khác” và ghi hình.

Bởi quan điểm nghiên cứu của nhân học đã thay đổi, nó cố gắng nhiều hơn trong việc tìm hiểu và diễn giải các văn hóa (ở ngay những xã hội đương đại) trong sự vận động và bằng chính cái nhìn của chủ thể văn hóa ấy.

Vì vậy, các đề tài trong xã hội hiện đại như di cư, nhập cư, đồng tính, các nhóm nghèo, biến đổi văn hóa.v.v.. đang trở nên phổ biến ở hệ thống phim nhân học ngày nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG