'Không có Eva' có cảnh nóng kín đáo

'Không có Eva' có cảnh nóng kín đáo
TP - Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết, "Không có Eva" có cảnh nóng, nhưng cảnh nóng không phải mục đích, không phải là cách để đề cập sự trần trụi...

> Phim tư nhân áp đảo Cánh diều

Đạo diễn Nhuệ Giang chỉ đạo tại phim trường Không có Eva. Ảnh: HD
Đạo diễn Nhuệ Giang chỉ đạo tại phim trường Không có Eva. Ảnh: HD.

Vẫn kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập, chưa biết "Không có Eva" có mang lại thành công cho nữ đạo diễn Nhuệ Giang như Thung lũng hoang vắng hay không, nhưng thách thức không nhỏ: kinh phí thấp, chẳng những làm không lương mà Nhuệ Giang cùng đồng nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải dốc tiền túi để thỏa mãn đam mê nghề. 

Đi trên dây cùng nhân vật

Nghe nói “Không có Eva” được làm trần trụi lắm? Có thể hiểu “trần trụi” theo nghĩa đề huề cảnh nóng chăng?

(Cười). “Trần trụi” nghĩa là nói về hiện thực cuộc sống một cách thực nhất. Phim có nhiều tình huống trái khoáy. Còn cảnh nóng ư? Cũng có. Nhưng cảnh nóng không phải mục đích, không phải là cách để đề cập sự trần trụi. Nếu có cảnh nóng thì cũng rất kín đáo, không lộ liễu chút nào.

Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Quang Lập thường tạo ra những tên phim khá gợi như “Thung lũng hoang vắng”, “Đời cát”... Còn phim này lại có mùi thị trường?

Vẫn là phim nghệ thuật thôi.

Trước đây kịch bản bị chê có phần u ám, tiêu cực. Giờ lên phim chị có sửa đổi kịch bản không?

Sửa đổi rất nhiều vì kịch bản viết đã khá lâu rồi, từ năm 2003. Có tuyến nhân vật giữ được nhưng có tuyến phải thay đổi cho hợp với cuộc sống hiện nay.

Thí dụ, có những chi tiết đơn giản như xích lô thì bây giờ không thể phù hợp được, phải thay. Rất nhiều những vấn đề thuộc về xã hội, về nhân vật, sau nhiều năm cũng cần điều chỉnh để chúng hoàn hảo về mặt điện ảnh hơn.

Như bản thân tôi theo thời gian cũng thay đổi rất nhiều, cho nên không thể giữ nguyên kịch bản như cũ được.

Đạo diễn Nhuệ Giang
Đạo diễn Nhuệ Giang.

Chị vẫn giữ cái kết như trong kịch bản?

Vì những tình huống thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi dây chuyền. Nhưng kết thúc cuối cùng vẫn là sự trở về của đôi vợ chồng. Họ như bị lạc nhau trong đời sống thành thị thực dụng, cuối cùng vẫn tìm về với nhau, sau khi nếm trải những bi kịch.

Những chuyện như làm gái điếm trong kịch bản sẽ được xử lý như thế nào khi lên phim?

Trong phim không có cảnh gái điếm đâu. Tôi không khai thác chi tiết cô ấy bị lừa rồi trở thành gái điếm. Nhân vật của tôi chủ động hơn trong sự việc, chứ không phải như nạn nhân.

Chị tự tin vào dàn diễn viên chưa tên tuổi trong phim?

Chọn diễn viên trước hết phải phù hợp với nhân vật. Quan trọng là chọn được diễn viên có hình thức, cá tính làm bật ra được hình ảnh người nông dân cục mịch, thô ráp, chứ không trông chờ siêu sao.

Chị có thể bật mí bối cảnh quay chủ yếu?

Chúng tôi chọn Hà Nội. Bởi phim này đặc sệt đời sống thành thị của những người giàu và hoàn cảnh sống của những người nông dân nhập cư vào Hà Nội.

Những bộ phim do Nguyễn Quang Lập giữ vai trò tác giả kịch bản thường tạo tiếng vang lớn. Bản thân nhà văn rất tự tin vào thành công của “Không có Eva”. Còn chị có chắc phim này sẽ lại là một “Thung lũng hoang vắng”nữa?

Tôi thấy tất cả người viết đều tự tin vì chủ quan của họ đều lớn.Còn tôi không dám chắc. Tôi muốn làm cái gì đó của đời sống ngày hôm nay, đối với tôi cũng là thách thức. Ranh giới tốt, xấu của các nhân vật cũng rất mong manh, khiến tôi có cảm giác đi trên dây.

Tôi không muốn bôi xấu nhân vật, cũng không muốn làm đẹp nhân vật. Tôi muốn xây dựng đời sống nhân vật phức tạp, muốn khán giả hiểu được đời sống nội tâm của họ.

Và tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình, không ngoảnh lại thành công trước. Bởi thành công trước qua rồi. Tôi mong muốn thay đổi nhưng không biết sự mong muốn thay đổi có là một giá trị không?

Có bạo lực, có cảnh nóng

Kinh phí cho “Không có Eva” có rộng rãi không?

“Không có Eva” được sản xuất dưới cái tên Hãng phim truyện Việt Nam, thực chất có thể hiểu là một bộ phim do tôi làm từ kêu gọi tài trợ lẫn vận hành. Đạo diễn Thanh Vân, chồng tôi vẫn sát cánh bên tôi với vai trò giám đốc sản xuất.

Kinh phí khó khăn vì chúng tôi không xin được tiền tài trợ từ phía Việt Nam, chỉ có hai quỹ nước ngoài tài trợ khoảng 2 tỷ đồng, số tiền chưa đủ cho một bộ phim làm tại Việt Nam.

Ở thời điểm này, mỗi phim trung bình ngốn khoảng bốn tới năm tỷ đồng. Bản thân những người làm phim không có lương, thậm chí còn phải đi huy động thêm vốn để hoàn thành phim.

Bao giờ khán giả được xem phim?

Cuối năm nay có thể có phim. Chúng tôi đã quay gần xong nhưng phần hậu kỳ khá mất thời gian.

Khi làm phim này chị hướng tới giải thưởng hay hướng tới công chúng?

Hay cứ làm với đam mê?

Phim nào tôi cũng có kỳ vọng. Không có Eva theo tôi cũng có nhiều hấp dẫn. Có cả bạo lực, có cảnh nóng.

Ngoài ra tôi cũng cố gắng làm theo quan điểm, suy nghĩ của mình về nghề nghiệp. Chắc chắn nó không phải dòng phim thị trường chỉ đơn giản thỏa mãn khán giả, nó vẫn là dòng phim nghệ thuật.

Có cảnh nóng, liệu có cấm khán giả dưới 16 tuổi không?

Như tôi đã nói, tất cả những cảnh nóng đều không lộ liễu.

Không có Eva kể về cuộc sống của những con người cùng khổ. Nhân vật chính (Thắm) rời quê ra thành phố kiếm sống, bị lừa gạt và rơi vào con đường lưu manh.

Người chồng (Quỳ) lên phố tìm vợ, cuộc sống mưu sinh cũng khiến anh ta đứng giữa ranh giới lương thiện và lưu manh. Sau bao nếm trải, cuối cùng đôi vợ chồng cũng gặp lại nhau, người chồng tha thứ cho vợ, vì anh cần có cô.

Theo đạo diễn Nhuệ Giang, kịch bản sẽ được chỉnh sửa cho gần gũi với hơi thở cuộc sống hôm nay và hoàn hảo hơn dưới góc nhìn điện ảnh.

 Hồng Diệu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG