Lá bùa

Lá bùa
TP - Năm đó, khi mẹ tôi ốm nặng qua đời, cha đã mời một ông đạo sĩ đến làm bùa phép cho linh hồn mẹ tôi được siêu thoát, trên thực tế chỉ nhằm mục đích làm sao để cha có thể dẫn người đàn bà khác về ở được luôn. Cha gọi ông ta là thầy Ứng.

> Thành phố màu đại dương

Nghe nói quê ông ở tận mãi bên Thái gì gì đó, nhưng mà ông cũng chẳng có nhà, cứ đi suốt như thế, khắp nơi. Ông ta trạc tuổi cha tôi, râu che kín miệng, những ngón tay dài trắng nẫu, lời nói thì dẻo quẹo, rất được lòng cha tôi.

Ít ngày sau đó, người đàn bà đến ở đêm trước thì trưa hôm sau ông Ứng đi, Cha khiêm tốn, kính cẩn tặng ông thầy một “món quà nhỏ” theo như gợi ý của ông ấy, món quà đó chính là tôi - 16 tuổi, ngơ ngác, bất cần.

Mẹ mất, tôi không còn thiết sống nữa, phó mặc cho dòng đời xô đẩy, dù sao những ngày tháng sống với cha cũng chẳng sung sướng gì, tôi hận cha đến tận xương tủy.

Ông Ứng đưa tôi đến một nơi xa ánh sáng mặt trời, như thể giúp tôi chạy trốn cũng như thể đày tôi đến chỗ cùng cực. Tôi ở cái nơi tăm tối đó, chết mòn.

Khoảng thời gian đằng đẵng ông chỉ tạt về dăm bảy lần, tôi không quan tâm đến chuyện đó cũng như không bận tâm về bất cứ điều gì. Chỗ tôi ở cơ man nào là chai lọ, là những hình thù động vật nhân tạo bé tí đen trùi trũi, chẳng biết dùng để làm gì.

Tôi quen với sự cô đơn, với những cái bóng câm lặng ở đây. Có một người đàn ông nhiều tuổi, dáng nhỏ thó thường chỉ đạo chúng tôi bằng cái hất cằm, chỉ tay.

Ông Ứng lần lượt mang về ba cô gái nữa, cũng ngơ ngác và câm lặng. Mãi sau này tôi mới phát hiện ra cái bí quyết nghề nghiệp của ông ta từ miếng gỗ sần sùi nơi bàn thờ, câu đó dịch đại loại là: Gái trinh giữ nhà, phép màu mới linh.

22 tuổi, tôi ấp ủ ý tưởng cho một vùng đất mới. Hứa là sau hai năm sẽ về báo cáo kết quả tốt đẹp với mẹ. Tôi nhận một khu đất rộng mênh mông. Cách nhà tôi rất xa.

Tôi bắt tay vào công việc, từ những cây, những con rồi nhân dần lên, có vất vả, có thất bại ít nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ và không ngừng nuôi hi vọng về một sự thành công đáng kể, màu xanh sẽ phủ kín mảnh đất này, tôi đang bước đầu làm được điều đó.

Một chiều muộn, khi đang lúi húi tưới tắm cho cây màu thì có hai người lạ đến, lần đầu tiên có người xin ngủ nhờ qua đêm như thế vì đây là một vùng gần như tận cùng xa xôi.

Ông đạo sĩ trông như một lão phù thủy, những câu phát ra từ miệng ông cảm tưởng như lan ra không khí ám vào cây cỏ làm vợi đi sự tốt tươi. Còn cô gái rất trẻ, gương mặt thánh thiện nhưng rất đỗi u sầu.

Đêm, tôi đốt đống lửa, mời khách thưởng thức gà đồi nướng. Đạo sĩ ít nói, cô gái không nói một tiếng nào, lẳng lặng làm y lời ông ta. Sắp xếp chỗ ngủ cho khách xong xuôi, tôi lăn ra ngủ ngon lành sau một ngày lao động mệt nhọc.

Nửa đêm bất chợt tỉnh giấc vì tiếng lầm rầm, ri rỉ. Tò mò tôi ghé mắt nhìn, ông đạo sĩ hai tay ấn lên đầu cô gái đang ngủ ngồi, miệng ông ta vừa lẩm bẩm vừa hà hơi.

Mặt cô gái biến sắc, nhăn nhó khó chịu. Có một cái gì đó mách bảo tôi rằng cô đang gặp nguy hiểm, cần tôi giúp, thế là tôi lao đến.

Ông đạo sĩ đột ngột dừng lại, quắc mắt nhìn tôi tức tối. Cô gái tỉnh lại sợ hãi thu người vào một góc. Ông ta nói tôi đã phá hủy phép linh mà ông đã mất bao công sức, ông rít qua kẽ răng rằng sẽ trừng trị tôi, bắt tôi phải trả giá.

Rồi ông vừa lẩm bẩm vừa ném về phía tôi vật gì đó đen đen, ngay lập tức kéo phắt cô gái lao nhanh về phía đường mòn.

Tôi đứng im như có gì giữ chân, một lúc lâu sau tôi mới nhặt lên một hình con trâu nặn bé tẹo, ngắm nghía một tí, vứt ra vườn rồi uể oải leo lên giường ngủ tiếp.

Đầu tôi bỗng đau như búa bổ, những cơn ác mộng dồn dập kéo đến, ông đạo sĩ xỉa những ngón tay ma quái trước mặt tôi múa may, lầm rầm thần chú, còn cô gái mặt trắng bợt đứng ở một góc tay cầm vạt khăn trắng thoắt ẩn thoắt hiện.

Lâm tỉnh dậy sau một đêm dài mộng mị. Đầu óc trống rỗng, không nhớ gì nữa, anh vò đầu bứt tai, lục lọi khắp nhà rồi bất lực chạy lên đỉnh đồi mà hét mà gào. Khắp mảnh đất mênh mông cây màu tốt tươi, chim chóc rộn ràng, một nơi thật yên bình là thế…

Lâm nằm ngửa mặt lên trời, hai hàng nước mắt khổ sở chảy ra, chân tay, đầu óc như thừa thãi. Mất cả tuần hoảng loạn, vô định ấy, Lâm bắt đầu cuộc sống của mình trong nghi hoặc.

Rồi anh chấp nhận ý nghĩ rằng đây là nhà của anh, đất của anh và anh không có chỗ nào khác để đi nữa. Ban ngày Lâm cũng làm vườn như thường, đêm đến lại vật vã với những cơn mơ.

Nhiều lần anh đi lang thang ra khỏi vùng đất của mình, có cái gì đó dẫn dắt anh đi nhưng lại không rõ điểm đến, rồi anh lại thất thểu trở về lán nhỏ. Mọi việc cứ tiếp diễn như thế trừ việc anh suốt ngày băn khoăn không biết mình là ai, không nhớ những gì trong quá khứ.

Có lần anh leo lên chuyến xe đường dài, rồi anh xuống một nơi cho anh cảm giác thân thuộc mơ hồ, anh lưu lại đó vài ngày để tìm hiểu sự thật về mình nhưng không tìm được.

Một buổi chiều muộn anh bước đi vô định trong con phố nhỏ, có tiếng người ở cuối ngõ, anh nấp mình vào một chỗ khuất nghe ngóng. Một người đàn bà bước ra khỏi cánh cửa sắt của một ngôi nhà cũ kĩ, cứ đứng bần thần như thế.

Bà Lan làm gì ở đấy thế?

Bác Tình à, Bác ăn cơm chưa? Tôi đang hóng gió.

Chợt người đàn bà hét lên: Thằng Lâm nó về, bác ơi, thằng Lâm về. Nó đã hứa rồi mà.

Tôi vừa thấy nó. Người đàn ông luống tuổi chạy nhanh ra từ căn nhà đối diện ôm chặt lấy người đàn bà mắt đang dáo dác tìm, rũ rượi gào khóc ngất lên ngất xuống, cứ như thế một hồi lâu cho đến khi được dìu vào nhà.

Lâm nhún vai khó hiểu rồi chưng hửng quay lại và lao nhanh lên chuyến xe đêm trở về nơi anh đang sống. Từ đấy anh không ra khỏi mảnh đất của mình nữa, ngày ngày mải mê với hoa màu, chim chóc.

Có một bàn tay vô hình nào đó níu tôi lại, không cho tôi thoát khỏi nơi này. Chúng tôi chăm sóc bầy khỉ và ngồi hàng giờ nặn những hình thù kì quái, không ai trò chuyện với ai, cứ lẳng lặng như câm như điếc.

Rồi người nhỏ thó đi đâu đó một tuần rồi trở về, gọi cả bốn chúng tôi ra nói: Thầy không về đây nữa. Các cô lập tức đi ngay. Ông xé bốn tờ bùa chú và chia cho mỗi người một ít đồ ăn.

Chúng tôi như chim sổ lồng, lao khỏi căn nhà ấy mà không ngoảnh đầu lại. Tôi một mình một hướng, trong đầu chỉ nghĩ phải đi thật xa nơi này, chứ chưa biết sẽ đến đâu. Hai lần mặt trời lặn tôi mới ra khỏi khu rừng núi đá u tịch, đói và mệt, tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Khi tỉnh lại thì đã ở trong một căn nhà nhỏ, ấm áp. Tôi không sợ, chỉ thấy người quá mệt mỏi, tay chân cử động khó nhọc. Một người thanh niên ngồi bên bếp lửa, tra từng đợt củi khô, lửa cháy đượm, anh ngồi bần thần rồi bất chợt quay lại làm tôi giật nảy mình.

Anh mỉm cười: Cô tỉnh rồi à, tôi thấy cô ngất đi ở bên khi đồi, tôi đã mang cô về đây. Anh ta vừa múc cháo trong nồi vừa chậm rãi nói. Tôi đón lấy ăn một cách ngon lành rồi lại thiếp đi. Sáng hôm sau tôi dậy sớm, đến ngồi bên bếp lửa đã nhen sẵn.

Anh xuất hiện từ phía cửa bảo: cô cứ yên tâm ở đây cho khỏe rồi đi đâu hẵng đi. Tôi sẽ không làm hại cô. Tôi ra ngoài tí đây. Đừng đi đâu nhé. Một cái gì đó ấm áp nhen nhóm trong tôi, có lẽ là niềm tin - thứ mà tôi đã mất đi từ rất lâu rồi. Trưa, anh soạn cơm rồi mời tôi ra ăn. Đúng là người này, bốn năm trước tôi đã gặp anh, hình như cũng tại đây. Khi anh đang xới cơm vào bát, tôi mạnh dạn cất lời: Mấy năm rồi, anh vẫn sống ở đây à?

Chợt anh hoảng hốt, đánh rơi cả bát cơm: Cô biết tôi? Nói đi, tôi là ai? Sao tôi lại thành ra như thế này?

Tôi sợ hãi vì đôi tay rắn chắc của anh lay mạnh vai tôi. Lẽ nào tôi nhận nhầm người, tôi ấp úng: Tôi không biết!

Anh buông tôi ra, ngồi phịch xuống đất, nước mắt rơm rớm đau khổ: Sao tôi lại thế này, tôi không nhớ gì hết, tôi không biết tôi là ai… Rồi anh chạy vụt ra khỏi nhà. Lúc sau tôi nghe tiếng hét của anh ở phía đỉnh đồi. Tôi bàng hoàng ngồi đó, chợt nhớ lại chuyện ông Ứng, có lẽ lần đó ông ta đã làm cho anh ra thế này. Chắc chắn phải có cách chữa. Có gì đó thôi thúc tôi phải cứu anh, tìm lại trí nhớ cho anh. Nghĩ vậy tôi chạy một mạch về lại cái nơi tăm tối.

Người nhỏ thó nhìn tôi ngạc nhiên: Đi đi, đừng bao giờ quay lại.

Mau đưa tôi thuốc giải, chắc chắn ông biết làm thế nào để lấy lại trí nhớ.

Cô bị thầy làm phép à? Tôi không giúp được. Thầy đi theo hầu tổ tiên rồi.

Tôi bàng hoàng, tôi đã từng nguyền rủa cho ông ta chết đi nhưng giờ tôi lại không muốn đó là sự thật, ông ta còn sống thì mới mong có thuốc giải.

Rồi như động lòng thương, người nhỏ thó cùng tôi lục tìm khắp nhà, bao nhiêu là chai là lọ không biết đâu là thuốc giải nữa. Người nói: phải biết thầy yểm vào con nào thì mới giải được.

Đến lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì chúng tôi tìm được một cái hộp trong đựng một lọ nhỏ, nước trong vắt, có 1 cây cỏ màu xanh ngâm trong đó, có rễ có lá; một lá bùa có mấy câu, người nhỏ thó nheo mắt đọc:

Là voi thì tưới lên vòi

Là trâu mau đổ lên đầu mới xong

Lọ nhỏ chôn dưới đất sâu

Cây chồi nảy lộc tốt tươi

….

Tôi ôm lấy hộp, giật lấy tờ bùa rồi cắm đầu chạy về nơi anh. Người nhỏ thó gọi với theo: Còn một câu nữa đấy…

Anh đang lúi húi ngoài vườn rau, tôi chạy đến, nói không ra tiếng: tôi sẽ tìm lại trí nhớ cho anh, mau vào đây.

Anh chạy theo tôi vào nhà. Ngồi im trước mặt tôi như một đứa trẻ ngoan, như chờ đợi thoáng tò mò.

Chợt tôi sững lại. Là trâu hay là voi nhỉ. Ông ấy ném vào anh con gì?

Anh ngơ ngác: Là sao? tôi không biết gì hết.

Tôi chút phân vân rồi nhanh chóng đi đến quyết định một nửa đổ lên đầu, một nửa uống. Nếu được thì trí nhớ sẽ quay về dù là không trọn vẹn. Anh thiếp đi trong vòng tay tôi, tôi lo lắng, hồi hộp. Một ngày một đêm thì anh tỉnh lại, hoảng hốt:

Cô gái, ông ta không làm hại cô chứ?

Tôi ôm chầm lấy anh, khóc nức nở, khóc như chưa từng được khóc.

Cô sao thế? Cô bị đau ở đâu à? Cô đừng đi theo tên đạo sĩ kia nữa, tôi thấy ông ta không được tốt.

Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Đêm đó, bên bếp lửa tôi đã kể cho anh nghe tất cả, hơn một lần anh ôm lấy tôi, lau nước mắt cho tôi, an ủi tôi và hứa sẽ che chở, bảo vệ tôi. Chợt anh giật mình hỏi tôi: mấy năm rồi? - 4 năm.

Thôi chết, tôi đã quá hẹn với một người hai năm rồi, mai tôi phải đi sớm, cô ở đây chờ tôi về nhé, dù sao cô cũng chưa biết đi đâu mà, cứ ở đây, tôi sẽ trở lại nhanh thôi. Khi tôi thức giấc thì đã không thấy anh đâu nữa.

Chuyến xe buổi sáng đưa tôi về với mẹ, mẹ tôi ngất lịm khi nhìn thấy tôi. Bác hàng xóm tốt bụng cũng có mặt, kể cho tôi nghe về những ngày tháng mẹ chờ đợi tôi đến tuyệt vọng.

Tôi bên mẹ hạnh phúc, đầm ấm. Mẹ tôi như trẻ lại, ngày ngày chăm chút cho tôi như một đứa trẻ, nấu cho tôi những món ngày trước tôi vẫn thích.

Ba tuần trôi qua thật nhanh, tôi nói với mẹ tôi phải đi nhưng sẽ sớm trở về, tôi hứa sẽ mang về cho mẹ một món quà, một bất ngờ… Trong lòng tôi lúc đó nghĩ đến người con gái đã cứu tôi, tôi muốn chăm sóc cô đến hết đời như một sự đền đáp.

Tôi mua một ít đồ dùng và quần áo cho cô, háo hức mong chờ phút giây gặp cô.

Tôi gọi, tôi tìm khắp nhà. Rồi tôi như chết đứng, sau vườn, xác cô gái đang phân hủy. Là sự thật. Tôi khóc như mưa, tôi hét thấu trời, tôi trách trời đất đã bất công với tôi, với cô. Tôi trách tôi đã để cô đợi quá lâu. Cô đã vì tôi mà chịu lời nguyền này. Đến lúc đó tôi mới hiểu hết được. Tôi tìm thấy lá bùa trên người cô:

Là voi thì tưới lên vòi

Là trâu mau đổ lên đầu mới xong

Lọ nhỏ chôn dưới đất sâu

Cây chồi nảy lộc tốt tươi

Người chôn theo lọ chẵn hai mươi ngày.

Bên mộ cô, một khóm cây lạ mọc lên xanh tốt, hoa nở quanh năm, hương thơm lan tỏa khắp mảnh đất rộng lớn. Sau này tôi đưa mẹ ra đây và nói với mẹ: Vợ con đấy! Mẹ nhìn tôi vẻ khó hiểu.

Tôi mỉm cười: Là một thiên thần, cô ấy đang ở một nơi xa và mang lại sự sống, niềm hạnh phúc cho nơi đấy mẹ ạ...

Lá bùa ảnh 1
 

“Lá bùa” là một truyện ngắn lạ. Không phải ở cách viết với hai cái tôi nhân vật song song (cách viết này không mới nhưng vẫn luôn khó), mà ở cách tạo ra một không khí huyền hoặc, bí hiểm, thậm chí ma mị. Những con người đi tìm lại bản thân mình, thứ đã bị người khác tước đoạt - khá ảm ảnh.

Cô gái sinh năm 1990 này đã có thơ và truyện ngắn đăng trên một số báo, tạp chí văn nghệ. Nguyễn Hiền bộc bạch rằng khi viết cô “không chau chuốt câu từ mà viết ra một cách tự nhiên và hầu như không chỉnh sửa”, nhưng cô “đặc biệt chú trọng đến cái kết”.

Nguyễn Hiền tên thật Nguyễn Thị Hiền, hiện đang là sinh viên lớp K11 Khoa Viết Văn - Viết Báo - Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội.

Truyện ngắn của
Nguyễn Thị Hiền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.