> Một ngày của Mỹ Linh có gì lạ?
> Nhìn xa và nhìn xuống
Lan Anh có nghĩ đến việc hát những bài mới hơn, ra đời trong thập kỷ 1990 chẳng hạn?
Một vài bài của Dương Thụ, Phú Quang tôi cũng thích. Nhưng phải chọn bài phù hợp với mình, theo một ý tưởng xuyên suốt. Nhạc nhẹ nhưng thực sự phải khó thì Lan Anh mới hát được (cười).
Thời gian đi dạy có ảnh hưởng đến công việc của ca sĩ?
Lan Anh vẫn bố trí được. Hay là mình tham quá, không thấy ảnh hưởng gì. Có giai đoạn bẵng đi 5 năm mới ra album là do nhiều việc gia đình.
Nhưng là cô giáo, có khi không thể “hết mình” như ca sĩ thông thường?
Đúng là cô giáo thì xử sự có thể nói cũng rón rén hơn một chút. Thế nhưng trong nghệ thuật không khác gì nhau cả, lên sân khấu tất cả là nghệ sĩ, hết mình. Nếu hát nhạc nhẹ, Lan Anh cũng sẽ ăn mặc phù hợp. Sau này khán giả có thể thấy Lan Anh xuất hiện với gương mặt và trang phục hoàn toàn khác, có thể là cũng gợi cảm đấy, để phù hợp với ca khúc hoặc chương trình đó.
Hát thính phòng lại theo học khiêu vũ thể thao?
Mình học nhảy cổ điển từ lớp 8-9. Yêu nhảy. Không phải học để thi nhảy, mà để giải phóng cơ thể, lên sân khấu tự tin hơn. Hai nữa là giảm stress. Thứ ba nữa, rõ ràng là khỏe hơn và người đẹp hơn. Lan Anh thuê thầy dạy riêng, rỗi lúc nào học lúc ấy. Vui, thú vị. Biết đâu khiêu vũ thể thao lại giúp mình trong album sắp tới.
Lan Anh thấy học sinh của mình đam mê với dòng thính phòng đến đâu?
Nói chung có cảm giác các em không đam mê bằng thời của Lan Anh. Có lẽ vật chất đầy đủ hơn, tiếp cận thông tin nhiều hơn, nên sự học hành không thiết tha như xưa. Ngày xưa, càng nghèo, càng tỉnh lẻ lên Hà Nội học càng cố gắng, mơ hát ở Nhà hát Lớn. Các em bây giờ hôm nào được nghỉ là vui lắm. Không buổi dạy nào đủ học sinh cả, dù tôi chỉ dạy 5-7 em. Đấy là nói chung, còn dòng thính phòng phải nói là hiếm em đủ khả năng theo, trong khi dân gian rất nhiều. Vào trường, các em đều học kỹ thuật thính phòng hết, nhưng để theo sâu dòng thính phòng khó tìm người quá.
Chị từng đầu tư gần 700 triệu đồng cho một dự án âm nhạc. Hiếm ca sĩ thính phòng bạo chi như chị?
Không ai chê tiền, nhưng Lan Anh không để nó ảnh hưởng quá đến âm nhạc. Tất nhiên người có kinh tế làm âm nhạc tốt hơn rất nhiều, không phải trăn trở lo toan. Không biết các ca sĩ khác thế nào, nhưng tôi luôn dành dụm tiền để làm nhạc.
Ca sĩ nhạc thính phòng có được đại gia để ý như nhạc trẻ?
Chẳng biết mọi người quan niệm đại gia thế nào, nhưng Lan Anh nghĩ một phụ nữ tài năng, tinh tế, quyến rũ, dịu dàng thì hát dòng nhạc nào cũng vẫn hấp dẫn. Mọi người cứ gay gắt quá về đại gia với người đẹp, hay cứ ca sĩ là bị soi. Lan Anh chỉ nghĩ người đàn ông thành đạt đương nhiên phải giỏi giang. Mà người ta bảo trai tài gái sắc… Đó là sự rất bình thường của cuộc sống, chưa hẳn đã dính đến tiền bạc.
Các dự án âm nhạc của chị đã bao giờ có tài trợ?
Chưa, cho đến giờ phút này. Nếu dự án sắp tới căng thẳng quá thì có lẽ phải nhờ người đại diện đứng ra xin. Ca sĩ tự đi xin tài trợ không hay lắm. Có những người có khi tài trợ rồi sự đòi hỏi lại ở mức độ khác. Nhiều người rất nhiệt tình: Làm đĩa đi, anh rất muốn tài trợ em… Nhưng mình cảm thấy không an toàn, không nhận.