Vải Thanh Hà

Quốc lộ 31 chạy xuyên qua vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang) thường xuyên tắc nghẽn vì xe tải, xe thồ chở vải quá đông. Ảnh: Nguyễn Đoàn
Quốc lộ 31 chạy xuyên qua vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang) thường xuyên tắc nghẽn vì xe tải, xe thồ chở vải quá đông. Ảnh: Nguyễn Đoàn
TP - Tôi nhớ thế là đã 21 năm mới lại được ăn trái vải Thanh Hà. Một phần năm thế kỉ chứ có ít đâu. Một người bạn khoe về Thanh Hà hái vải, tôi ngỏ ý bạn dành cho vài trái. Ước muốn của tôi đã được bạn thỏa nguyện.

Bỗng nhớ lại một câu đố tuổi thiếu thời: “Da cóc bọc bột lọc, bột lọc bọc hòn son” là cái gì? Là quả vải đó. Ngồi bóc quả vải Thanh Hà, nhẩn nha ngắm màu trắng trong như thạch rau câu, nhớ vị giòn từ trái vải đã ăn 20 năm trước, một cảm giác thèm ứa nước miếng chạy suốt chân răng.

 Hôm nay tôi đã tìm lại được cảm giác ngọt ngào của vải Thanh Hà. Lại nhớ những năm sau ngày thống nhất đất nước, người Sài Gòn lần đầu ăn trái vải tâm sự với người Bắc được ăn trái xoài cát, xem ra ấn tượng mạnh ngang nhau. Mới biết sản vật quý thì ở đâu người ta cũng nhận ra ngay, không lâu la như phát hiện ra tố chất quý hiếm ở một con người.

Dã sử kể lại chuyện vua nhà Đường chờ hàng tháng trời để được ăn vải Thanh Hà khi mùa vải đến. Ông vua này luôn thèm trái lạ phương Nam. Với sự kiểm nghiệm hôm nay, mới biết sản vật trên đời  tương đồng với văn hóa vùng miền, đều có những giá trị không thể thay thế. Cũng như giống cam Bố Hạ, sản vật tiến vua ở làng Bố Hạ tỉnh Bắc Giang, vào mùa kết trái, cam được đếm từng quả, được đánh số… bởi nó là sản phẩm tiến vua…

Vải Thanh Hà ảnh 1

Nước ta có những trái cây đặc sản quý như vải Thanh Hà Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, cam Bố Hạ Bắc Giang, bưởi ngọt Đoan Hùng Phú Thọ, bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh, bưởi năm roi và bưởi da xanh ở miền Nam, cái ngon của nó đẹp rực rỡ  như văn hóa vùng miền tạo nên tiếng tăm. Có thể coi như giá trị đó tương đồng với văn hiến đất nước làm tăng lên tình yêu quê hương và là niềm hãnh diện của dân tộc. Là vật chất đấy nhưng giá trị tinh thần từ nó tạo ra sự bền vững không kém những giá trị văn hóa vùng miền. Nên đi đâu người ta đều nhớ về sản vật quê hương là vậy.

Từng có những ý định cải tạo nhân rộng, nhưng vải Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng… đem đi nơi khác, dù cố công chăm bón nó vẫn không còn ngon như trái cây ở miền đất sinh thành ra nó. Thế mới biết cái phẩm chất đất và khí hậu tạo nên sản vật có những điều bí hiểm mà khoa học ngày nay không dễ khám phá.

Lan man lại nhớ chuyện thời  Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu,  Án Anh đi sứ. Để làm nhục sứ giả vua Tề, vua Tần cho giải một người bị đánh máu mê be bét qua trước măt ông, mà rằng: Đó là người nước Tề sang ở  nước Tần ăn cắp, nay bị đánh đòn. Ý muốn nói người Tề có thói quen ăn cắp, sang Tần vẫn giữ thói xấu đó. 

Án Anh thản nhiên bảo rằng: Tôi nghe quýt Giang Nam ngọt, nhưng mang lên Giang Bắc trồng thì chua. Người nước Tề không ăn cắp ở nước Tề, khi sang Tần thì ăn cắp, có nhẽ tại thổ ngơi đó chăng. Lời biện giải của một sứ thần nước nhỏ đã làm cho vua Tần xám mặt bởi sự hiểu sâu sắc giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Cho thấy từ xa xưa, con người đã nhận ra rằng những giá trị văn hóa vùng miền là  không thể coi thường.

Lâu nay vào mùa vải, chủ yếu mọi người ăn vải Bắc Giang. Hàng vạn tấn vải Bắc Giang giống Thanh Hà nhưng vị không thể bằng được vải trên đất Thanh Hà. Trái to, nhưng hoặc là nhạt, hoặc là quá chua, trong khi vải Thanh Hà luôn đậm đà ngọt mát thanh tao.

Mới biết cải tạo giống cây còn khó huống chi muốn nắn văn hóa vùng miền theo một khuôn thức mới đâu có dễ dàng. Mới biết sự hình thành phẩm chất của một giá trị nào đó của cỏ cây, giống như văn hóa,  thì thời gian và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu chi phối  mạnh đến nhường nào.

Từ giá trị gốc, mới hiểu ra rằng sự du nhập văn hóa hay sự thèm muốn đồng hóa khi con người cưỡng bức bằng cải tạo, kết cục chỉ cho giống chua như quýt Giang Nam đem trồng trên Giang Bắc, như vải Thanh Hà nhân giống lên Lục Ngạn ở Bắc Giang, như bưởi Tri Đám Đoan Hùng đem hạt gieo trên đất khác.

Nhận biết được điều đó, trong đầu chúng ta đỡ đi một băn khoăn và bớt đi một phần duy ý chí. Những thứ mà chúng ta lâu nay hay ngộ nhận về sức mạnh ý chí của mình muốn cải tạo mọi thứ theo ý mình, nhiều khi chỉ đem lại những giá trị chua chát.

“Đất lề quê thói”  quả là tổng kết thâm thúy của tiền nhân. Nó hoàn toàn không phải là một nhận định ngẫu hứng, mà là quy luật muôn đời. Những nhà quản lý văn hóa ăn trái vải có nhận ra điều đó không?

MỚI - NÓNG