Ứng viên thủ tướng Nhật xác định ưu tiên cao nhất là đối phó Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Cựu ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. (Ảnh: NK)
Cựu ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. (Ảnh: NK)
TPO - Đối phó với Trung Quốc sẽ là ưu tiên cao nhất của chính phủ tiếp theo, ông Fumio Kishida, một ứng viên hàng đầu trong cuộc đua thay thế Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, cho biết.

Việc Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide bất ngờ quyết định từ chức đã mở ra một cuộc đua quyết liệt trong đảng LDP để chọn nhà lãnh đạo kế nhiệm.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, ông Kishida bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Về các vấn đề trong nước, cựu ngoại trưởng 64 tuổi cho biết ông muốn chi hàng chục nghìn tỷ yen để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế và mong người dân hợp tác thực hiện những biện pháp hạn chế đi lại để làm giảm mức độ lây nhiễm của dịch COVID-19.

Cựu quan chức ngân hàng này đã thua ông Suga trong cuộc đua giành vị trí chủ tịch đảng năm ngoái. Năm 2015, ông Kishida đạt được một thoả thuận mang tính dấu ấn với Hàn Quốc đến chấm dứt tranh cãi về những phụ nữ bị ép phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến 2. Nhưng thoả thuận đó sụp đổ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên cầm quyền, với quan điểm rằng hai chính phủ đã không tham vấn đầy đủ các nạn nhân.

Bên cạnh ông Kishida còn có một số gương mặt khác đang được đánh giá là nổi bật trong cuộc đua này.

Taro Kono, 58, Bộ trưởng cải cải hành chính

Ứng viên thủ tướng Nhật xác định ưu tiên cao nhất là đối phó Trung Quốc ảnh 1

Ông Taro Kono. (Ảnh: Bloomberg)

Trong gần 1 năm ông Suga làm thủ tướng, ông Taro Kono nổi lên như một trong những thành viên nổi bật nhất trong nội các. Ông Kono hiện là người phụ trách chương trình tiêm vắc-xin của Nhật Bản, trước đây đã đảm trách vị trí bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.

Là người thành thạo tiếng Anh, ông Kono được dư luận và các lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ. Ông chủ trương cắt giảm chi phí y tế và an sinh xã hội, vì chi phí này quá cao khi dân số Nhật chủ yếu là người già.

Ông Kono đã bắt đầu vận động các thành viên trong đảng ủng hộ để ông trở thành chủ tịch LDP. Ông thuộc nhóm do Bộ trưởng tài chính Taro Aso đứng đầu, và hy vọng nhóm này sẽ ủng hộ nếu ông chạy đua.

Ông Kono là chính trị gia được nhiều người theo dõi nhất trên Twitter và được nhiều người trẻ Nhật yêu mến, nhất là vì những cải cách như loại bỏ cách làm cổ xưa là đóng dấu vân tay vào các tài liệu chính thức.

Là cháu trai và con trai của hai chính trị gia nổi bật của LDP, ông Kono đã học tại trường nội trú tư thục Suffield ở Connecticut, Mỹ, trước khi vào ĐH Georgetown.

Shigeru Ishiba, 64 tuổi, cựu bộ trưởng quốc phòng

Ứng viên thủ tướng Nhật xác định ưu tiên cao nhất là đối phó Trung Quốc ảnh 2

Ông Shigeru Ishiba. (Ảnh: Bloomberg)

Cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba thường giành được tỷ lệ ủng hộ thuộc mức cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận về ứng viên thủ tướng. Ông cạnh tranh với ông Suga cách đây 1 năm nhưng lần này vẫn chưa tuyên bố ý định tranh cử.

Ông Ishiba đề cao những chính sách kinh tế được đánh giá là dân tuý hơn so với ông Suga và chủ trương thúc đẩy thị trường trong nước để giảm phụ thuộc vào ngoại thương. Về các vấn đề quốc tế, ông thể hiện thái độ ôn hoà với Trung Quốc hơn và thể hiện thận trọng với việc thay đổi hiến pháp để làm rõ vai trò pháp lý của quân đội.

Cựu thủ tướng Shinzo Abe, người đã từ chức cách đây 1 năm vì lý do sức khoẻ, được đồn là có thể quay lại chính trường. Nhưng có vẻ những người trong đảng và dư luận không hào hứng lắm với ý tưởng này.

Cựu bộ trưởng nội vụ Sanae Takaichi cho biết bà cũng muốn tranh cử để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật. Nhưng có vẻ bà không nhận được nhiều ủng hộ trong đảng với đa số thành viên là nam giới.

Cựu bộ trưởng nội vụ Seiko Noda có kế hoạch tranh cử, nhưng có vẻ bà cũng gặp trở ngại tương tự bà Takaichi.

Hakubun Shimomura, quan chức phụ trách chính sách của LDP, người đã rút lui sau khi ông Suga trở thành ứng viên được yêu thích trong cuộc chạy đua năm ngoái, cũng có thể ra tranh cử một lần nữa.

Theo NK, Bloomberg
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.