U men răng: Bệnh lớn, biểu hiện nhỏ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Khi răng lung lay hay bị sâu, bạn nghĩ nhổ bỏ là giải quyết được vấn đề. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một khối u đã tồn tại trong cơ thể bạn nhiều năm.

Mất xương hàm vì u răng

Gần đây, chị Nguyễn Thị Tình, 40 tuổi, Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội không có biểu hiện sưng đau nhưng mặt cứ lệch dần sang một bên. Bạn bè có nhận xét “Bà này có chuyện gì mà tới cơ quan, mặt cứ méo xệch thế kia”. Chị Tình bảo “Không, chả giận ai”.

Một vài ngày sau, chị Tình vẫn liên tiếp nghe câu nói tương tự. Chị tự soi vào gương thì thấy mặt mình méo thật. Một tuần sau khi nghe những nhận xét của bạn bè thì mặt chị đã méo đi một cách dễ dàng nhận ra. Người bảo “Ngáp phải lúc gió độc nên méo miệng rồi”, người tỏ ra kinh nghiệm hơn thì bảo “Trúng gió làm liệt dây thần kinh số 7 rồi, đi châm cứu ngay đi”.

Chị Tình hoảng hốt đến thầy thuốc Đông y, bấm buyệt, xoa bóp nhưng nửa tháng vẫn không khả quan. Chị đến viện khám, bác sĩ cho chụp phim mới phát hiện chị bị u men răng. Bệnh đã phá hủy u khối xương hàm dưới. Bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật cắt nửa xương hàm dưới để lấy khối u. Nhưng bệnh vẫn chưa khỏi hẳn, sau đó chị phải phẫu thuật cắt bỏ cả xương hàm dưới. Ngày ra viện, chị như người trầm cảm, chán ăn, không muốn nói và tự ti vì phải mang hàm giả.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy (1411 Giải Phóng, Hà Nội) mới 26 tuổi nhưng răng đã bị lung lay buộc phải nhổ. Sau khi nhổ, ngày nào chị cũng kêu đau, khó nhai, các răng bên cạnh cũng có triệu chứng tương tự. Lần này đi khám lại, bác sỹ mới phát hiện ra chị bị u men răng khiến vết thương không lành. Chị cũng phải trải qua ca phẫu thuật khoét rộng để lấy bỏ khối u.

TS. Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi tháng bệnh viện điều trị cho khoảng 5-7 trường hợp bị u men răng, bệnh chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên và tuổi trung niên. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn, khi đã sưng vùng mặt, lung lay răng, rụng răng nên khó bảo toàn được răng.

Nhiều bệnh nhân bị lép mặt, mang hàm giả hoặc phải ghép xương hàm bằng xương tự thân (sụn sườn và thân sườn hoặc xương mào chậu). Bác sĩ Hải còn cho biết chi phí cho những ca bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ, lắp ghép xương hàm thường không dưới 40 triệu đồng; việc tái tạo diễn ra rất phức tạp và cũng không thể giúp hồi phục hoàn toàn.

Thành ác tính vì hay tái phát

TS. Phạm Như Hải nhấn mạnh, về bản chất thì u men răng chủ yếu là u lành tính nhưng vì tỷ lệ tái phát cao nên chúng bị coi là u ác tính. Khi bị u nếu không được điều trị đúng, u không chỉ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm, khớp thái dương hàm... mà còn thoái hóa, di căn vào máu và hệ bạch huyết. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là hầu như người dân không biết tới bệnh này, chỉ thấy răng bị lung lay là nhổ bỏ. Từ lúc có bệnh đến khi phát hiện ra cũng thường mất khoảng 2-3 năm.

Lúc đầu, bệnh rất khó được phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, bệnh nhân vẫn ăn uống được bình thường, bệnh tiến triển âm thầm, chỉ đến khi bị sưng, bị lệch mặt, răng lung lay... mới đi khám. Nhiều người còn nghĩ do tuổi tác nên răng yếu, lung lay hoặc sâu răng là chuyện thường và cố chịu đựng. Đến khi khuôn mặt bị biến dạng thì xương hàm đã bị hủy hoại, bắt buộc phải cắt bỏ.

Nhiều người thấy răng bị sâu, lung lay thì vội vàng đi khám nhưng không ít bác sĩ chỉ khám sơ sài rồi chỉ định cho bệnh nhân nhổ bỏ răng tổn thương. Theo bác sĩ Hải, tình trạng này không phải ít vì khối u chỉ được phát hiện bằng cách chụp X-quang toàn bộ xương hàm, trong khi đó nhiều phòng khám không trang bị đầy đủ thiết bị, bệnh nhân lại muốn “giải quyết cho nhanh”.

Muốn phát hiện sớm: Chi phí rẻ lắm!

Phòng hơn chữa là phương châm quen thuộc của ngành y. Nhưng với u men rằng thì phòng bệnh cũng không hề dễ. Giải thích nguyên nhân phòng cũng khó, bác sỹ Hải nói: Hiện nay, bác sĩ cũng chỉ biết u men răng là do sự phát triển bất thường của tổ chức răng mà chưa rõ nguyên nhân nên chưa đầy đủ thông tin khuyến cáo về phương pháp phòng. Nhưng nhiều trường hợp khi phát hiện u răng thì thường có tiền sử sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương vùng răng.

Vì vậy, bạn nên tránh các tổn thương này bằng giữ vệ sinh răng miệng. Đồng thời các đối tượng đã có những triệu chứng này cần khám răng thường xuyên, cần chụp chiếu trước khi yêu cầu nhổ răng. Vì khó phòng nên bác sĩ Hải khuyên để tránh biến chứng nguy hiểm vì phát hiện muộn, bạn nên chụp X-quang răng định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Chi phí cho một lần chụp chỉ 60.000-80.000đ.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".