Tương quan lực lượng khi xảy ra đụng độ NATO-Libya

Tương quan lực lượng khi xảy ra đụng độ NATO-Libya
TPO - Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý áp đặt vùng cấm bay đối với Libya, NATO đã ráo riết lên kế hoạch chi tiết để lệnh cấm bay. Các chuyên gia đã đánh giá tương quan lực lượng giữa hai bên nếu xảy ra đụng độ quân sự.
Máy bay chiến đấu Su-22 của không quân Libya. Ảnh: Skynet
Máy bay chiến đấu Su-22 của không quân Libya. Ảnh: Skynet.

Để thực thi lệnh cấm bay trên bầu trời Libya, một liên minh quân sự sẽ được hình thành với nòng cốt là NATO. Hàng trăm máy bay chiến đấu, ném bom, tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm và máy bay không người lái sẽ được huy động để tuần tra trên bầu trời quốc gia Bắc Phi này.

NATO đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực thi những hoạt động vậy. Các máy bay chiến đấu của khối quân sự này từng rất thành công trong việc thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Bosnia vào đầu những năm 1990, tại Kosovo vào nằm 1999. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, NATO chắc sẽ thắng nhưng chưa chắc đã thắng dễ dàng.

Khả năng phòng không của Libya.

Cũng như các quốc gia khác, lực lượng phòng không của Libya dựa vào các máy bay chiến đấu và những hệ thống tên lửa – pháo phòng không mặt đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lực lượng không quân Libya không đáng kể so với phương Tây.

Kể từ những năm 1980, do hậu quả của lệnh cấm vận, các máy bay chiến đấu của quốc gia Bắc Phi này thiếu trang thiết bị thay thế, không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Do vậy, dù có lực lượng tới hơn 400 máy bay chiến đấu các loại, không quân Libya cũng sẽ khó có thể hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, hầu hết các máy bay của Libya chủ yếu được sản xuất từ những năm 1960 như loại tiêm kích bom Sukhoi Su-22, tiêm kích MiG21, 23 và 25 nhưng hầu như tất cả đều đã quá lạc hậu khi tiến hành các cuộc không chiến hiện đại. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu phi công chiến đấu có kinh nghiệm cũng là một hạn chế của không quân Libya.

Các tên lửa phòng không tầm xa của Libya cũng ở trong tình trạng tương tự khi đã quá lạc hậu và hỏng hóc quá nhiều do không có phụ tùng thay thế.

Hiện nay, mối lo ngại thực sự cho các chuyên gia quân sự NATO lại nằm ở các bệ pháo phòng không và các tên lửa vác vai tầm ngắn. Đây là các loại vũ khí từng phát huy hiệu quả tốt chống lại máy bay của NATO trên bầu trời Kosovo vào năm 1999.

Hàng ngàn bệ pháo và các hệ thống tên lửa vác vai tầm ngắn sẽ làm các máy bay của NATO khó có thể xuống thấp hơn độ cao 5km. Do vậy, hoạt động không kích chỉ có thể tiến hành ở tầm cao lớn với các loại vũ khí chính xác, đắt tiền.

Một lo ngại khác đối với NATO là hàng chục máy bay trực thăng vũ trang Mi-17 và Mi-24 của quân đội Libya. Kinh nghiệm tại chiến trường Bosnia cho thấy, các máy bay của NATO khó có thể bay nhanh đến hiện trường để tiêu diệt loại máy bay này.

NATO có gì?

Nếu quyết định sử dụng biện pháp quân sự với Libya, NATO có thể nhanh chóng triển khai khoảng 200 đến 300 máy bay chiến đấu hiện đại đang được bố trí rải khắp từ Gibraltar tới Hy Lạp và từ các tàu sân bay của Mỹ và Pháp đang có mặt ở Địa Trung Hải.

Những máy bay chiến đấu hiện đại có thể kể đến là Eurofighter Typhoons của Anh, Italia và Tây Ban Nha, máy bay Dassault Rafale của Pháp và F-18 Super Hornet của hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu của NATO sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trên không so với các máy bay của Libya do có sự hỗ trợ của những máy bay do thám, cảnh báo sớm có tầm quét của ra-đa lên tới 320km. Những chiếc máy bay này có thể bao quát hầu hết các hoạt động trên không và hướng dẫn cho các máy bay chiến đấu tiêu diệt những mục tiêu xâm phạm vùng cấm bay.

Mỹ cũng có một số lượng tàu chiến và các phương tiện chiến đấu khác trong khu vực. Đó là tàu ngầm hạt nhân USS Providence trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tàu đổ bộ USS Ponce, USS Kearsarge cùng khoảng 400 lính thủy đánh bộ và hàng chục trực thăng quân sự. Không dừng ở đó, tàu chỉ huy USS Mount Whitney cùng các tàu khu trục USS Mason, USS Barry và USS Stout cũng góp phần làm sức mạnh của liên quân tăng đáng kể.

Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, các máy bay chiến đấu thực thi vùng cấm bay sẽ xuất phát từ những căn cứ của NATO tại Sigonella, Sicily, Aviano ở phía bắc Italia, Istres ở phía nam nước Pháp và Ventiseri-Solenzara ở Corsica.

Căn cứ không quân Trapani-Birgi của Italia tại mũi cực tây của đảo Sicily, cách Tripoli khoảng 500km về phía bắc, sẽ được sử dụng làm căn cứ cho các máy bay do thám, cảnh báo sớm trong chiến dịch quân sự chống Libya.

Hai tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp hiện đang ở Toulon và USS Enterprise của Mỹ đang ở biển Đỏ cũng sẽ được sử dụng làm bàn đạp tấn công Libya nếu chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, phải mất vài ngày nữa hai chiếc tàu sân bay này mới đến khu vực tác chiến.

Bên cạnh máy bay có người lái, những chiếc máy bay cảnh báo sớm và tấn công không người lái như Reaper và Predator với những quả tên lửa đối đất Hellfire sẽ giúp liên quân chiếm ưu thế hơn nữa so với quân đội Libya.

Theo các nhà phân tích quốc tế, nhiệm vụ lần này đối với liên quân do NATO đứng đầu có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với chiến dịch từng triển khai tại bán đảo Balkan hồi những năm 1990 nhưng chắc chắn những phi công của NATO cần phải cẩn trọng đề phòng những bất ngờ mà quân đội Libya có thể giáng trả.

Linh Huy
Theo AP, Reuters

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.