Tướng Lê Quý Vương nói vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ 'truy đến cùng'

TPO - Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 4/11 về việc truy nã ông Trịnh Xuân Thanh-Nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an cho biết: "Đây là trường hợp truy nã vô thời hiệu, sẽ truy đến cùng".

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Bộ luật Hình sự phân loại tội phạm thành 4 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh là mức độ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên lệnh truy nã vô thời hiện. "Không có thời gian kết thúc, sẽ truy đến cùng", Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định.

Tướng Lê Quý Vương nói vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ 'truy đến cùng' ảnh 1

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an. Ảnh: Như Ý

Tướng Vương cho rằng nên thông tin để kêu gọi, vận động ông Trịnh Xuân Thanh trở về nước đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

“Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu. Tôi cũng muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh. Là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bây giờ gây ra như vậy, Thanh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ trốn".

Luật pháp Việt Nam lượng khoan hồng rất lớn, quan điểm của con người Việt Nam rất nhân đạo, truyền thống dân tộc là đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Tôi nói Thanh khó mà lẩn trốn được”, ông Vương nhắn nhủ.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án trọng điểm, phải làm thấu đáo.

"Đây là vụ án mà nhân dân rất quan tâm. Thua lỗ có phải 3.300 tỷ đồng không? Cá nhân các đối tượng có sai phạm như thế nào? Có tham ô, tư lợi không", tướng Vương cho biết.

Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là rời khỏi Việt Nam khoảng cuối tháng 7. Khi đó ông đã gửi đơn đến tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.

Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây.

Chiều 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.

Cựu tổng giám đốc PvTex 'đi chữa bệnh', có ngăn được không?  

Nói về trường hợp một số cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng công tác điều tra về vụ án kinh tế hết sức khó khăn.

"Công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực qua lại rất thuận lợi. 

Rồi có dư luận nói có tài khoản nước ngoài, thẻ xanh, có một số người có thẻ APEC có thể đi lại một số nước trong khu vực, nên rất khó khăn.

Còn quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai, xuất nhập khẩu qua lại qua biên giới, sân bay. Biên giới rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa nên đối tượng lợi dụng đi lại rất dễ dàng”.

Nói về khó khăn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật bỏ trốn, Thứ trưởng Vương nêu rõ: "Theo Bộ luật Hình sự, một người chỉ có tội khi tòa án có bản án, bản án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo Viện kiểm sát phê chuẩn nên rất khó để điều tra.

"Quản lý công dân qua nhân hộ khẩu thì rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ này lại tạm trú chỗ khác, đi làm đi ăn thế này thế khác. Bối cảnh như thế nên lực lượng công an rất khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ được. Còn đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, đảng viên làm sao có thể cấm họ đi khỏi nơi cư trú?”, Thứ trưởng Vương nói.

Tướng Lê Quý Vương nói vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ 'truy đến cùng' ảnh 2 Ông Vũ Đình Duy (áo đen)-cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí
Về trường hợp của ông Vũ Đình Duy-cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) - chủ đầu tư dự án nghìn tỷ thua lỗ, đã vắng mặt nhiều ngày qua ở nhiệm sở với lý do "đi chữa bệnh", Thứ trưởng Vương cho hay: “Tôi chưa biết trường hợp cán bộ Bộ Công Thương là thế nào, nhưng về nguyên tắc cán bộ có bệnh thì phải đi chữa. Bộ Công an chưa nhận được thông báo... Không thể nói đi ra nước ngoài là bỏ trốn. Họ bảo đi chữa bệnh, nhà báo bảo họ bỏ trốn, mai kia họ về thì ai cải chính? Nói phải có sách mách có chứng”, Thứ trưởng Vương cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong tối 3/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã nhận được báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về việc ông Vũ Đình Duy, Thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn, nhiều ngày không đến cơ quan với lý do đi chữa bệnh.

“Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh này và đã chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có trách nhiệm xem xét việc chấp hành pháp luật của cán bộ của tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo thông tin của Tiền Phong từ Bộ Công Thương, ngày 2/11, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về việc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex),  không có mặt ở cơ quan nhiều ngày qua mà không được sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.

Một đại diện Tập đoàn Hóa chất cũng xác nhận từ hơn 1 tuần nay, ông Duy đã không có mặt ở cơ quan và xin phép nghỉ ốm và đi chữa bệnh đến hết tuần. Theo vị này, Vinachem đã nhiều lần liên lạc để yêu cầu ông Duy có mặt tại cơ quan nhưng không được.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.